Lời giải thích của các đơn vị…
Để biện minh cho hành động lập khống chứng từ này chủ đầu tư cho rằng: Việc này là do chủ quan, hạn chế về mặt chuyên môn và thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý, nghiệm thu loại đường cấp phối, tin tưởng vào đơn vị tư vấn giám sát và đề xuất của nhà thầu xây lắp nên chủ đầu tư đã chấp nhận nghiệm thu giai đoạn 1.
Chủ đầu tư cũng cho rằng, thời điểm nghiệm thu là lúc thời tiết thuận lợi và khối lượng “khống” được lập đó chỉ cần 7-10 ngày là đơn vị thi công sẽ hoàn thành đạt yêu cầu bởi khối lượng vật liệu đã được tập kết tại chân công trình.
Tuy nhiên sau đó thời tiết mưa liên tục dẫn đến chậm tiến độ và máy móc thiết bị thi công không hoạt động được nên đơn vị thi công đã di chuyển máy móc đi nơi khác và chờ điều kiện thuận lợi mới quay lại thi công.
Còn đối với nhà thầu xây lắp, họ lại biện minh rằng thời tiết không thuận lợi và giám đốc nhà thầu xây lắp bị ốm, điều trị kéo dài nên không hoàn thành phần khối lượng công việc dang dở đúng tiến độ.
Mặt khác do áp lực giải ngân nguồn vốn và chủ quan trong tiên lượng tiến độ thi công nên chủ đầu tư cùng nhà thầu đã phải “nghiệm thu cả phần khối lượng đã thi công và phần khối lượng nguyên vật liệu tập kết tại chân công trình”….
Ngày 25/5, làm việc với PV Báo GD&TĐ, bà Lê Thị Vân Hồng, giám đốc BQL Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (Ban quản lý dự án SRDP) thừa nhận việc kê khống khối lượng công trình Đường cấp phối vào vùng sản xuất thôn Lâm Khai xã Hóa Hợp (Minh Hóa – Quảng Bình) là trái với nguyên tắc.
Trên cơ sở tờ trình của chủ đầu tư (UBND xã Hóa Hợp – Minh Hóa) về việc thanh toán khối lượng hoàn thành thì phía ban quản lý dự án mới chấp nhận thanh toán tiền.
Việc giải thích của ông Quyết chủ tịch UBND xã Hóa Hợp là do áp lực từ công văn số 133/SRDP-TCKT về việc đôn đốc chuyển chứng từ thanh toán các gói thầu hạ tầng công theo kế hoạch công tác và ngân sách năm 2017 – Dự án SRDP nên đã chấp nhận ký chứng từ được đề xuất để rút tiền là không đúng bởi công văn này chỉ đôn đốc việc chuyển chứng từ thanh toán của các gói thầu hạ tầng đã có khối lượng hoàn thành, có chứng từ đề nghị thanh toán của chủ đầu tư và đã giải ngân chứ không hề có một áp lực nào buộc ông Quyết phải làm vậy…
Cần kiểm điểm trách nhiệm nghiêm khắc
Quảng Bình là một tỉnh còn gặp quá nhiều khó khăn, đặc biệt là đời sống bà con ở vùng núi rẻo cao và vùng chiêm trũng, bãi ngang… nên rất được sự quan tâm của các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển. Trước sự quan tâm đó, tỉnh Quảng Bình cũng cần phải có những động thái tích cực hỗ trợ mọi mặt để các dự án hoàn thành và có hiệu.
Trong câu chuyện quản lý này, chủ đầu tư đã cố tình phớt lờ những quy định của pháp luật, dẫn đến sai phạm trong công tác quản lý nguồn vốn gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, ảnh hưởng đến lợi ích được hưởng của người dân.
Đối với huyện Minh Hóa, đã có hàng loạt dự án, hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư cấp xã trong việc buông lỏng quản lý về tài chính dẫn đến nhiều công trình bị nhà thầu xây lắp ứng tiền vượt quá khối lượng thi công rồi bỏ trốn dẫn đến công trình chậm tiến độ từ năm này qua năm khác như các công trình xây dựng trường học, trường bán trú… Hệ quả từ việc sai phạm này đã làm cho học sinh không có trường học, cán bộ, lãnh đạo, nhà thầu… đã phải dính vào vòng lao lý.
Thiết nghĩ, với việc cố tình lập khống chứng từ để rút tiền dự án là hành vi vi phạm pháp luật cần được các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình vào cuộc và làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân dẫn đến ảnh hưởng uy tín của ban quản lý dự án, ảnh hưởng đến những người dân được hưởng lợi từ dự án của xã Hóa Hợp…
Công trình “Đường cấp phối vào vùng sản xuất thôn Lâm Khai xã Hóa Hợp” được phân cấp cho UBND xã Hóa Hợp làm chủ đầu tư từ nguồn vốn dự án SRDP tỉnh Quảng Bình. Giá trị hợp đồng là 1.091.400 đồng và thời giant hi công công trình từ ngày 20/10/2017-20/02/2018 do Công ty TNHH XDTH Hòa Cương thi công.