Mỗi năm, cả nước có hơn 200.000 ca phá thai

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thống kê của Bộ Y tế được tổng hợp trên cơ sở báo cáo của các địa phương, những năm gần đây có khoảng 200.000 - 250.000 ca phá thai/năm.

Hậu quả của nạo phá thai. Ảnh: Internet.
Hậu quả của nạo phá thai. Ảnh: Internet.

Theo Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2022 do UNFPA, cơ quan về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của Liên Hợp Quốc công bố, mỗi năm trên thế giới có 121 triệu ca mang thai ngoài ý muốn; trong số đó 61% được giải quyết bằng phá thai, tương đương với 73 triệu ca phá thai mỗi năm.

Theo ước tính, trên thế giới có khoảng 45% số ca phá thai không an toàn, và hơn một nửa trong số đó xảy ra ở châu Á, phần lớn tập trung ở Nam Á và Trung Á.

Mỗi năm có khoảng 4,7% - 13,2% ca tử vong mẹ được cho là do phá thai không an toàn.

Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê Bộ Y tế được tổng hợp trên cơ sở báo cáo của các địa phương, những năm gần đây có khoảng 200.000 - 250.000 ca phá thai/năm.

Tỷ số phá thai đã giảm qua các năm, từ 37 ca phá thai trên 100 trẻ đẻ sống (2005) xuống 13,2 ca (2019). Trong đó chủ yếu là phá thai dưới 7 tuần tuổi thai (~75% trong những năm gần đây).

Về tỷ lệ phá thai theo độ tuổi (ASAR), các ước tính trong điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020 - 2021 (SDGCW Việt Nam 2020 - 2021) do Tổng cục Thống kê và UNICEF thực hiện cho thấy, tỷ lệ phá thai cao nhất ở phụ nữ từ 25 - 29 tuổi (9 lần/1.000 phụ nữ), tiếp theo là nhóm từ 20-24 tuổi (7 lần/1.000 phụ nữ), rồi đến nhóm từ 30-39 tuổi (6 lần/1.000 phụ nữ).

Nhóm vị thành niên từ 15 - 19 tuổi có tỷ lệ phá thai là 1 lần/1.000 phụ nữ. Đáng lưu ý, phá thai lặp lại còn khá phổ biến.

Theo Nghiên cứu đánh giá chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) thực hiện năm 2016, khoảng 17,4% phụ nữ cho biết đã từng phá thai trong cuộc đời của mình.

Số lần phá thai trung bình là 1,3 lần/một phụ nữ. Trong số những phụ nữ này, 73,1% đã từng phá thai một lần trong đời, 21,8% đã từng phá thai 2 lần và 5,1% đã từng phá thai ít nhất 3 lần trong đời.

Theo Điều tra SDGCW 2020 - 2021, lý do thực hiện lần phá thai gần nhất: Mang thai ngoài ý muốn chiếm hơn một nửa số ca phá thai gần đây nhất (53,6%), còn lý do sử dụng biện pháp tránh thai nhưng thất bại chiếm tỷ trọng (8,9%).

Quan ngại về sức khỏe của bà mẹ và của thai nhi đóng góp lần lượt là 20,1% và 19,8% trong tổng số trường hợp phá thai, trong khi đó lý do phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi là 1,6%.

Việc phá thai ảnh hưởng đặc biệt lớn đến sức khoẻ thể chất và tinh thần cho phụ nữ, chính vì vậy, việc chị em có đầy đủ kiến thức, kỹ năng trong phòng tránh thai sẽ giúp họ tự tin và chủ động trong việc lựa chọn các hình thức tránh thai phù hợp, chủ động thời điểm mang thai, khoảng cách giữa lần sinh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho cá nhân và hộ gia đình.

Thực trạng trên cho thấy cần phải tăng cường đầu tư để có thể đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình và các biện pháp tránh thai hiện đại cho phụ nữ nói chung và nhóm trẻ vị thành niên nói riêng.

Đặc biệt cần nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về kế hoạch hóa gia đình, sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.