Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược. Theo đó “thuốc, nguyên liệu làm thuốc chỉ được nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế”.
Cửa khẩu Chi Ma không phải cửa khẩu quốc tế nên tuyệt nhiên các mặt hàng thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ không được nhập khẩu tại đây. Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma cũng không được phép tiếp nhận và làm thủ tục hải quan nhập hàng hoá là dược liệu.
Tuy nhiên, trong thời gian từ tháng 5/2019 đến tháng 12/2019, Lâm Đình Hưng và đồng phạm đã thực hiện vận chuyển trót lọt gần 5.000 tấn thuốc bắc lậu qua Cửa khẩu Chi Ma, thu lời bất chính số tiền hàng chục tỷ đồng.
Câu hỏi được đặt ra là các đối tượng đã dùng cách nào để qua mặt được sự kiểm soát của lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Chi Ma.
Thủ đoạn tinh vi
Theo kết luận điều tra vụ việc, Lâm Đình Hưng (SN 1986, trú tại xóm 9, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) khai từ năm 2014, Hưng cùng anh trai là Lâm Đình Hoài đã thành lập nhiều công ty tại Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn với ngành nghề kinh doanh là xuất nhập khẩu hàng hoá (thực phẩm, vải, máy lọc không khí…). Những mặt hàng này chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam để bán và dịch vụ vận tải hàng hoá nhập khẩu.
Ngoài việc kinh doanh hàng hoá nhập khẩu… từ tháng 5/2019 đến tháng 12/2019, Lâm Đình Hưng và Lâm Đình Hoài bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Thị Ngân (SN 1983, trú tại huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) tổ chức mua gom hàng thuốc bắc tại thị trấn Ái Điểm (Quảng Tây, Trung Quốc) rồi vận chuyển trái phép qua Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) về Việt Nam nhằm thu lợi bất chính.
Phương thức, thủ đoạn của nhóm người này là xếp lẫn thuốc bắc vào container, thùng hàng xe tải vận chuyển hoa quả khô và che giấu bằng việc khai báo hàng hoá nhập khẩu là hoa quả khô (chủ yếu là hoa cúc, hoa nhài, đỗ đen và một số mặt hàng tẩm ướp khác) tại Cửa khẩu Chi Ma.
Trong đó, Nguyễn Thị Ngân mua gom hàng thuốc bắc và hoa quả khô tại Ái Điểm (Trung Quốc), đóng hàng, thuê xe, vận chuyển về Cửa khẩu Chi Ma.
Lâm Đình Hưng sử dụng các công ty do mình thành lập để khai báo hải quan nhập khẩu qua Cửa khẩu Chi Ma các mặt hàng chủ yếu là hoa quả tẩm ướp, hoa cúc… để được phân luồng vàng (chỉ kiểm tra giấy tờ, không kiểm tra thực tế hàng hoá) sau đó được vận chuyển về kho Long Vỹ để quản lý và giao cho các lái xe vận chuyển giao hàng cho khách trên cả nước và thu tiền cước.
Để thực hiện hành vi buôn lậu, Hưng thuê một số cá nhân, phân công nhiệm vụ cho từng người làm việc tại kho Long Vỹ. Sau khi khách nhận được hàng thuốc bắc, Hưng giao cho các lái xe thu hộ tiền hoặc yêu cầu khách chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng của Hưng và đồng bọn.
Ngày 30/3/2019, Nguyễn Thị Ngân báo cho Lâm Đình Hưng biết có xe Trung Quốc BKS: FA 1793 chở thuốc bắc chuẩn bị xếp hàng để trở về Việt Nam và gửi cho Hưng danh sách hàng hoá.
Sáng ngày 3/12/2019, Ngân gọi điện báo cho Hưng xe sẽ về Cửa khẩu Chi Ma vào buổi chiều cùng ngày để Hưng chuẩn bị đón hàng và làm thủ tục nhập khẩu.
Nhận được tin, Hưng chỉ đạo người làm thủ tục nhận hàng, khai báo hàng hoá nhập khẩu, thuê cửu vận bốc vác và lái xe chở về kho Long Vỹ.
Nhận lệnh của Hưng, Trần Văn Quang đã gọi Nguyễn Văn Khanh và Nguyễn Trọng Chiến điều khiển 2 xe tải chở 2 container hàng lên Cửa khẩu Chi Ma để sẵn sàng sang tải hàng hoá.
Ngày 4/12/2019, Quang làm thủ tục khai báo hải quan nhập khẩu hơn 19 tấn hoa cúc, hoa nhài và hạt đỗ đen theo tờ khai hàng hoá nhập khẩu của Công ty TNHH XNK Ninh Hiệp.
Nhóm người này tổ chức cho công nhân bốc vác toàn bộ số thuốc bắc và hoa quả khô từ 2 xe Trung Quốc sang 2 xe tải của Trần Văn Khanh và Nguyễn Trọng Chiến.
Sau khi ra khỏi Cửa khẩu Chi Ma, 2 xe hàng này đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ.
Tài liệu cơ quan chức năng thể hiện, thời điểm kiểm tra, lô hàng bị thu giữ có số lượng hơn 50 tấn thuốc bắc, hoa nhài, hoa cúc và hạt đỗ đen khô. Trị giá ước tính của lô hàng là gần 5,5 tỷ đồng. Trong đó, có gần 45 tấn là thuốc bắc có giá trị hơn 4,2 tỷ đồng.
Tiến hành điều tra mở rộng, cơ quan chức năng thu thập được trong quá trình khai thác dữ liệu máy tính xách tay của Nguyễn Văn Thắng được thu giữ xác định từ tháng 5/2019 đến tháng 11/2019, Lâm Đình Hưng và đồng bọn đã tổ chức vận chuyển hơn 4.752 tấn thuốc bắc từ Ái Điểm về Việt Nam để giao cho 288 khách hàng trên cả nước với tổng tiền cước vận chuyển gần 60 tỷ đồng.
Có sự tiếp tay của cán bộ Cửa khẩu Chi Ma?
Trong số 288 khách hàng nêu trên, có đến 30 khách hàng không có thông tin cụ thể. Số khách hàng còn lại được phân bố tại 22 tỉnh, thành phố trên lãnh thổ Việt Nam gồm: Bắc Giang (2), Bắc Ninh (3), Bình Định (7), Cao Bằng (1), Lạng Sơn (7), Đà Nẵng (3), Đắk Lắk (2), Hà Nội (131), Hà Nam (1), Hải Dương (6), Hải Phòng (5), Kon Tum (1), Lâm Đồng (1), Nam Định (12), Nghệ An (5), Hưng Yên (14), Ninh Bình (1), Lâm Đồng (1), Nam Định (12), Nghệ An (5), Hưng Yên (14), Ninh Bình (1), Phú Yên (1), Sài Gòn (46), Thái Bình (4), Thanh Hoá (1), Tiền Giang (1) và 3 địa chỉ chưa xác định nhưng có số điện thoại.
Kết luận điều tra thể hiện, qua rà soát thông tin chủ thuê bao và triệu tập ghi lời khai cho thấy, các khách hàng này đều có hoạt động kinh doanh dược liệu, có khách hàng có giấy phép kinh doanh, có khách hàng mượn, thuê giấy phép và có khách hàng không đăng ký kinh doanh dược liệu mà chỉ kinh doanh nhỏ lẻ tại các chợ đầu mối.
Phần lớn khách hàng đều thừa nhận có quen biến và đặt mua thuốc bắc của Lâm Đình Hưng, Lâm Đình Hoài và Nguyễn Thị Ngân. Toàn bộ lô hàng đều không có hoá đơn, chứng từ và đều có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá rẻ hơn nhiều lần so với giá mua tại các doanh nghiệp khác.
Cũng trong kết luận của cơ quan điều tra, Lâm Đình Hưng và Trần Văn Quang (nhân viện Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Hà Bắc) khai nhận, để thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hoá là thuốc bắc được xếp lẫn với hoa quả khô từ Cửa khẩu Chi Ma về kho hàng Long Vỹ (Bắc Ninh), Hưng đã chỉ đạo Quang chủ động chi tiền cho các cán bộ Hải quan từ 1-2 triệu đồng trong quá trình làm thủ tục đăng ký nhập cảnh, mở tờ khai hải quan và 2 triệu đồng/xe cho các cán bộ tại Trạm kiểm dịch Chi Ma trong quá trình lấy mẫu kiểm dịch thực vật đối với các xe hàng.
Kết quả trích xuất dữ liệu máy tính của Lâm Đình Hưng và điện thoại của Trần Văn Quang thể hiện từ ngày 25/3/2019 đến ngày 30/11/2019, Hưng và Quang đã đưa Chu Bá Toàn (Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma) tổng số tiền 1.542.000.000 đồng.
Ngày 30/7/2019, Hưng đã đưa Toàn và Hoàng Văn Quân (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma) số tiền 300.000.000 đồng. Theo cơ quan điều tra, những ngày bị can nhận tiền đều trùng khớp với ngày phát sinh các cuộc gọi giữa bị can với Hưng và Quang. Tuy nhiên, bị can Toàn không thừa nhận việc nhận tiền.
Ngoài ra, cũng căn cứ tài liệu thu thập được tại máy tính xách tay của Lâm Đình Hưng thể hiện nội dùng từ ngày 24/1/2019 đến ngày 8/11/2019, Lâm Đình Hưng đưa cho Hoàng Văn Quân số tiền là 1.247.305.000 đồng.
Hoàng Văn Quân thừa nhận có nhận 500.000.000 đồng của Lâm Đình Hưng để chung nhau mua đất tại Lạng Sơn. Ngoài ra, nhận số tiền 1 tỷ đồng của Lâm Đình Hưng thông qua số tài soản ngân hàng của vợ ông Quân.
Số tiền trên ông Quân đã dùng 1,25 tỉ đồng mua đất. Số tiền còn lại ông Quân vẫn đang quản lý. Ông Quân cũng có đơn nộp lại số tiền đã nhận của Hưng để chung tiền mua đất. Những khoản tiền khác theo ghi chép trên máy tính của Hưng, ông Quân không thừa nhận.
Theo cơ quan công an, lời khai của Hưng và tài liệu điều tra liên quan đến việc đưa nhận tiền chỉ là một chiều, ngoài ra không thu thập được tài liệu nào khác để xác định hành vi này.
Do thời hạn điều tra đã hết và để đảm bảo thận trọng, khách quan, không bỏ lọt tội phạm, cơ quan điều tra quyết định tách tài liệu có dấu hiệu tội đưa, nhận hối lộ để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định.