Lập phương án phòng ngừa lao động thất nghiệp

GD&TĐ - Về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng việc thay đổi chính sách BHXH một lần đang tác động lớn đến cả doanh nghiệp và người lao động.

Nhiều ý kiến cho rằng việc thay đổi chính sách BHXH một lần đang tác động lớn đến cả doanh nghiệp và người lao động.
Nhiều ý kiến cho rằng việc thay đổi chính sách BHXH một lần đang tác động lớn đến cả doanh nghiệp và người lao động.

Tình trạng người lao động bị mất việc, giảm việc làm dẫn đến hoàn cảnh khó khăn, phải rút bảo hiểm xã hội một lần, vay tín dụng đen… đang là vấn đề nan giải của xã hội. Vì vậy, cần có những chính sách hỗ trợ cho người lao động nhằm tránh những tiêu cực này.

Doanh nghiệp lo mất lao động

Nói về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng việc thay đổi chính sách BHXH một lần đang tác động lớn đến cả doanh nghiệp và người lao động. Bà Huỳnh Ánh Nhi, đại diện Ban Giám đốc Công ty TNHH Tân Lạc cho biết doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất giày, hiện có khoảng hơn 2.000 lao động.

Tại công ty, công đoàn và doanh nghiệp thường xuyên phổ biến về Luật BHXH, tuyên truyền các chính sách có lợi cho người lao động khi họ nghỉ hưu. Nhưng trong thời gian vừa qua, người lao động vẫn liên tục làm đơn xin nghỉ việc để hưởng BHXH một lần. Điều này khiến doanh nghiệp lo lắng vì biến động lao động lớn.

Ông Lê Hoàng Minh là đại diện nhân sự một công ty trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cho biết, doanh nghiệp vẫn đang sản xuất ổn định, dù không tăng ca nhiều như trước nhưng vẫn đủ việc làm 8 tiếng cho người lao động.

Theo ông Minh thì người lao động sẵn sàng nghỉ việc một năm để được rút BHXH một lần. Họ bất chấp công đoàn và doanh nghiệp có tuyên truyền rằng Luật BHXH (sửa đổi) mới chỉ là dự thảo, đang lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân chứ chưa được thông qua.

Ông Nguyễn Phước Đồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Faki Việt Nam cũng cho biết, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại công ty ông. Nhiều lao động có thâm niên từ 10 năm trở lên đã làm đơn xin nghỉ việc. Điều này khiến doanh nghiệp rất tiếc nuối những lao động có tay nghề.

Ông Đồng cho rằng, hiện doanh nghiệp đang ít đơn hàng nên chưa bị ảnh hưởng sâu bởi vấn đề này. Nhưng khi doanh nghiệp phục hồi, thì việc thiếu lao động có tay nghề sẽ tác động khá lớn.

“Tuy nhiên, nghỉ việc là lựa chọn của họ, bản thân họ cũng có lý lẽ riêng bởi trong giai đoạn kinh tế khó khăn công ty phải giảm giờ làm khiến họ lo lắng. Vì đó, nhiều người rút BHXH để có một khoản phòng thân.

Mặt khác, việc trên các nền tảng mạng xã hội liên tục lan truyền những thông tin từ năm 2025 chỉ còn được rút 50% BHXH một lần cũng đang tác động rất lớn đến tâm lý người lao động. Thậm chí có công nhân chưa tìm hiểu đã đâm đơn xin nghỉ, sau biết đó mới chỉ là 1 trong 2 phương án nằm trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) thì lại tiếc”, ông Đồng nói.

Cần chuỗi giải pháp vĩ mô

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá: Năm 2023, dù thị trường lao động trên đà phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng tình trạng người lao động buộc phải nghỉ việc, giãn việc, thôi việc, mất việc vẫn diễn ra.

Riêng 9 tháng năm 2023, các cơ quan chức năng tiếp nhận hơn 812.000 lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Góp phần phòng ngừa nguy cơ rủi ro về việc làm, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các phương án phòng ngừa lao động thất nghiệp trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Song hành với đó là chuỗi giải pháp vĩ mô nhằm thúc đẩy thị trường lao động phát triển, mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động.

Cùng mục tiêu bảo đảm việc làm an toàn, bền vững cho người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa đề xuất thành lập Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp dự phòng rủi ro. Quỹ được thành lập trên cơ sở trích từ số tiền người sử dụng lao động phải đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, mức đóng cụ thể do Chính phủ quy định.

Kinh phí từ quỹ được sử dụng để giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp bị phá sản, giải thể mà các cơ quan chức năng không thể thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, kinh phí từ quỹ có thể dùng để hỗ trợ những đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do thiên tai, dịch bệnh…

Với góc nhìn khách quan, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam - Ingrid Christensen đánh giá, các phương án dự phòng, giảm thiểu rủi ro về việc làm nêu trên có tính khả thi. Bởi, một số gói an sinh nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng về việc làm trong thời gian qua phát huy hiệu quả tích cực.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các gói hỗ trợ và giảm mức đóng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với kinh phí hơn 47.200 tỷ đồng đã giúp hàng triệu người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khủng hoảng do Covid-19.

Khoản hỗ trợ an sinh cho người lao động gặp khó khăn về việc làm do Covid-19 không chỉ giúp người lao động có thêm khoản tiền trang trải cho cuộc sống, mà còn giúp mỗi người hiểu ra giá trị khi có việc làm bền vững. Đó chính là động lực, niềm tin để mỗi người cố gắng duy trì việc làm, không để bản thân rơi vào cảnh thất nghiệp.

Ngoài những gói an sinh đã triển khai, hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang hỗ trợ bằng tiền (1 - 3 triệu đồng) đối với đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, giúp người lao động yên tâm làm việc.

Theo các chuyên gia lao động việc làm, việc xây dựng các phương án dự phòng rủi ro về việc làm nói chung, thành lập Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp dự phòng rủi ro nói riêng là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn. Các phương án, chính sách này càng sớm được thực thi, càng gia tăng cơ hội việc làm bền vững cho người lao động…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ