Lấp đầy khoảng trống kiến thức sức khỏe sinh sản, tình dục cho thanh thiếu niên

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, giáo dục sức khỏe sinh sản, tình dục cho thanh thiếu niên vẫn còn nhiều khoảng trống và chưa theo kịp với nhu cầu thực tiễn.

Cần đổi mới phương thức giáo dục sức khỏe sinh sản, tình dục cho thanh, thiếu niên. Ảnh minh họa/Internet.
Cần đổi mới phương thức giáo dục sức khỏe sinh sản, tình dục cho thanh, thiếu niên. Ảnh minh họa/Internet.

Chưa theo kịp thực tế

Ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) nhìn nhận, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định về tư vấn và cung ứng dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên/thành niên, song vẫn còn một số bất cập, hạn chế.

“Hiện, chương trình giáo dục về sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường chưa đầy đủ và phù hợp với sự phát triển trong tình hình mới; tiếp cận thông tin, cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng thực hành về sức khỏe sinh sản còn hạn chế - ông Phạm Vũ Hoàng viện dẫn.

Cùng với đó, tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục… của vị thành niên/thanh niên vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, các khu công nghiệp tập trung…

Theo nghiên cứu về hành vi sức khỏe học sinh do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện, trong 6 năm, tỷ lệ quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi tăng gấp hai lần, từ 1,45% năm 2013 lên 3,51% năm 2019. Trong số học sinh từng quan hệ tình dục, hơn 42% có sử dụng bao cao su và 44% sử dụng các phương pháp ngừa thai khác, thấp hơn so với năm 2013.

Tỷ lệ quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi vẫn ở mức cao. Ảnh minh họa/internet.

Tỷ lệ quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi vẫn ở mức cao. Ảnh minh họa/internet.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho hay, nhu cầu chưa được đáp ứng về các biện pháp tránh thai tuy đã giảm (ở nhóm nữ từ 15-24 tuổi đã giảm từ 35% năm 2011 xuống còn 29,6% năm 2017) nhưng vẫn còn cao.

Cho rằng, những giá trị, chuẩn mực và hành vi tình dục của người trẻ không ngừng thay đổi, bà Nguyễn Lê Hoa - Giám đốc Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế (PSI) nhận thấy, giáo dục về sức khỏe sinh sản – tình dục (SKSS – SKTD) còn nhiều khoảng trống và chưa theo kịp với nhu cầu thực tế.

Những định kiến và sự e ngại trở thành rào cản để người trẻ tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc SKSS-SKTD. Điều này dẫn đến những hậu quả tiêu cực như: mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn…

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Ước tính, trên 10% nữ giới chưa kết hôn trong độ tuổi từ 15 - 24 đã từng ít nhất một lần mang thai ngoài ý muốn, bà Nguyễn Lê Hoa thông tin và cho rằng, phá bỏ quan điểm bình thường hóa chủ đề tình dục, sức khỏe sinh sản thanh thiếu niên là hành động cấp thiết.

Muốn vậy, cần sự chung tay của toàn xã hội; từ gia đình, nhà trường tới bản thân mỗi cá nhân. Qua đó, nhằm hướng tới mục tiêu giảm thiểu tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn trong lứa tuổi thanh thiếu niên.

Tại Hòa Bình, ThS Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, bên cạnh các hoạt động truyền thông nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên thanh niên, Chi cục còn triển khai các hoạt động truyền thông về phòng bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalassemia).

Đây là bệnh di truyền phổ biến nhất trên thế giới. Việt Nam chúng ta có khoảng trên 13 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh, tương đương 13% dân số và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời.

Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai.

Người bị bệnh và mang gen có ở tất cả các tỉnh/thành phố, các dân tộc trên toàn quốc. Trong đó, tỷ lệ người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20- 40%.

“Chính vì vậy, chúng tôi tích cực triển khai các hoạt động mô hình xét nghiệm phòng bệnh tan máu bẩm sinh tại trạm y tế, để các bạn trẻ có kiến thức về bệnh; từ đó chủ động tham gia xét nghiệm phòng bệnh cho thế hệ sau” - ThS Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ.

Theo các chuyên gia, mang thai ở tuổi vị thành niên làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi cao hơn phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (từ 18 đến 35 tuổi). Kèm theo đó là các nguy cơ dễ đẻ non, sảy thai, suy dinh dưỡng, stress, trầm cảm...

Bên cạnh đó, việc làm mẹ quá sớm sẽ trở thành gánh nặng lớn khi trẻ chưa sẵn sàng tâm lý, kỹ năng sống hay kinh tế. Nguy hiểm hơn, nhiều thanh thiếu niên không dám đến cơ sở y tế mà đi phá thai "chui", không đảm bảo vô khuẩn có thể gây viêm nhiễm, xuất huyết, tai biến sản khoa...

Từ thực tiễn, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải xây dựng các hoạt động can thiệp nhằm tăng cường tư vấn và cung ứng dịch vụ dân số, sức khỏe sinh sản cho vị thành niên/thanh niên.

Phấn đấu đạt mục tiêu giảm 2/3 số vị thành niên/thanh niên mang thai ngoài ý muốn, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, triển khai thí điểm và mở rộng chương trình giáo dục cho nam, nữ trước khi kết hôn. Tổ chức các sự kiện nhằm khuyến khích thanh niên nên kết hôn trước 30 tuổi, đẻ đủ hai con trước 35 tuổi.

Đồng thời, hướng dẫn đổi mới sinh hoạt chuyên đề về các chủ đề “Đồng hành cùng tuổi dậy thì” cho các em học sinh THCS và THPT, cải thiện kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh có thai ngoài ý muốn.

Các chuyên gia đề xuất, cần xây dựng các hoạt động can thiệp nhằm tăng cường tư vấn và cung ứng dịch vụ dân số, sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Thí điểm và từng bước mở rộng các mô hình can thiệp phòng tránh vô sinh; phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường sinh sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.