Lão nông xứ Mường thoát nghèo nhờ trồng bưởi đỏ trên đất dốc

GD&TĐ - Nhờ trồng 1ha bưởi đỏ trên đất dốc, ông Đinh Văn Hậu, xóm Sung (xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đã thoát nghèo và có của ăn của để.

Nhờ chuyển sang trồng bưởi đỏ, ông Hậu đã thoát nghèo.
Nhờ chuyển sang trồng bưởi đỏ, ông Hậu đã thoát nghèo.

Tìm hướng đi mới để thoát nghèo

Những năm qua, các hộ dân sinh sống ở xóm Sung (xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đã chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng bưởi đỏ phát triển kinh tế. Gia đình ông Đinh Văn Hậu là một trong những hộ tiên phong trồng bưởi đỏ trên 1ha đất dốc, nhờ vậy ông đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả.

Trong những ngày đầu tháng 11, chúng tôi có dịp đến thăm vườn bưởi đỏ của ông Đinh Văn Hậu. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước vườn bưởi sai trĩu quả hiện ra trước mắt. Để giữ cành không bị gãy, ông Hậu đã dùng cây tre để chống.

Ông Hậu đang chăm sóc bưởi đỏ tại vườn.

Ông Hậu đang chăm sóc bưởi đỏ tại vườn.

Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề trồng bưởi, ông Hậu cho biết, trước đây gia đình ông trồng ngô và làm ruộng, nhưng thu nhập thấp không đủ chi phí trang trải cuộc sống. Tình cờ ông thấy bà con ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) trồng bưởi đỏ có cuộc sống khấm khá, vì vậy ông đã mạnh dạn vay tiền hàng xóm mua cây giống về trồng thử.

"Sau 1 thời gian chăm sóc bưởi đỏ, tôi thấy cây phát triển tốt nên mua thêm cây giống về trồng tiếp trên 7.000m2, nhân tổng diện tích lên 1ha. Ban đầu mới chuyển sang trồng bưởi tôi gặp nhiều khó khăn do chưa am hiểu về kỹ thuật chăm sóc. Sau đó tôi tự mày mò vừa làm vừa học kỹ thuật trên sách báo. Hiện tại vườn gia đình tôi có 300 gốc bưởi đỏ đã cho thu hoạch quả. Năm nào vườn cây cũng đều sai quả trĩu cành", ông Hậu chia sẻ.

Ông Hậu đầu tư vốn khoan giếng, lắp đặt hệ thống nước tưới cho vườn bưởi đỏ.

Ông Hậu đầu tư vốn khoan giếng, lắp đặt hệ thống nước tưới cho vườn bưởi đỏ.

Theo ông Hậu, để cây không bị sâu bệnh, phát triển tốt sau khi trồng, ông đã lựa chọn kỹ cây giống ngay từ ban đầu. Phần lớn giống bưởi đỏ đều được ông mua từ các nhà vườn lớn, uy tín ở huyện Cao Phong (Hòa Bình). Để tiện lợi cho việc chăm sóc vườn bưởi ông khoan giếng, mua máy bơm lắp đặt ống dẫn nước, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển xanh tốt. Khoảng 3 năm sau vườn cây bắt đầu cho quả bói.

Nhờ cần mẫn, linh hoạt trong lựa chọn cây giống và học hỏi kỹ thuật chăm sóc khoa học trong trồng trọt. Vì vậy mà vườn bưởi đỏ của ông Hậu đều cho sai quả, chất lượng tốt, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hàng năm cứ đến vụ thu hoạch bưởi, gia đình ông cũng thiếu sản phẩm cung cấp ra thị trường.

Theo kinh nghiệm của ông Hậu: “Để vườn bưởi phát triển tốt, ít bị sâu bệnh và sai quả, tôi thường dùng phân phân chuồng ủ hoai mục, phân kali bón cho cây trồng. Vì vậy mà 1ha vườn cây của gia đình tôi luôn xanh tốt. Tôi dự tính trong thời gian tới, sẽ cải tạo lại 1ha nương bỏ hoang trồng thêm cam Vinh để tăng thêm thu nhập”.

Không chỉ trồng bưởi, ông Hậu còn nuôi thêm vịt để nâng cao nguồn thu nhập.

Không chỉ trồng bưởi, ông Hậu còn nuôi thêm vịt để nâng cao nguồn thu nhập.

Bưởi đỏ trở thành cây xóa nghèo

“Tôi thấy trồng bưởi đỏ rất dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít hơn ngô, mía, đầu ra cho sản phẩm tương đối ổn định. Các tiểu thương từ Hà Nội, Phú Thọ, Hà Nam, Thái Bình đến nương vườn nhà tôi thu mua nhiều lắm. Gia đình tôi không phải mất chi phí và công sức vận chuyển bưởi ra xã, huyện bán như ngô trước kia nữa. Giờ tôi không còn chịu cảnh khó khăn thiếu thốn như trước kia nữa", ông Hậu bộc bạch.

Cũng theo ông Hậu, nhờ có hướng đi hợp lý nên thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể. Giờ đây, các con ông đều được ăn học và có nghề nghiệp ổn định. "Nếu tính riêng thu nhập từ bưởi đỏ, mỗi vụ gia đình tôi có lãi gần 90 triệu đồng. Ngoài trồng bưởi đỏ tôi còn nuôi thêm 1.000 con vịt. 1 năm tôi nuôi được 3 lứa, mỗi lứa cho lãi 20 triệu đồng. Tính tổng bình quân 1 năm gia đình tôi có lãi hơn 150 triệu đồng từ bưởi và vịt”- ông Hậu cho hay.

Nhờ trồng bưởi đỏ, cuộc sống của gia đình ông Đinh Văn Hậu đã vươn lên thoát nghèo và có của ăn của để. Không chỉ riêng gia đình ông Hậu lựa chọn cây bưởi phát triển kinh tế mà còn rất nhiều hộ khác trên địa bàn xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc đã thoát nghèo nhờ trồng loại bưởi đỏ này. Hiện bưởi đỏ trở thành sản phẩm có thương hiệu được bày bán tại nhiều siêu thị lớn ở Hòa Bình cũng như các thành phố lớn, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn và tin dùng.

Ông Hậu nâng niu từng quả bưởi đỏ.

Ông Hậu nâng niu từng quả bưởi đỏ.

Ông Bùi Văn Tinh, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết: Cây bưởi đỏ đã mang lại lợi ích kinh tế, là cây chủ lực trong xoá đói giảm nghèo, giúp nhiều hộ dân có cuộc sống khấm khá.

Bưởi đỏ cũng trở thành thương hiệu nổi tiếng của huyện và được người tiêu dùng lựa chọn. Tham gia các lễ hội, hội chợ, triển lãm nông sản, huyện cũng đẩy mạnh quảng bá thương hiệu bưởi đỏ tới người tiêu dùng và giới thiệu sản phẩm đến với doanh nghiệp. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp bà con có thị trường tiêu thụ tốt hơn và tăng nguồn thu nhập cao hơn.

Thời gian qua, huyện luôn đẩy mạnh việc đầu tư và chuyển đổi diện tích đất bạc màu sang trồng cây ăn quả, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều hộ dân ở xã Thanh Hối, cùng bà con ở một số xã trên địa bàn huyện đã thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá và thu nhập kinh tế ổn định từ trồng cây ăn quả, trong đó có bưởi đỏ.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá định kinh tế cao. Đồng thời, chúng tôi phối hợp và liên kết với các doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân, để tiêu thụ sản phẩm cho bà con trong thời gian tới" ông Tinh thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ