Đến ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, hỏi thăm về ông Hai Chìa (tức ông Lê Văn Chìa, 73 tuổi), hầu như ai cũng biết. Bởi ông Hai Chìa nổi tiếng chơi ngông vì dám bỏ hoang hơn 2 ha đất vườn cho chim sinh sống.
Ông Hai Chìa và đàn vạc nghìn con.
Căn nhà đơn sơ của 2 vợ chồng ông Hai Chìa nằm ven một con đường nhỏ ở ấp Gia Kiết. Lão nông này có 3 người con trai và đều đã yên bề gia thất.
Ông Hai Chìa kể, nhà ông có hơn 2 ha đất chuyên canh tác nhãn, cho thu nhập mỗi năm hơn trăm triệu đồng. Các con lão nhờ vườn nhãn này mà ăn học thành tài. Đến năm 2006, vườn nhãn nhà ông xuất hiện một đàn vạc hơn trăm con và kéo về mỗi lúc một đông.
Đàn vạc sinh sôi tại khu vườn của ông Hai Chìa.
“Lúc đầu, thấy chim bay về tôi thích lắm. Ông bà mình có câu đất lành chim đậu mà”, ông Hai Chìa nói.
Tiếp lời ông Hai Chìa, bà Lê Thị Thôi (69 tuổi, vợ ông Hai Chìa) kể: “Mấy chú có biết không, hồi đó cứ mỗi lúc ăn cơm chiều mà thấy đàn chim bay về là ổng quăng chén đũa bỏ chạy ra vườn. Tôi la ổng là chim bay thì kệ nó đi. Rồi chim về mỗi lúc một nhiều, có lúc mấy ngàn con. Chúng ở đông quá làm vườn nhãn khó đậu trái. Ổng không cho vô vườn xịt thuốc và chăm sóc khiến gia đình mất dần thu nhập từ vườn nhãn”.
Đàn vạc tung bay tự do trong khu vườn của ông Hai Chìa.
Tay chỉ về phía căn nhà giữa vườn nhãn, bà Thôi nói: “Đó là căn nhà của thằng cháu. Trong hơn hơn 2 ha vườn nhãn này có 1 phần của nó. Trước nó từng xua đuổi chim nhưng lũ vạc bay đi ít hôm rồi lại quay về. Chúng nó ở riết rồi cũng quen. Dù thấy tiếc vườn nhãn nhưng mà chúng đi mình lại thấy buồn".
Thương lũ vạc, ông Hai Chìa về bàn bạc với gia đình dành khu vườn để cưu mang chúng. Vậy là từ đó, ngày ngày, ông Hai Chìa canh giữ bầy chim.
Mất trắng thu nhập, mọi chi tiêu của hai vợ chồng già phải nhờ vào tiền phụng dưỡng từ con cái. Còn người cháu phải bỏ lên tận Bình Dương kiếm kế sinh nhai.
Không những dành đất cho lũ vạc, ông Hai Chìa còn ra sức bảo vệ chúng trước nạn săn bắn. Ông dựng căn chòi trên nóc nhà người cháu bỏ lại để quan sát và một căn chòi ở cuối vườn để nằm canh giữ mỗi đêm.
Sống gắn bó hàng chục năm trời, nên cùng một tiếng kêu "oạc oạc...", ông Hai Chìa có thể nhận ra đâu là lúc lũ vạc nô đùa, đâu là lúc chúng kêu cứu.
Căn chòi nhỏ cuối vườn - Nơi ông Hai Chìa nằm ngủ hằng đêm để bảo vệ đàn vạc.
Thời gian rảnh rỗi, ông Hai Chìa còn ra sông bắt tôm cá về đổ vào khu vườn cho chim ăn bởi thế ông cũng từng bị nhiều người cười, nói ông là “xúc tép nuôi cò”. Hơn chục năm bỏ hoang cho chim sinh sống, vườn nhãn nhà ông Hai Chìa rậm rạp như một cánh rừng, chỉ còn một lối mòn nhỏ có thể di chuyển được.
Ven theo lối mòn vào các ngõ ngách trong khu vườn, ông Hai Chìa căng những sợi dây đấu nối vào một chiếc lon sữa bò đặt sát nhà. Khi có trộm vào săn bắt chim, đi vướng phải dây là ông Hai Chìa ngay lập tức nhận được báo động.
"Cũng có nhiều người nói này nọ rằng tôi uổng công xúc tép nuôi cò, cho chúng ăn rồi ngày nào đó chúng cũng sẽ bỏ đi. Nhưng cả chục năm nay có bao giờ chúng bỏ tôi đâu.
Tôi cũng mong có một khoản tiền để xây dựng hàng rào bao quanh khu vườn để lũ chim được an toàn.
Vả lại, tôi không biết còn đủ sức một mình bảo vệ đàn vạc đến bao giờ. Nếu có tổ chức cá nhân nào muốn dùng khu vườn làm du lịch sinh thái tôi sẵn sàng chào đón. Miễn sao, họ có thể chứng minh được họ có thể bảo vệ đàn vạc cũng như không làm ảnh hưởng đến không gian sinh sống của chúng", ông Hai Chìa tâm sự.