Quảng Bình: Lập khống chứng từ rút tiền dự án(?!)

GD&TĐ - Mặc dù đơn vị thi công vẫn chưa hoàn thành các hạng thi công đường vào khu sản xuất thôn Lâm Khai xã Hóa Hợp (Minh Hóa – Quảng Bình) nhưng không hiểu sao kho bạc nhà nước huyện Minh Hóa vẫn có đủ chứng từ của chủ đầu tư và đơn vị thi công được lập ra để rút tiền của dự án đầu tư này…

Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp ông Đinh Thanh Quyết (phải) cùng phóng viên báo GD&TĐ đi thực địa con đường Lâm Khai đang dang dở.
Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp ông Đinh Thanh Quyết (phải) cùng phóng viên báo GD&TĐ đi thực địa con đường Lâm Khai đang dang dở.

Từ câu chuyện chậm tiến độ công trình…

Công trình đường cấp phối dài khoảng 1km qua thôn Lâm Khai, xã Hóa Hợp (Minh Hóa - Quảng Bình) được đầu tư với tổng số vốn 1.091.400.000 đồng nằm trong dự án phát triển nông thôn bền vững (SRDT) nhằm giúp người dân vào khu đất sản xuất được khởi công vào tháng 10/2017 và dự kiến sau 120 ngày sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng (Sau 4 tháng – PV).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (8/5) khi PV có mặt ở hiện trường thì con đường này chưa hoàn thành và còn khoảng 200m chưa hề được thi công. Mặt đường vẫn ngổn ngang đất đá, chưa trải đá cấp phối (đá base) và các hạng mục an toàn như cột mốc đường, các biển báo, hệ thống kè đập, cỏ trồng, hệ thống thoát nước… chưa được hoàn thành.

Người dân cho biết, từ trước tết, đơn vị thi công đã di chuyển máy móc và các thiết bị thi công đi nơi khác và từ đó đến giờ chưa thấy họ quay lại thực hiện nốt công trình…

Phản ánh với PV Báo GD&TĐ, người dân địa phương rất bức xúc trước việc công trình bị bỏ dở dang này của đơn vị thi công và mong các cơ quan chức năng yêu cầu đơn vị thi công sớm hoàn thành,đưa vào sử dụng để giảm bớt những khó khăn cho người dân.

Nghi vấn việc lập khống khối lượng thi công…

Mục Quyết toán và thanh lý hợp đồng của dự án đường Lâm Khai xã Hóa Hợp.

Mục Quyết toán và thanh lý hợp đồng của dự án đường Lâm Khai xã Hóa Hợp. 

Hạng mục “hệ thống an toàn” chưa hoàn thiện cọc tiêu, biển báo được liệt kê vào biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành.
 Hạng mục “hệ thống an toàn” chưa hoàn thiện cọc tiêu, biển báo được liệt kê vào biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành.
Chứng từ đề nghị kho bạc nhà nước huyện Minh Hóa thanh toán vốn đầu tư của chủ đầu tư.

Chứng từ đề nghị kho bạc nhà nước huyện Minh Hóa thanh toán vốn đầu tư của chủ đầu tư. 

Từ một dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDT) được trao cho UBND xã Hóa Hợp làm chủ đầu tư nhằm giúp bà con thuận lợi hơn trong việc vào khu vực đất rừng sản xuất, tạo điều kiện giúp bà con địa phương phát triển kinh tế.

Theo những tài liệu mà PV báo GD&TĐ thu thập được, để thực hiện dự án nêu trên, UBND xã Hóa Hợp và Công ty TNHH Hòa Cương ký hợp đồng số 19/2017/HĐXD ngày 10/10/2017 để thi công đường vào vùng sản xuất thôn Lâm Khai với thời gian 120 ngày.

Đến ngày 25/12/2017 (chưa đủ 120 ngày như trong hợp đồng), đơn vị thi công đã trình biên bản xác nhận khối lượng thi công hoàn thành giai đoạn 1 để thanh toán số tiền 1.091.400.000 đồng (tổng toàn bộ số tiền dự án) với chủ đầu tư là UBND xã Hóa Hợp.  Thế nhưng Kho bạc nhà nước huyện Minh Hóa vẫn chi trả cho phía đơn vị thi công số tiền 917.000.000 đồng.

Việc làm nêu trên là trái với hợp đồng được ký kết giữa xã Hóa Hợp và Công ty TNHH Hòa Cương. Bởi trong hợp đồng, hai bên đã thỏa thuận tại mục “Quyết toán và thanh lý hợp đồng” đã quy định rõ: “Biên bản nghiệm thu hoàn thành toàn bộ công việc thuộc phạm vi hợp đồng”… thì chủ đầu tư mới hoàn tất việc thanh lý hợp đồng này sau 5 ngày.

Vậy mà công trình còn dang dở nhưng chủ đầu tư đã cho đơn vị thi công thanh toán gần hết số tiền của dự án. Do đó, dư luận đang đặt ra câu hỏi, phải chăng đơn vị thi công đã kê khống khối lượng công việc hoàn thành toàn bộ công trình để thanh lý hợp đồng và thanh toán tiền thực hiện dự án? Việc Công ty TNHH Hòa Cương đã rút toàn bộ máy móc, thiết bị thi công ra khỏi công trường để “chạy làng” là điều có thật (?!)

Chủ đầu tư nói gì?

Ông Nguyễn Thanh Quyết, chủ tịch UBND xã Hóa Hợp (đại diện chủ đầu tư) đã thừa nhận việc thanh toán số tiền 917.000.000 đồng cho Công ty TNHH Hòa Cường từ biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành của công trình vào ngày 25/12/2017 của đơn vị thi công là có thật.

"Khi họ (Công ty TNHH Hòa Cường – PV) đề nghị thanh toán số tiền này chúng tôi đã kiểm tra lại các hạng mục công trình và thấy rằng công trình chỉ mới hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc. Ví dụ như việc làm mặt đường bằng đá cấp phối base họ chưa thi công như dự toán thì chúng tôi trừ đi, và phần nào đã hoàn thành thì mình chi trả tiền cho phía đơn vị thi công…" ông Quyết cho hay.

Một lý do nữa mà ông Quyết đưa ra khi việc đồng ý chuyển tiền một phần cũng vì áp lực từ công văn số 133/SRDP-TCKT về việc đôn đốc chuyển chứng từ thanh toán các gói thầu hạ tầng công theo kế hoạch công tác và ngân sách năm 2017 – Dự án SRDP. Trong công văn này có đoạn nêu rõ:

“Trong trường hợp đến ngày 28/2/2018 UBND xã vẫn chưa làm thủ tục thanh toán, giải ngân cho các nhà thầu và kinh phí vẫn còn tồn tại Kho bạc Nhà nước huyện thì UBND xã phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với việc thanh toán cho các nhà thầu…”

Quan sát con đường Lâm Khai còn dang dở cho thấy việc đơn vị thi công đã cố tình lập khống khối lượng công việc đã hoàn thành để đề nghị thanh toán là việc làm vi phạm hợp đồng được ký kết với UBND xã Hóa Hợp và trái với luật định.

Dư luận đang chờ đợi cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình vào cuộc làm rõ trách nhiệm của các bên có liên quan và sớm khắc phục, hoàn thành công trình để phục vụ việc phát triển kinh tế của vùng khó này.

Ông Nguyễn Thanh Quyết chủ tịch UBND xã Hóa Hợp chia sẻ: Sau khi khởi công công trình, phía đơn vị thi công đã triển khai để hoàn thành dự án nhưng do điều kiện thời tiết của địa phương không thuận lợi nên ảnh hưởng không ít đến tiến độ công trình. Khi họ bỏ đi, chúng tôi đã ba lần gửi văn bản yêu cầu đơn vị thi công tiếp tục hoàn thành nốt những hạng mục còn lại nhưng cho đến hôm nay (8/5) họ vẫn chưa tiếp tục triển khai công việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ