Thiếu kiến thức về dinh dưỡng
Là nhận định của ThS Đỗ Nam Khánh (Khoa Dinh dưỡng - ĐH Y Hà Nội) tại buổi tập huấn kỹ năng về chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tinh thần cho 50 cán bộ công đoàn và cán bộ y tế của các doanh nghiệp trong năm khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN - KCX) của TP Hà Nội và Bắc Ninh.
ThS Đỗ Nam Khánh cho biết: Không phải khi có thai phụ nữ mới cần chăm sóc dinh dưỡng thai kỳ mà khoa học đã chứng minh phải chăm sóc ngay từ khi có kế hoạch mang thai.
Theo đó, phụ nữ mang thai và sau sinh phải được cung cấp đủ năng lượng theo nhu cầu gồm các chất dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng một cách cần thiết. Nhưng cũng không nên cố gắng tẩm bổ sẽ sinh con quá to so với chiều cao của mẹ. Hiện mức cân trung bình của trẻ sơ sinh được khuyến cáo là khoảng 3 - 3,5 kg.
ThS Lê Thị Thu Hà (ĐH Y tế công cộng Hà Nội) lại nhấn mạnh tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng hợp lý đối với người lao động trong môi trường nhà máy, đặc biệt là nữ lao động trong thời gian mang thai, cho con bú.
Theo ThS Hà, chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ cung cấp đủ năng lượng theo nhu cầu, cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết với tỷ lệ cân đối, thích hợp. Khẩu phần ăn thiếu chất, dù là vi chất (vitamin, chất khoáng, nước) hay đa chất (chất xơ, chất đạm, chất béo) cũng có thể dẫn đến các bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Riêng đối với phụ nữ đang mang thai và cho con bú, thức ăn, dinh dưỡng mẹ đưa vào cơ thể cũng chính là những gì thai nhi hấp thu trong bào thai. Một chế độ ăn không đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết là một trong các nguyên nhân dẫn đến cân nặng thấp của trẻ sơ sinh.
Trong thời kỳ cho con bú, các bà mẹ không cần ăn quá nhiều một món ăn để bổ sung cụ thể một chất nào mà nên ăn đa dạng các nhóm thực phẩm sao cho cân bằng được các nhóm chất đạm, chất xơ, chất béo các vitamin và khoáng chất, đặc biệt chú ý bổ sung nước đủ cho cơ thể.
Mắc bệnh nhưng không hay biết
Không chỉ cung cấp về kiến thức dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, tại buổi tập huấn, các cán bộ công đoàn, cán bộ y tế còn cung cấp những kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khoẻ tinh thần trong thời gian mang thai và sau sinh… cho nữ công nhân.
Tại buổi tư vấn khám, tư vấn về sức khỏe sinh sản cho các công ty, nhà máy tại KCN Bắc Thăng Long do Quỹ Vì tầm vóc Việt thực hiện đã thu hút 646 nữ công nhân đến từ 16 công ty thuộc 3 KCN Quang Minh, Nội Bài - Sóc Sơn và Thăng Long tham gia. Chị Nguyễn Thị B. (Công ty sản xuất Coto) cho biết: Hằng năm, công ty tổ chức khám sức khỏe cho người lao động 2 lần, nhưng vì đông người khám, lại khám tổng quát nên rất nhanh chóng, không theo chuyên khoa như thế này.
Còn chị Lê Ngọc H (Công ty Fujikin) cho hay, tại lần khám sức khỏe định kỳ của công ty, bác sĩ cho biết chị bị vấn đề về sức khỏe sinh sản nhưng thời gian làm việc bận rộn nên chưa đi khám chuyên khoa được. Tại buổi khám này chị đã được các bác sĩ siêu âm, chụp chiếu, và kê đơn để điều trị nên có thể yên tâm để làm việc.
Thống kê sơ bộ sau buổi khám có tới 67% chị em mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa trong đó phổ biến là bệnh viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cấp độ I - II - III, viêm lộ tuyến ven lề, nang naboth cổ tử cung; trong đó có 18 trường hợp dương tính tầm soát ung thư cổ tử cung.
Khám, tư vấn hay những buổi truyền thông nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành dinh dưỡng hợp lý, chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tinh thần cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tại KCN này nằm trong khuôn khổ giai đoạn 2 của Dự án “Vì mẹ và bé - Vì tầm vóc Việt” do Quỹ Vì tầm vóc Việt phối hợp với Công đoàn các KCN và KCX tại Hà Nội và Bắc Ninh thực hiện.
Bà Trần Hồng Điệp, cán bộ chương trình Quỹ Vì tầm vóc Việt chia sẻ: Giải đoạn 1 của dự án được thực hiện tại hai KCN tại Hà Nội vào năm 2017 và nhận được những tín hiệu tích cực từ người lao động. Trên cơ sở đó, chúng tôi tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 tại năm KCN - KCX tại Hà Nội và Bắc Ninh, đồng thời mở rộng thêm nhiều hoạt động như tư vấn và khám dinh dưỡng lưu động, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản và tinh thần của các đội chơi tham gia dự án.
Việt Nam có tỉ lệ phá thai cao nhất ở châu Á và cao thứ ba trên thế giới với khoảng một triệu ca/năm. Điều này cho thấy, kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn của các lao động nữ còn thiếu và yếu. Do đó, cung cấp kiến thức về tình dục an toàn thông qua sử dụng các biện pháp tránh thai sẽ giúp lao động nữ được chăm sóc sức khỏe sinh sản, được tiếp cận các biện pháp tránh thai chất lượng với chi phí hợp lý.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Điều phối viên dự án của tổ chức DKT International, Inc (Hoa Kỳ)