Lao động là vinh quang

GD&TĐ - Lao động, dù bằng chân tay hay trí óc, trước hết là đã không ngừng tạo ra của cải vật chất, tiền bạc để có thể nuôi sống bản thân, gia đình và xã hội.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Phải nghỉ ở nhà nhiều ngày vì còn bị nhiễm Covid-19, chị buồn rầu tâm sự với anh: “Mong sao cho nhanh khỏi bệnh để còn được đi làm, chứ nghỉ ở nhà mãi, chỉ biết hết ăn lại ngủ thế này thì chán lắm!”. Anh nhẹ nhàng động viên chị rồi tỏ ý đồng tình: “Chỉ có lao động mới mang lại cho con người ta nhiều niềm vui”.

Cả anh và chị đều hồ hởi kể lại: Từ hồi còn nhỏ ở quê, ngoài việc học, đã biết làm đủ việc. Bắt đầu là biết trông nhà trông em. Lớn lên một chút đã biết nấu cơm, quét dọn, băm bèo thái rau, chăn trâu cắt cỏ... Có sức khỏe một chút thì đã có thể đi làm đồng làm nương hay ngược xuôi gánh gồng, bán buôn cùng bố mẹ. Nhờ thế mà cả hai anh chị đều sớm biết việc, biết tự lo liệu khi bước vào tuổi trưởng thành.

Anh chị còn kể lại thời học phổ thông. Ngoài thời gian chính học văn hóa, trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi lao động tập thể. Đơn giản là dọn dẹp vệ sinh cho trường lớp được sạch sẽ. Rồi thì trồng cây cho trường xanh mát hơn. Có khi, vào những năm đầu trường mới được thành lập, học sinh còn được huy động vào việc san lấp đất đá cho khuôn viên của trường được bằng phẳng hơn.

Nhất là công việc được từng thành viên trong lớp luân phiên thực hiện một cách đều đặn, nghiêm túc ấy là làm trực nhật. Cũng bởi thế mà ngoài việc tích lũy kiến thức, học sinh còn biết yêu lao động; biết vì tập thể, cộng đồng.

Từ xa xưa, ông cha ta đã răn dạy: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, “Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa/ Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày”.

Hay như nhà thơ Hoàng Trung Thông cũng từng có những vần thơ nổi tiếng, đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người như: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Lao động, dù bằng chân tay hay trí óc, trước hết là đã không ngừng tạo ra của cải vật chất, tiền bạc để có thể nuôi sống bản thân, gia đình và xã hội.

Người có khả năng lao động nhưng lại lười biếng, thích “Ngồi mát ăn bát vàng” rõ ràng sẽ tạo nên nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, bị mọi người xem thường.

Lao động chân chính bao giờ cũng giúp chúng ta giải phóng được năng lượng, năng lực tiềm tàng của bản thân; học hỏi, sáng tạo, tích lũy được nhiều tri thức, kỹ năng trong quá trình thực hiện. Bởi vậy, nhờ có lao động mà mỗi người mới được phát triển, được khẳng định và tạo dựng được vị thế của mình trong cộng đồng.

Một lời nói tốt đẹp, một cử chỉ thân thiện cũng có thể sưởi ấm lòng người. Tuy nhiên, tình yêu thương, sự sẻ chia sẽ thiết thực hơn, hữu ích hơn khi được thể hiện bằng những việc làm, những món quà cụ thể. Và điều đó chỉ có thể thực hiện được khi mỗi người biết tích cực lao động.

Như những y bác sĩ, những chiến sĩ bộ đội không quản ngại khó khăn, gian khổ; những mạnh thường quân không ngừng đóng góp tiền của; mọi người dân đều chung tay góp công góp sức bằng những việc làm cụ thể đã góp phần rất lớn trong việc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 ở nước ta suốt thời gian vừa qua.

Lao động, trước là giúp ích cho bản thân, sau mới có thể giúp đỡ được người khác, xây dựng và làm giàu cho quê hương, đất nước.

Bàn về niềm vui lao động, chẳng nói đâu xa xôi, anh chị lại nghĩ ngay đến bố mẹ mình hiện đang sống ở quê. Dù tuổi đã ngoài 70, các con đều đã có gia đình, cũng có của ăn của để, vậy mà bố mẹ cũng chẳng chịu ngồi không.

Hàng ngày, bố mẹ vẫn luôn tay với vườn rau, đàn gà… Vợ chồng anh chị khuyên bố mẹ có tuổi rồi, không cần phải làm gì nữa, lỡ xảy ra chuyện gì thì khổ.

Nghe vậy, bố mẹ lại chỉ cười xòa, nói: “Không làm gì, cứ ngồi không ngày ăn ba bữa thấy buồn chân buồn tay thế nào ấy. Mà có ăn gì cũng chẳng thấy ngon miệng”.

Lao động có vai trò rất quan trọng. Lao động không chỉ giúp mình mà còn giúp người. Chính vì vậy mà sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã có câu nói rất nổi tiếng: “Lao động là vinh quang”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ