Lấp những khoảng trống pháp luật để chuẩn hóa chất lượng bữa ăn học đường

Theo các chuyên gia, trẻ em lứa tuổi học đường có tốc độ tăng trưởng nhanh, do đó, dinh dưỡng hợp lý giai đoạn này có vai trò quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần, phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây, và có tác động bền vững đến các giai đoạn trưởng thành của trẻ.

Tại Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần II với chủ đề Dinh dưỡng học đường, do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) và Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản đồng tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn TH và Viện Dinh dưỡng TH, các chuyên gia dinh dưỡng và các nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước cho rằng hiện nay tại Việt Nam vẫn còn một khoảng trống pháp luật, góp phần gây ra khó khăn trong việc hướng dẫn các chính sách và tiêu chuẩn hóa chất lượng bữa ăn học đường.

Dinh dưỡng học đường đối mặt nhiều thách thức

PGS.TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho hay Việt Nam đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng, đó là suy dinh dưỡng thể thiếu (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi); thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. Vì vậy, việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và đặc biệt là tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ lứa tuổi học đường là rất quan trọng, góp phần cải thiện tầm vóc và kiểm soát sự tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính không lây ở người trưởng thành.

hoi-thao-1.jpg
PGS.TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng phát biểu tại Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần II tổ chức giữa tháng 10 vừa qua.

TS Trần Thanh Dương phân tích, hiện nay vấn đề dinh dưỡng học đường vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là việc chưa có luật/chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về dinh dưỡng học đường để đảm bảo hoạt động dinh dưỡng trong trường học được triển khai tổng thể, đồng bộ và hiệu quả. Đặc biệt, bữa ăn học đường chưa có sự chuẩn hóa, đồng bộ nên việc tổ chức, quản lý, giám sát bữa ăn học đường và công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường vẫn còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều rào cản, khó khăn từ cơ sở vật chất, nhân lực, định mức thu, kiến thức và thực hành của người cấp dưỡng, giáo viên, nhân viên y tế.

Vì vậy, ông cho rằng trong thời gian tới việc xây dựng các chính sách dinh dưỡng học đường cần tập trung vào một số nội dung như: cơ sở vật chất, nhân lực, đào tạo; tiêu chuẩn bữa ăn học đường; giáo dục dinh dưỡng trong trường học; Xây dựng hệ thống giám sát quốc gia về tình trạng dinh dưỡng trẻ em các cấp học để theo dõi tình trạng biến động về dinh dưỡng, có giải pháp can thiệp kịp thời.

Đặc biệt trong công tác hậu kiểm các ban ngành cần đẩy mạnh việc kiểm soát các công ty cung ứng thực phẩm suất ăn cho trường học (từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông) đảm bảo tiêu chuẩn dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cần có Luật Dinh dưỡng học đường

Chia sẻ về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em, PGS.TS Nguyễn Phương Mai - Chuyên gia nghiên cứu về khoa học não bộ ứng dụng tại King’s College London, Vương quốc Anh phân tích, trẻ em thường dành phần lớn thời gian sinh hoạt và học tập tại trường. Do vậy, trong cuộc sống hiện đại ngày nay trường học đã trở thành một môi trường lý tưởng để giải quyết những vấn đề sức khỏe mang tính chất đại chúng ở quy mô lớn. Bởi một bữa ăn học đường cân bằng sẽ cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu nhằm hỗ trợ sự phát triển thể chất, hiệu suất học tập và ổn định tâm lý của mỗi đứa trẻ.

TS Phương Mai dẫn chứng ngày càng có nhiều quốc gia cung cấp bữa trưa miễn phí để thực hiện các chính sách đảm bảo không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau và tạo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh ở các vùng miền khác nhau.

hoi-thao-2.jpg
PGS.TS Nguyễn Phương Mai - Chuyên gia nghiên cứu về khoa học não bộ ứng dụng tại King’s College London, Vương quốc Anh

Đi sâu vào thực tế tình hình hiện nay của Việt Nam, TS Phương Mai cho rằng những bữa ăn ở trường mẫu giáo, tiểu học và các trường bán trú đã xuất hiện từ rất lâu tại Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay, hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập. Nguyên nhân là do hầu hết các trường đều không có chuyên gia dinh dưỡng và thường sử dụng các công ty dịch vụ bên ngoài.

Điều này dẫn tới sự khó khăn để đảm bảo cho học sinh một bữa ăn đủ dinh dưỡng, ngon miệng, đa dạng, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, có giá thành phù hợp với điều kiện kinh tế và văn hóa của từng địa phương. Ở cấp vĩ mô, đó là một khoảng trống pháp luật, góp phần tạo ra khó khăn trong việc hướng dẫn các chính sách và tiêu chuẩn hóa chất lượng bữa ăn học đường.

TS Phương Mai cho rằng cần có Luật liên quan tới dinh dưỡng học đường và đó chính là khoản đầu tư cho tương lai của đất nước. Bữa ăn học đường là biện pháp hiệu quả trong các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ trẻ bị thiệt thòi và thu hẹp bất bình đẳng xã hội. Một chương trình dinh dưỡng học đường sẽ có lợi cho tất cả học sinh chứ không chỉ học sinh nghèo, nâng cao hiệu quả học tập, giúp xây dựng nguồn lực trí tuệ của quốc gia trong tương lai gần.

“Sự cần thiết của một bộ luật dinh dưỡng học đường, với những can thiệp dinh dưỡng phù hợp, những lợi ích gặt hái được, có thể tiết kiệm cho đất nước một khoản ngân sách khổng lồ vốn sẽ bị chi tiêu cho các vấn đề sức khỏe toàn dân và những tổn thất không thể đo đếm về suy giảm năng suất lao động,” TS Phương Mai chỉ rõ.

Hiệu quả rõ rệt từ Mô hình điểm Bữa ăn học đường

Cũng tại Hội thảo, TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay hiện nay điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức bán trú còn nhiều khó khăn đặc biệt là tại các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa, miền núi.

hoi-thao-3.jpg
TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nguồn nhân lực và năng lực tổ chức bữa ăn bán trú tại nhiều trường còn hạn chế. Việc xây dựng thực đơn, chất lượng bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, đủ thành phần chưa được thực hiện tốt, chưa hoàn toàn dựa trên nhu cầu năng lượng của lứa tuổi.

Các chương trình về dinh dưỡng học đường như sữa học đường, bữa ăn học đường… chưa được thực hiện đồng bộ, liên tục trên cả nước.

Đáng lưu ý hơn khi hệ thống các văn bản quy phạm về dinh dưỡng học đường của Việt Nam chưa đầy đủ như một số quốc gia phát triển trên thế giới. Bữa ăn học đường chưa có sự chuẩn hóa và được kiểm soát đồng bộ bằng các văn bản quy phạm. Do đó, việc tổ chức, quản lý, giám sát bữa ăn học đường, và công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường vẫn còn nhiều hạn chế.

Trước thực trạng trên, Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai với sự đồng hành của Tập đoàn TH, được thực hiện tại 10 tỉnh thành trên cả nước, đại diện cho 5 vùng sinh thái, trong năm học 2020-2021.

hoi-thao-4.jpg
Bữa ăn bán trú áp dụng tại Mô hình điểm bữa ăn học đường

Kết quả cho thấy Mô hình điểm đã góp phần giải quyết bài toán gánh nặng kép hiện nay ở Việt Nam - đó là thiếu dinh dưỡng dẫn đến thấp còi hay thừa dinh dưỡng dẫn đến thừa cân, béo phì, từ đó nâng cao sức khỏe và dự phòng bệnh tật.

Box: Cụ thể, nhóm học sinh mầm non, chiều cao trung bình tăng khoảng 3,63 cm và cân nặng trung bình tăng 1,2 kg. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi giảm 1,01%. Ở nhóm học sinh tiểu học, chiều cao trung bình tăng khoảng 2,8 cm và cân nặng trung bình tăng 1,9 kg.

Đối với nhà trường, mô hình điểm đã nâng cao năng lực tổ chức và quản lý của các cơ sở giáo dục trong công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ việc bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học.

Hiệu quả Mô hình điểm đem lại rất rõ nét về cải thiện tình trạng dinh dưỡng và thể lực, thay đổi tích cực nhận thức, thói quen ăn uống và vận động của học sinh, được phụ huynh và nhà trường đánh giá rất cao và cũng được thể hiện rõ trong mong muốn được tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động của Mô hình điểm.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá: “Kết quả triển khai mô hình điểm là cơ sở khoa học và thực tiễn đặc biệt quan trọng để xây dựng chính sách dinh dưỡng học đường, hiện thức hóa một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030”.

TS Nguyễn Thanh Đề khẳng định việc xây dựng chính sách với một hệ thống đồng bộ các văn bản quy phạm về dinh dưỡng học đường rất cần thiết và đây sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý, các nhà trường, doanh nghiệp tham gia tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình, chuyên môn phục vụ bữa ăn học đường tốt để nâng cao thể trạng cho trẻ em Việt Nam hiệu quả./.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.

Cần thiết điều chỉnh xét tuyển sớm

GD&TĐ - Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc nhìn nhận và điều chỉnh về xét tuyển sớm là cần thiết để đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh.