Lấp khoảng trống công nghệ thông tin

GD&TĐ - Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang đem đến cho Việt Nam những cơ hội phát triển chưa từng có và đây là một trong những căn nguyên để giới trẻ yêu thích ngành nghề này. Tuy nhiên, sự nhập cuộc của Việt Nam được coi là chậm chạp vì sự thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực này.

Các chuyên gia nhấn mạnh ý nghĩa của nhân lực CNTT thời 4.0
Các chuyên gia nhấn mạnh ý nghĩa của nhân lực CNTT thời 4.0

Sức hấp dẫn của CNTT

Theo ông Anuj Kacker – Chủ tịch Tập đoàn Aptech Toàn cầu, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm 3,1 triệu việc làm mới từ CMCN 4.0 và sẽ thu thêm 420 triệu USD từ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Có thể nói, trong CMCN 4.0, thì việc làm và thu nhập có ý nghĩa vô cùng lớn. Công nghệ thông tin (CNTT) không chỉ hấp dẫn vì đặc thù mang tính sáng tạo cao mà đây còn là nghề đứng đầu bảng về thu nhập. Thống kê đưa ra cho thấy, các doanh nghiệp trên thế giới trung bình chi khoảng 16,3% quỹ lương cho CNTT, trong khi đó, quỹ lương dành cho lãnh đạo chỉ chiếm 15,8%. Với mức lương kỹ sư CNTT mong đợi từ 2.000 - 3.000 USD/tháng thì chọn CNTT là khả thi nhất, tất nhiên đòi hỏi là lao động đó phải đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Đây là điều mà cả người học và các cơ sở đào tạo cùng phải tính đến.

Khẳng định sự hấp dẫn của nghề CNTT, tại “Hội thảo Giải pháp đào tạo nhân lực CNTT cho CMCN 4.0” được Bộ GD&ĐT phối hợp với Tập đoàn Aptech tổ chức mới đây, ông Phạm Thế Trường – Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam nhận định: “CMCN 4.0 sẽ làm mất đi rất nhiều việc làm nhưng nó cũng đem lại rất nhiều cơ hội khác. Các tập đoàn lớn trên thế giới tuyển dụng không dựa vào bằng cấp, mà dựa vào chuyên môn và kỹ năng thực tế của ứng viên. Rất tiếc, đó là những phẩm chất mà sinh viên Việt Nam còn thiếu”. Cũng tại Hội thảo này, các chuyên gia cho rằng nguồn cầu là rất lớn. Để không lỡ nhịp CMCN 4.0 và có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu, các nhà trường cần cập nhật công nghệ mới, tăng cường đào tạo kỹ năng mềm và cởi mở hợp tác với các tập đoàn để tận dụng những hỗ trợ quan trọng.

Có thể nói, sức hấp dẫn của nghề CNTT là rất lớn, đặc biệt trong kỷ nguyên CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ. Các chuyên gia đã đưa ra những con số hết sức hấp dẫn về nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực này. Đến năm 2022, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ làm mất đi 75 triệu việc làm nhưng nó sẽ đem lại 133 triệu việc làm khác ở các nhóm: Phát triển AI, sử dụng AI và những công việc chỉ có con người mà AI không làm được. Tuy nhiên, những gì chúng ta thấy được là sự vào cuộc hết sức chậm chạp, có vẻ như Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị để sẵn sàng nhập cuộc với tâm thế tốt nhất cho mình. Cho dù đã được khuyến cáo, cũng như nhận được sự hỗ trợ tích cực của những tập đoàn, quốc gia có CNTT phát triển và triển khai ứng dụng tốt như Ấn Độ, Microsoft, Aptech….

Cần lấp những khoảng trống

Ông Phạm Thế Trường – Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam bày tỏ băn khoăn khi cho rằng: “Sinh viên CNTT còn khoảng cách khá xa để làm việc được tại các tập đoàn công nghệ lớn. Hệ thống đào tạo tại Việt Nam khiến sinh viên gò bó, không được đưa ra ý kiến, không được phát triển. Trong lúc một số đơn vị giáo dục đổi mới, đào tạo theo nhu cầu thực tế như Aptech thì ở phía ngược lại, hầu hết các đơn vị giáo dục khác vẫn thiếu sáng tạo, phương pháp đào tạo cứng nhắc, thiếu cập nhật công nghệ mới”. Các nhà trường cần tìm ra phương pháp giáo dục mới, môi trường đào tạo phù hợp và truyền cảm hứng cho sinh viên về ước mơ tương lai – ông Trường khuyến cáo.

Khẳng định sinh viên Việt Nam thông minh, nhưng còn nhiều hạn chế, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công nghệ Lõi, Tập đoàn Viettel, chia sẻ một câu chuyện tuyển dụng tại Tập đoàn Viettel: Khi được hỏi về động lực học, lý do ứng tuyển, hiểu biết về doanh nghiệp tuyển dụng, mức lương mong muốn thì câu trả lời của sinh viên là: “Em không biết”! Tình trạng này được coi là hạn chế chung của sinh viên Việt Nam: Có năng lực, tiềm năng phát triển nhưng không được định hướng nghề nghiệp, không biết học để làm gì.

Bà Lê Nhi – Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Cộng đồng của Microsoft khu vực Đông Nam Á cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu chất lượng nhân lực. Bà cho rằng: “Để thành công trong sự nghiệp, công nghệ chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại 70% là được quyết định bởi các kỹ năng”. Bà Lê Nhi đưa ra khuyến cáo với các nhà trường là cần đổi mới công nghệ, cập nhật xu hướng mới theo nhu cầu thị trường, đồng thời dạy nhiều kỹ năng như kỹ năng tư duy logic, kỹ năng làm việc nhóm… để sản phẩm đào tạo ra phải đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động tốt cả ở công nghệ và kỹ năng thuần thục.

Ông Chu Tuấn Anh - Giám đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên quốc tế Aptech: Trong 20 năm qua, Aptech đã giúp Việt Nam đào tạo hơn 100 nghìn nhân lực CNTT trình độ cao. Hiện tại, Tập đoàn Aptech đang phối hợp với Bộ GD&ĐT Việt Nam tổ chức đào tạo công nghệ 4.0 cho giảng viên các trường đại học, nhằm giúp Việt Nam xây viên gạch đầu tiên cho nền móng của nguồn nhân lực phục vụ CMCN 4.0. Đứng trước thời cơ lớn của CMCN 4.0, các trường đại học có thuận lợi tuyệt vời khi nhận được những hỗ trợ của các tập đoàn quốc tế để cập nhật công nghệ mới, tăng cường đào tạo kỹ năng cho sinh viên, từ đó đáp ứng được nhu cầu nhân lực của CMCN 4.0. Quan trọng là các trường đại học cần cởi mở hợp tác để chủ động tận dụng những hỗ trợ đó. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ