Lào Cai nâng cao chất lượng xóa mù chữ

GD&TĐ - Nhằm nâng cao tỷ lệ và chất lượng xóa mù chữ , đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, Sở GD&ĐT Lào Cai đã yêu cầu các phòng GD&ĐT thực hiện hàng loạt giải pháp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nâng cao nhận thức, nghiệp vụ 

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai – Ông Nguyễn Thế Dũng: Trước hết, Sở yêu cầu các Phòng GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng; phát huy vai trò nòng cốt của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ đi học xóa mù chữ.

Cùng đó, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể với phòng GD&ĐT trong triển khai công tác xóa mù chữ.

Ký kết các chương trình phối hợp hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập giữa phòng GD&ĐT với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Khuyến học, Đoàn Thanh niên, Đồn biên phòng…

Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát người mù chữ, người tái mù chữ trên địa bàn, khảo sát khả năng đọc viết, tính toán của người dân; kịp thời nắm bắt những khó khăn của học viên để có giải pháp phù hợp trong việc vận động người mù chữ ra lớp và duy trì sĩ số.

Đặc biệt trong phương pháp vận động người mù chữ đi học xóa mù chữ; cách thức tổ chức, phương pháp dạy học xóa mù chữ… phải được đổi mới. Cần lồng ghép giữa chương trình xóa mù chữ với dạy nghề truyền thống, nghề ngắn hạn và phát triển cộng đồng, góp phần giúp cho người học biết cách xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tăng cường nhận thức cho người dân về xóa mù chữ.
Tăng cường nhận thức cho người dân về xóa mù chữ.

Mặt khác cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, cộng tác viên tham gia dạy xóa mù chữ bằng nhiều hình thức (bồi dưỡng trực tiếp, bồi dưỡng trực tuyến, tự bồi dưỡng qua mạng, biên soạn tài liệu tự học,...).

Chú trọng bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên làm công tác xóa mù chữ. Tăng cường trách nhiệm của Ban giám đốc trung tâm học tập cộng đồng đối với công tác xóa mù chữ; Khen thưởng đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác xóa mù chữ; tôn vinh, tuyên dương và biểu dương những điển hình, tấm gương người dạy, người học.

Chuyển đổi phương pháp 

Theo ông Nguyễn Thế Dũng, tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể còn kéo dài và diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, đồng thời duy trì hoạt động dạy và học xóa mù chữ thì phòng GD&ĐT cần phối hợp với các phòng ban, cơ quan, đơn vị, đoàn thể… hướng dẫn trung tâm học tập cộng đồng chủ động phối hợp với trường TH, THCS  triển khai nhiều giải pháp.

Cụ thể như hướng dẫn chi tiết cách học, lịch học và cách học lại Tiếng Việt trên Đài Truyền hình Việt Nam hoặc tải ứng dụng để học qua app VTV Go cho học viên học xóa mù chữ.

Khuyến khích giáo viên xây dựng các video, clip dạy học Tiếng Việt bằng tiếng dân tộc thiểu số gửi cho học viên các lớp xóa mù chữ qua nhóm zalo, email để các học viên tự học tại nhà.

Tăng cường học Tiếng Việt qua truyền hình cho học viên lớp xóa mù chữ trong thời điểm dịch phức tạp.
Tăng cường học Tiếng Việt qua truyền hình cho học viên lớp xóa mù chữ trong thời điểm dịch phức tạp. 

Phòng GD&ĐT cần chỉ đạo giáo viên dạy xóa mù chữ chủ động phối hợp với trưởng thôn, Bí thư chi bộ thông bản để phát tài liệu và bài tập đến các học viên; huy động người thân của học viên có trình độ văn hóa phù hợp hướng dẫn, hỗ trợ cho học viên học tại nhà.

Cần tận dụng tối đa thời gian khi dịch bệnh được kiểm soát để huy động học viên ra lớp và duy trì sỹ số học viên; tổ chức tăng buổi học/tuần để triển khai những nội dung cơ bản, cốt lõi trong chương trình học; ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt và môn Toán để giúp học viên có các năng lực cơ bản về đọc, viết, tính toán.

Phát động phong trào đọc sách trong các xã, thôn, xóm; xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ để thu hút người dân đọc sách, truyện, qua đó củng cố kết quả biết chữ.

Tăng cường vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ sách, vở, thiết bị dạy học trực tuyến (ti vi, máy tính, bảng viết điện tử,...), phần mềm dạy học trực tuyến, gói cước internet cho các lớp tại các điểm trường ở các xã, thôn, xóm đặc biệt khó khăn để hỗ trợ việc dạy học theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học sinh nghèo ở Trường PTDTBT THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Không để học sinh nào mất Tết

GD&TĐ - Chuẩn bị Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, giáo viên nhiều trường học vùng khó ở Thanh Hóa lại ngược xuôi lo Tết cho học trò.