Nghị định 105: Đón nhận niềm vui từ vùng khó

GD&TĐ - Ngày 1/11/2020, nghị định 105 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non chính thức có hiệu lực.

Chăm sóc trong giờ ăn cho học sinh tại Trường Mầm non Hoa Sen, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Ảnh: H.Cường
Chăm sóc trong giờ ăn cho học sinh tại Trường Mầm non Hoa Sen, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Ảnh: H.Cường

Một trong những nội dung được giáo viên, phụ huynh ở địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số đón nhận là tính nhân văn, quan tâm đến đời sống của cả thầy lẫn trò.

Nghị định đầy tính nhân văn

Nhà giáo Tô Thị Ánh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết: Những chính sách hỗ trợ người lao động và trẻ mầm non được quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP được áp dụng từ ngày 1/11/2020, chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển GDMN vùng khó khăn. Như ở Yên Bái, nhiều huyện còn có địa bàn khó khăn về cả yếu tố địa lý, dân số lẫn kinh tế.  Chiểu theo Nghị định này thì sẽ có nhiều học sinh được hưởng. Như vậy, các cháu ở tuổi mầm non con em những gia đình người dân tộc thiểu số, đa phần họ còn khó khăn, sẽ được hỗ trợ tốt hơn trong việc nuôi ăn. Điều này có ý nghĩa rất lớn khi chúng ta nỗ lực huy động trẻ mầm non ra lớp ở các độ tuổi.

Không chỉ với học sinh, những người tham gia công tác nuôi dạy trẻ mầm non ở vùng khó khăn cũng được hưởng chính sách. Theo đó, Nghị định quy định giáo viên mầm non dạy tại điểm lẻ của cơ sở giáo dục mầm non công lập thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm một trong những điều kiện là tham gia dạy trực tiếp 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên; Trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số. Những đố tượng này sẽ được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/tháng theo số tháng dạy thực tế, nhưng không quá 9 tháng năm học.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Lan tỏa niềm vui chung

Cô giáo Hà Thị Hương Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Ca, xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên (Yên Bái) cho biết: Trường có 276 học sinh/11 nhóm lớp, có tới 90% là học sinh người dân tộc thiểu số, đa số trong đó là gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Thế nên, việc Nhà nước hỗ trợ tiền nuôi ăn cho các cháu thực sự là niềm vui lớn đối với gia đình các em và giáo viên chúng tôi. Thực tế cho thấy, với những bữa ăn hiện nay có sự hỗ trợ từ nhà nước và đóng góp của gia đình, nhưng chắc chắn sẽ không thể đầy đủ như tinh thần Nghị định 105/NĐ-CP hỗ trợ, khi đó khẩu phần ăn của các cháu sẽ chất lượng hơn. Có thấy cảnh những đứa trẻ người dân tộc thiểu số, từ nuôi ăn, mặc cho đến việc học của con em nhiều khi gia đình giao hết cho nhà trường mới thấy những quan tâm của Chính phủ có ý nghĩa với các em thế nào.

Nà Hẩu là một xã vùng cao của huyên Văn Yên (Yên Bái). Ở đây có số đông đồng bào dân tộc thiểu số nên đón nhận Nghị định 105/NĐ-CP là cả niềm vui lớn. Cô giáo Phạm Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nà Hẩu, cho biết: Trường có 8 nhóm lớp/259 học sinh, các em học ở 2 điểm chính và một điểm lẻ ở thôn Ba Khuy cách khá xa trường. Học sinh có tới 99% là người dân tộc Mông nên có thể nói mọi hỗ trợ về kinh nuôi ăn, dạy cho các cháu đều là niềm vui lớn đối với không chỉ gia đình các em mà các cô giáo đang ngày ngày chăm nuôi trực tiếp các con. Riêng điểm Ba Khuy có 100% là học sinh người dân tộc Mông. Được biết, việc huy động các cháu ở các độ tuổi  3 – 4 – 5 ra lớp là nỗ lực rất lớn của nhà trường. Vẫn biết chăm nuôi là nghĩa vụ của các cô giáo, nhưng điều kiện hoàn cảnh gia đình các em khó khăn, nên việc hỗ trợ them tiền ăn trưa là rất ý nghĩa.

Chúng tôi đến điểm trường Ba Khuy, cheo leo trên sườn núi đúng giờ chơi, các cô đang đứng trông học sinh chơi với mấy chiếc đu quay. Ở điểm trường trên thôn Ba Khuy này có 2 cô giáo là Hà Thị Phương và cô Đinh Thị Thùy Trang dạy chung 1 lớp với 41 học sinh ở các độ tuổi 3 – 4 – 5. Điểm trường cũng có một cấp dưỡng đảm trách việc chế biến thức ăn cho các em. Khi được hỏi cảm nghĩ về tinh thần Nghị định 105/CP-NĐ, trong ánh mắt các cô giáo đều lóe lên một niềm vui. Cô cấp dưỡng Giàng Thị Pàng ấp úng hỏi: Em có nghe nói có kinh phí hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non được tính trên số lượng trẻ em được ăn bán trú, tối thiểu bằng 2.400.000 đồng/1 tháng/45 trẻ em. Vậy, với nhóm lớp như em đang phụ trách chỉ có 41 học sinh thì có được hỗ trợ không? Được biết Giàng Thị Pàng đang hưởng lương 2 triệu/tháng. Câu hỏi này chúng tôi vẫn chưa thể trả lời mà sẽ chuyển đến những người có trách nhiệm. 

Theo nội dung quy định trong Nghị định 105/2020/NĐ-CP, trẻ em độ tuổi mẫu giáo đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa với mức 160.000 đồng/trẻ/tháng, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Đối tượng trẻ mầm non được hỗ trợ phải bảo đảm một trong những điều kiện sau: Có cha/mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; Không có nguồn nuôi dưỡng; Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; trẻ em là con của thương binh, liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; trẻ em khuyết tật học hòa nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ