“Lâu đài Janwaar” ở Ấn Độ: Con đường đến trường của trẻ em vùng khó

“Lâu đài Janwaar” ở Ấn Độ: Con đường đến trường của trẻ em vùng khó

Không tới trường học, không được trượt ván

Hàng sáng, những đứa trẻ tại làng Janwaar, bang Madhya Pradesh đều chạy vào khu vực cất ván trượt. Kẹp ván dưới cánh tay, bọn trẻ chạy qua một cái giếng lớn - nguồn cung cấp nước chính cho nhiều gia đình ở đây. Các em từ từ trượt ván trên nền bê tông vẫn còn sạch của “Lâu đài Janwaar” - công viên trượt ván mới nhất Ấn Độ.

“Lâu đài Janwaar” được khai trương vào tháng 1/2020, nhằm thay thế công viên trượt ván cũ được xây dựng cách đó vài trăm mét vào năm 2015. Bao quanh khu công viên mới này là những cây ngũ cốc nằm ở rìa của Janwaar - ngôi làng có khoảng 150 hộ gia đình ở vùng nông thôn Madhya Pradesh, một trong những bang nghèo nhất Ấn Độ.

Thường có khoảng 50 trẻ em trượt ván tại “Lâu đài Janwaar” vào buổi sáng. Một số trẻ chập chững bước lên những tấm ván, rồi lại ngã nhoài. Trong khi vài đứa trẻ lớn hơn khuyến khích nhau thực hiện những động tác phức tạp.

Tuy nhiên, khi tiếng chuông vang lên từ trường học bên cạnh công viên, những tấm ván nhanh chóng được thả xuống. Các em nhỏ tại đây vội vã tiến vào trong trường. Viễn cảnh này được nhiều người nhận xét là bức tranh minh họa cho mục đích thực sự của công viên.

Ông Ulrike Reinhard - người sáng lập “Lâu đài Janwaar” và tổ chức phi lợi nhuận Đức mang tên “Rural Changmaker”, đã đặt ra 2 quy tắc dành cho những em nhỏ muốn trượt ván: “Không tới trường học, không được trượt ván” và “Ưu tiên nữ giới”. Kết quả là, trẻ em tại vùng nông thôn này của Ấn Độ thường xuyên tới trường. Trong khi đó, định kiến về nam - nữ cũng dần được xoá bỏ.

Arun Kumar (18 tuổi) chia sẻ, mẹ anh đã trở thành một bà nội trợ có gia đình khi chỉ mới 11 tuổi. Ở độ tuổi đáng lẽ đang phải tới trường, nhưng Kumar cho biết, anh “chỉ chơi và chạy quanh làng”. Trong khi đó, Asha Gond (20 tuổi) - Giám đốc của

“Barefoot skateboarders”, một nhánh của “Rural Changemakers”, cho hay: “Trước khi có công viên trượt ván, những đứa trẻ không cần đến trường”. Tuy nhiên, kể từ khi công viên được khai trương, có khoảng 80 trẻ em hiện theo học tại trường tiểu học trong làng. Trong đó, số HS trung bình tăng từ khoảng 25 - 50.

Xóa bỏ định kiến về giới tính

Bên cạnh việc giám sát công viên, Asha Gond cũng là người chịu trách nhiệm tổ chức lớp học thêm cho trẻ em. Cô thường xuyên đến New Delhi để được đào tạo nhận học bổng từ tổ chức phi chính phủ và hy vọng sẽ sớm được dạy toàn thời gian tại làng.

Gond chia sẻ, do có không ít lời phàn nàn về tiêu chuẩn giảng dạy hiện tại, cô cần tổ chức thêm lớp học của mình. Nổi tiếng với kỹ năng trượt ván điêu luyện và khả năng thấu hiểu trẻ em, Gond đã trở thành hình mẫu mà HS tại Janwaar noi theo. Nhiều người nhận định, điều đó rất có ý nghĩa trong một cộng đồng nơi mà nam giới vẫn có tiếng nói hơn.

Cùng với quy tắc “ưu tiên nữ giới”, vai trò Giám đốc của Asha Gond đã giúp sắp xếp lại thứ bậc giới tính ở trẻ em trong làng. Theo ông Reinhard, nếu không có luật lệ, các cậu bé sẽ thống trị công viên. Thay vào đó, khi một HS nữ yêu cầu được lấy ván trượt, các em sẽ chia sẻ và không phản đối. Kết quả là, số nữ sinh chơi trượt ván nhiều ngang ngửa các nam sinh.

Giám đốc Asha Gond chia sẻ, nếu không phát hiện ra tài năng trượt ván của mình, có lẽ cô đã trở thành một bà nội trợ trong cuộc hôn nhân được sắp đặt.

“Khi tôi bắt đầu trượt ván, người dân làng thường nói những lời lẽ không hay với cha tôi. Khi đó, cha tôi đã yêu cầu tôi dừng trượt ván. Tôi đã nghĩ, tại sao tôi không thể làm những gì tôi muốn? Con trai làm bất cứ điều gì họ muốn. Mỗi ngày tôi đều khóc, nhưng sau khi khóc, tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn và những ý tưởng mới lại đến”.

Khi Gond giành huy chương trong các cuộc thi trượt ván, cha mẹ cô cũng dần thay đổi quan điểm và hiểu rằng, con gái họ không muốn một cuộc hôn nhân được sắp đặt.

Bên cạnh việc xoá bỏ rào cản về giới tính, sự tồn tại của “Lâu đài Janwaar” được cho là đã tạo ra một sự phân chia rõ ràng hơn: Giữa người trượt ván và người không trượt ván. Khi kết thúc giờ học tại trường, trẻ em trở lại công viên trượt ván, trong đó có cả những HS nữ đi dạo cùng một bó gỗ trên đầu để học cách giữ thăng bằng. Tuy nhiên, một số phụ huynh tại đây vẫn quyết định để con họ dành thời gian làm việc nhà, thay vì tới trường hoặc trượt ván.

Sau một thời gian hoạt động, công viên được nhiều người nhận xét là mang lại tác động tích cực đối với những trẻ em trong làng. Và, tác động của “Lâu đài Janwaar” đã được chú ý bởi những tổ chức bên ngoài Madhya Pradesh. Ông Reinhard cho biết, các cộng đồng làng khác đã quyết định xây dựng công viên trượt ván của riêng họ, sau khi nhận thấy thành công từ “Lâu đài Janwaar”.

Khi mặt trời lặn cũng là lúc những đứa trẻ miễn cưỡng trở về nhà sau khoảng thời gian ở trường và “Lâu đài Janwaar”. Asha Gond chia sẻ: “Cuộc sống là cuộc sống khi bạn thực hiện mục đích của riêng mình. Hãy làm những gì bạn muốn, đừng chỉ lắng nghe những gì người khác nói về bạn”.

Tỷ lệ đi học ở các vùng nông thôn như Madhya Pradesh thường khá thấp. Báo cáo tình trạng GD hằng năm của Ấn Độ trong năm 2018 cho thấy, chỉ 57,1% HS tiểu học trong độ tuổi từ 6 - 10 tham dự các đợt kiểm tra tại tiểu bang.
Đối với trẻ em từ 11 - 12 tuổi, con số này là 53,4%. Phần lớn phụ huynh trong làng thường không được học hoặc có rất ít kiến thức xã hội. Mức thu nhập của những gia đình này thường dưới 2.500 rupee (27 bảng) mỗi tháng. Vì vậy, họ không gây áp lực cho con trong việc học.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ