Huyện miền núi nỗ lực xoá mù chữ góp phần xoá đói giảm nghèo

GD&TĐ - Các thầy cô giáo huyện miền núi đã và đang nỗ lực xoá mù chữ giúp các hộ nghèo, cận nghèo cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống .

Huyện miền núi nỗ lực xoá mù chữ góp phần xoá đói giảm nghèo.
Huyện miền núi nỗ lực xoá mù chữ góp phần xoá đói giảm nghèo.

Đến trường tìm chữ

Đại Từ là huyện miền núi nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Thái Nguyên. Cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp với thế mạnh là cây lúa và cây chè. Trong những năm qua được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, sự lãnh đạo của cấp uỷ và sự điều hành của chính quyền, tốc độ phát triển kinh tế của huyện những năm qua luôn đạt mức tăng trưởng khá, các hoạt động văn hóa - xã hội ngày càng phát triển, an sinh xã hội được giải quyết kịp thời, đời sống nhân dân ổn định và ngày càng được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Những năm gần đây, huyện đã chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Toàn ngành tập trung đầu tư cho công tác đào tạo - bồi dưỡng để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị dạy học; duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương luôn quan tâm đến công tác phổ cập giáo dục và xoá mù chữ.

Nhờ đó, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và xóa mù chữ mức độ 2 được duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng theo từng năm. Các đơn vị trường học đã tích cực tham mưu thực hiện phổ cập giáo dục và xoá mù chữ góp phần quan trọng, duy trì kết quả phổ cập giáo dục và xoá mù chữ với chất lượng vững chắc.

Trong 21 học viên tham gia 5 lớp xoá mù chữ của huyện Đại Từ mở trong tháng 9 vừa qua, chủ yếu là các học viên có độ tuổi từ 15 – 60 tuổi, trong đó có nhiều hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Việc đi học đối với người trẻ đã khó, với người có tuổi lại khó khăn hơn. Nhưng với quyết tâm đi học để biết chữ, để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, nhiều học viên đã nỗ lực, vượt qua tuổi tác, sắp xếp công việc để tham gia lớp học.

Động viên học viên quyết tâm vượt khó tham gia lớp xoá mù chữ

Động viên học viên quyết tâm vượt khó tham gia lớp xoá mù chữ

Góp phần xóa đói, giảm nghèo

Đơn cử như ông Nguyễn Văn Cử, ở xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, năm nay ông đã bước sang tuổi 62, mặc dù đã lớn tuổi nhưng khi được địa phương vận động, tuyên truyền tham gia lớp học xoá mù chữ, ông vô cùng phấn khởi bởi ông biết rằng, việc biết chữ biết số có ý nghĩa lớn như thế nào. Không chỉ để hoàn thiện bản thân, việc tham gia lớp học chữ còn giúp ông có thể tính toán công việc đồng áng, mà không cần phụ thuộc vào người khác. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình cũng dần được cải thiện.

Còn đối với bà Nguyễn Thị Sáu, xã Văn Yên, huyện Đại Từ dù đã gần 60 tuổi nhưng do bản thân chưa thành thạo tiếng Việt nên bà Sáu quyết tâm tham gia lớp học xoá mù chữ. Bà Sáu chia sẻ: Mặc dù tuổi này đi học cũng rất ngại nhưng học không bao giờ cùng, tôi phải quyết tâm học để biết cái chữ cho đỡ khổ. Trước kia nhà có 7 anh em, nghèo không có tiền để đi học nên thiệt thòi lắm. Giờ đi học được cấp đầy đủ sổ, bút, không mất học phí. Học xong có thể đọc, viết, tính toán. Nhờ đó, cuộc sống sẽ bớt nghèo khổ hơn.

Theo số liệu thống kê năm 2022, toàn tỉnh Thái Nguyên có 5.028 người trong độ tuổi từ 15-60 mù chữ mức độ 1, 2, chiếm 0,44%; 178/178 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2. Tỉnh đề ra mục tiêu duy trì 100% đơn vị cấp xã và cấp huyện giữ vững tiêu chuẩn xoá mù chữ mức độ 2. Các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có ít nhất 98% số người trong độ tuổi từ 15 đến 35 đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.

Để duy trì được chỉ tiêu nêu trên, ngành Giáo dục và các địa phương đã tham mưu thực hiện tốt kế hoạch mở các lớp dạy xoá mù chữ cho các đối tượng mù chữ trong độ tuổi xoá mù chữ theo Nghị quyết số 27/2022/NĐ-HĐND ngày 18/12/2022 của HĐND tỉnh, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xoá mù chữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ