Lào Cai kiến nghị tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho trẻ mầm non

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để nâng cao chất lượng bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng, tỉnh Lào Cai đã kiến nghị tăng mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non.

Tỉnh Lào Cai phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 4 tuổi vào năm 2024.
Tỉnh Lào Cai phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 4 tuổi vào năm 2024.

Thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, tỉnh Lào Cai đã triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách đối với giáo dục mầm non (GDMN) và chính sách hỗ trợ đối với giáo dục vùng cao. Đặc biệt, các chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ, hỗ trợ giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt, lớp ghép, chi phí học tập… được thực hiện đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.

Địa phương này đã ban hành hệ thống các văn bản để phát triển giáo dục, trong đó có GDMN. Tính đến tháng 5/2022, đã có 60.418 trẻ được hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa với tổng số tiền đã chi trả là 45 tỷ đồng.

Đặc biệt, tỉnh Lào Cai ban hành và thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với nhóm trẻ 24 – 36 tháng tuổi theo Nghị quyết số 29/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Theo đó, trẻ được hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 160 nghìn đồng mỗi tháng học thực tế. Hiện đã có 11.406 lượt trẻ được hưởng chính sách. Tổng số tiền đã chi trả là 11,7 tỷ đồng.

Cùng với đó, 117 trường mầm non ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ nấu ăn với tổng số tiền 3,3 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 3.290 giáo viên được hưởng chính sách dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số với tổng số tiền đã chi trả 13,7 tỷ đồng.

Công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi được củng cố, duy trì vững chắc ở 152 xã, phường, thị trấn. Tỉnh Lào Cai cũng thực hiện thí điểm phổ cập GDMN cho trẻ 4 tuổi. Địa phương này phấn đấu có 55 xã đạt chuẩn vào năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2024.

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và phát triển GDMN trên địa bàn.

Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105.

Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105.

Bà Nguyệt cho biết, cơ chế về học phí và các chính sách hỗ trợ của Trung ương mới tập trung cho trẻ em 5 tuổi và mẫu giáo mà chưa quan tâm đúng mức đối với nhà trẻ. Cùng với đó, một số trường có trẻ học trái tuyến hoặc học sinh ở thôn đặc biệt khó khăn của xã khu vực I và hộ nghèo nhưng do nhà trường không đặt tại thôn, xã đặc biệt khó khăn nên không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ kinh phí nấu ăn.

Bà Dương Bích Nguyệt cho biết: “Do đặc thù miền núi, vùng cao, quỹ đất dành để xây dựng trường mầm non chật hẹp, một số xã còn nhiều điểm trường, khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực nên tỷ lệ phòng học kiên cố còn thấp (59,5%). Toàn tỉnh vẫn còn nhiều điểm trường thiếu công trình vệ sinh đạt chuẩn, chưa đảm bảo đủ nước sạch, bếp ăn còn xây dựng tạm”.

Bên cạnh đó, nguồn ngân sách hỗ trợ cho GDMN, đặc biệt vùng khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu tăng nhanh về quy mô và nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ, chế độ dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số còn thấp. Đặc biệt, là thiếu ngân sách hỗ trợ chi trả cho giáo viên dạy thay, làm việc vượt quá thời gian quy định.

Cùng với đó, định mức giáo viên/nhóm, lớp mới chỉ đạt 1,84 còn thiếu với định mức quy định. Việc sắp xếp, tuyển dụng giáo viên mầm non còn khó, do chỉ tiêu giao biên chế hàng năm chưa đáp ứng và thiếu nguồn tuyển giáo viên đạt chuẩn trình độ chuyên môn theo Luật Giáo dục 2019.

Trước những khó khăn trên, tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 105, bà Dương Bích Nguyệt cho biết: “Tỉnh Lào Cai kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan có chính sách hỗ trợ hoặc trợ cấp theo giai đoạn đối với đội ngũ nhà giáo bị ảnh hưởng trực tiếp theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế việc giáo viên xin thôi việc và chuyển khỏi ngành".

Đồng thời, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cũng kiến nghị tăng mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ từ 160.000đ lên 220.000đ/ 1 tháng để nâng cao chất lượng bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe cho trẻ. Tăng chế độ cho giáo viên dạy lớp ghép và tăng cường Tiếng Việt.

Sở cũng kiến nghị các Bộ, ngành nghiên cứu quy định cho giáo viên Mầm non được nghỉ hưu sớm ít nhất 5 năm so với quy định chung về tuổi nghỉ hưu tại Điều 169, Bộ Luật Lao động năm 2019.

Tính đến hết năm học 2021 – 2022, tỉnh Lào Cai có 612 trường, 1.360 điểm trường, 7.896 lớp với hơn 225 nghìn học sinh. Trong đó, cấp học mầm non có 197 trường, 842 điểm trường lẻ với gần 58 nghìn trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.