Giảm thiểu mang thai ngoài ý muốn

GD&TĐ -Việt Nam có 3,7 triệu phụ nữ mang thai hằng năm.Trong đó, có 2,1 triệu người mang thai ngoài ý muốn (chiếm 59%), có 1,6 triệu ca nạo phá thai (75%).

 Chương trình truyền thông sức khỏe sinh sản cho sinh viên “Hành trình SV - OK”. Ảnh minh họa: Internet.
Chương trình truyền thông sức khỏe sinh sản cho sinh viên “Hành trình SV - OK”. Ảnh minh họa: Internet.

Tỉ lệ mang thai ngoài ý muốn vẫn ở mức cao

Tỉ lệ mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai của Việt Nam đang ở mức 86%, cao hơn nhiều so với các nước láng giềng như: Indonesia (40%), Philippines (71%), Thái Lan (38%).

Báo cáo tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp 2023, các bác sỹ chia sẻ, nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Trường ĐH Y Hà Nội phát hiện trong hơn 4.700 hồ sơ đình chỉ thai nghén tự nguyện tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong năm 2022 có 51 trường hợp là trẻ vị thành niên, chiếm hơn 1%.

27 em trong số này bỏ thai dưới ba tháng tuổi (53%), còn lại phá thai to trên 12 tuần. Độ tuổi trung bình của nhóm đối tượng này là 15,7 tuổi, trong đó có trẻ nhỏ tuổi nhất là 12, lớn tuổi nhất là 18. Đa số trẻ còn đi học (chiếm hơn 96%), 2 trường hợp không đi học, 1 trường hợp có tiền sử phá thai.

Trong số trẻ này, chỉ có 3 trẻ vị thành niên (chiếm 5,8%) sử dụng biện pháp tránh thai. Điều này phản ánh, trẻ vẫn còn thiếu kiến thức về phòng tránh thai, về sức khỏe sinh sản.

Thậm chí, có trẻ không biết mình mang thai, khi phát hiện thì thai đã lớn, đồng nghĩa với việc càng làm tăng nguy cơ thất bại cũng như các tai biến khi muốn phá thai ở giai đoạn này.

Bác sĩ Hà Duy Tiến - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, tỷ lệ phá thai to trên 12 tuần vẫn ở mức cao, phản ánh việc trẻ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, phát hiện có thai muộn hoặc do tâm lý lo sợ nên phân vân, chần chừ với quyết định nên bỏ hay giữ. Bỏ thai ở tuổi thai muộn làm tăng nguy cơ thất bại và các tai biến của thủ thuật, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản, thậm chí tính mạng, ngoài ra còn gây bất ổn tâm lý.

Tại Việt Nam, phần lớn phụ huynh mới chỉ quan tâm chăm lo cho con em về học hành, vật chất mà hiếm khi quan tâm đến chuyện tư vấn, hướng dẫn cho các em về sức khỏe sinh sản, thậm chí vì sợ con cái hư sớm mà né tránh, nghiêm cấm con cái tìm hiểu về lĩnh vực này khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tác động kinh tế - xã hội do mang thai ngoài ý muốn là rất lớn

Tại Tọa đàm “Công tác dân số kế hoạch hoá gia đình với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, ông Moises Uribe - Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Silverback Earth, chuyên gia về phát triển bền vững và quản lý chiến lược chia sẻ, ở Việt Nam có khoảng 25 triệu nữ giới hiện đang ở độ tuổi sinh sản; trong đó, có khoảng 3,3 triệu người nằm trong độ tuổi từ 15 đến 19 và 170.000 người muốn phòng tránh thai. Khoảng 16 triệu nữ giới ở độ tuổi từ 15 đến 49 chưa có mong muốn xây dựng gia đình, trong đó 21% có nhu cầu về phòng tránh thai nhưng chưa được đáp ứng.

Nhiều người trong số đó đang sử dụng những biện pháp phòng tránh thai mang tính truyền thống và không đáng tin cậy, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, kéo theo tình trạng về suy dinh dưỡng ở trẻ em, làm trầm trọng thêm khoảng cách kinh tế - xã hội cho quốc gia.

Ông Moises Uribe nhìn nhận, nếu nhu cầu tránh thai được đáp ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể giảm các trường hợp mang thai ngoài ý muốn xuống khoảng 68%, tức là từ 2,1 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn xuống còn khoảng 700.000 trường hợp. Nhờ vậy, tỉ lệ phá thai cũng sẽ giảm xuống nhiều so với hiện tại.

Cũng theo ông Moises, tác động kinh tế - xã hội do mang thai ngoài ý muốn là rất lớn. Việt Nam phải chi tiêu khoảng 600 triệu USD/năm cho vấn đề này, bao gồm chi phí liên quan đến thuốc tránh thai, các ca phá thai, chăm sóc trực tiếp, nghỉ sinh...

Nếu nhu cầu tránh thai được đáp ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể giảm các trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Ảnh minh họa: Internet.

Nếu nhu cầu tránh thai được đáp ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể giảm các trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Ảnh minh họa: Internet.

Để giảm bớt tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ có thể cải thiện các chính sách về sức khỏe sinh sản, xã hội bằng cách đầu tư vào các chương trình giáo dục giới tính quy mô lớn, kết hợp với các chiến dịch truyền thông để tuyên truyền biện pháp tránh thai đúng đắn, an toàn và hiệu quả cho trẻ vị thành niên từ sớm.

Tập trung xây dựng các chương trình nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận các biện pháp phòng, tránh thai hiệu quả và tin cậy, tăng cường đầu tư các dịch vụ y tế về sinh sản và tình dục. Đặc biệt, dành cho người dân có thu nhập thấp, tạo ra bình đẳng trong y tế.

Cùng với đó, phát triển các chương trình nghề nghiệp liên kết với các sáng kiến xã hội. Với mỗi 1% số ca sinh ngoài ý muốn được giảm xuống, Việt Nam có thể giảm tới 6 triệu USD chi phí trực tiếp, qua đó cũng sẽ giảm được tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và giảm suy dinh dưỡng mạn, tăng cường sức khỏe cho thế hệ tương lai. Từ đó, giảm được tỉ lệ bỏ học, trao cơ hội công bằng cho nữ giới trên toàn quốc.

Ngoài ra, công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Việc thực thi thành công “Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030”, có vai trò quan trọng đảm bảo Việt Nam có thể phát triển bền vững hay không và việc đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình cần được đặt lên ưu tiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trang chủ Euro Pharm VN ago dad