Di chuyển đàn ong theo mùa hoa
Ông Chiến hiện trú tại xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng (Thái Bình) có gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật. Ông am hiểu từng tập tính của loài ong, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật.
Nhờ nắm bắt được quy trình ra hoa của các giống cây, lựa chọn các loại hoa tạo mật tốt giúp ông Chiến duy trì được 470 đàn ong giống nội cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Gần 20 năm nuôi ong, ông Chiến chủ yếu khai thác mật từ hoa nhãn, bởi Thái Bình có nguồn hoa khá dồi dào, lượng nước trong mật ong hoa nhãn chiếm tỷ lệ rất thấp, do đó mật luôn có màu vàng nhạt, sóng sánh, có hương thơm của phấn hoa tự nhiên, có vị ngọt thanh.
Thông thường sau Tết Nguyên đán, ông bắt đầu di chuyển đàn ong đặt tại các vườn nhãn cổ tại các xã: Chí Hòa, Tiến Đức, Hòa Tiến (huyện Hưng Hà), Lô Giang (huyện Đông Hưng). Nơi nào nhiều hoa ông sẽ đặt nhiều đàn, nơi nào ít hoa sẽ đặt ít đàn.
“Nuôi ong chỉ để lấy mật dùng thì khá dễ, nhưng nuôi số lượng lớn để làm giàu rất khó, mình phải am hiểu thời tiết, vùng địa lý nhiều nơi và thấu hiểu được bản chất của con ong. Sống với nó như bạn thì mới nuôi nó được”, ông Chiến chia sẻ.
Theo ông Chiến, nghề nuôi ong lấy mật phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Nếu trời mưa nhiều, mật sẽ lỏng và nhạt, nắng quá gắt mật lại sánh và khó quay. Năm nào mưa nắng đan xen, cây cối đâm chồi nảy lộc, gặp được vùng hoa sum suê chỉ cần 7 - 10 ngày sẽ có được những bánh mật vàng ươm.
Thời điểm thu mật ong rộ nhất là từ tháng 3 đến tháng 6, bởi đây là khoảng thời gian thời tiết thuận lợi ấm áp, nguồn mật hoa phong phú.
Trung bình, mỗi mùa hoa, ông Chiến quay mật từ 4 - 5 lần, mỗi đàn thu từ 5 - 6 lít mật. Với giá bán 250.000 đồng/lít, trừ chi phí, mỗi năm ông thu về khoảng 400 triệu đồng từ khai thác mật.
Ông Chiến cho biết, giống ong nội cho mật ít hơn ong ngoại nhưng giá trị dinh dưỡng của mật cao hơn. Cùng địa điểm đặt, cùng loại hoa khai thác nhưng mật từ ong nội có giá trị cao hơn gấp 2 lần ong ngoại. Tuy nhiên năm nay, nhãn ít hoa lại nở rải rác nên sản lượng mật chỉ bằng 30 - 40% mọi năm.
Hết mùa hoa nhãn, ông Chiến di chuyển đàn ong sang vùng rừng ngập mặn tại Thái Thụy hoặc vùng trồng keo, bạch đàn để nuôi ong.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc ong, ông Chiến nói, để đàn ong khỏe mạnh cho năng suất, chất lượng mật cao, mỗi ngày ông kiểm tra, vệ sinh thùng ong để loại bỏ các loại côn trùng gây hại cho ong. Thùng ong được che chắn cẩn thận để ong không bị ướt, rét và nóng.
Mỗi năm, gia đình ông Chiến thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi ong. |
Trong quá trình kiểm tra đàn ong phải hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận, tránh mặc áo có màu sắc sặc sỡ khiến cho đàn ong bị xáo trộn. Người nuôi phải am hiểu tập tính của ong, biết rõ mùa nào hoa nở để di chuyển đàn ong đến chỗ có nguồn mật hoa dồi dào.
Đặc biệt, người nuôi phải chú ý đến quá trình sinh trưởng của đàn ong, nắm vững kỹ thuật tách đàn, tạo ong chúa, lấy mật, phấn hoa, xử lý kịp thời hiện tượng ong bốc bay và bệnh thối ấu trùng.
Đưa mật ong trở thành sản phẩm OCOP
Hiện nay, ông Chiến đang xây dựng sản phẩm mật ong trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, cung cấp sản phẩm chất lượng tới người tiêu dùng.
Theo ông, nghề nuôi ong lấy mật đòi hỏi kỹ thuật cao, phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật để đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng mật ong.
Quá trình thu mật được thực hiện đúng thời gian mật chín tự nhiên trong tổ. Tổ ong vít nắp hoàn toàn thì mật ong mới đậm đặc và đảm bảo được các khoáng chất và vitamin thiết yếu.
Để nâng cao giá trị, thời gian sử dụng, chất lượng an toàn thực phẩm cho sản phẩm, ông Chiến đầu tư phòng lạnh duy trì nhiệt độ dưới 26 độ C để bảo quản mật. Chai đóng mật cũng chọn mua của cơ sở uy tín, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không chỉ chủ động trong quá trình sản xuất mật ong, mỗi năm ông Chiến còn nhân giống, cung cấp ong giống ong chúa cho các hộ nuôi trong và ngoài tỉnh.
Thông thường ong chúa có tuổi thọ từ 7 - 8 năm, tuy nhiên 1 - 2 năm có thể thay ong chúa một lần để ong sinh sản mạnh, cho giống tốt và mật nhiều.
“Khi bán giống cho các hộ nuôi, tôi hướng dẫn cách chăm sóc, kỹ thuật nuôi ong để mang lại hiệu quả cao. Trung bình, mỗi đàn giống bán với giá từ 700 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/đàn”, ông Chiến nói.
Không giữ kinh nghiệm cho riêng mình, ông Chiến còn nhiệt tình phổ biến kỹ thuật và phương pháp chăm sóc ong cho nhiều hộ gia đình làm theo và phát triển nghề.
Từ đây, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, nhiều gia đình có thu nhập trên 70 triệu đồng mỗi năm.
Để tiếp tục phát triển mô hình trong thời gian tới, ông kết hợp với cán bộ khuyến nông tại địa phương hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân quanh vùng, cùng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Ông Phạm Đức Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hưng cho biết, nghề nuôi ong lấy mật của gia đình ông Chiến đã trở thành điểm sáng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, Hội Nông dân huyện đang hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, quy trình sản xuất theo quy chuẩn để các sản phẩm của gia đình ông Chiến sớm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.