Chiều 30/8, Sở GD&ĐT Quảng Trị tổ chức gặp mặt động viên các giáo viên được điều động luân phiên năm học 2023-2024.
Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị về điều động luân phiên giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, năm học này, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã trao quyết định cho 20 giáo viên trong diện điều động luân phiên. Hầu hết giáo viên có đơn tình nguyện được luân chuyển đến địa bàn khó khăn dạy học.
Tại buổi gặp mặt, bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, bước vào năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và đào tạo đã ra sức chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục; trong đó, tập trung Chương trình GDPT năm 2018.
Bên cạnh điều kiện cơ sở vật chất, nhu cầu của của học sinh, phụ huynh thì việc đáp ứng về đội ngũ rất quan trọng. Năm học này, ngành cũng gặp khó khăn do đội ngũ giáo viên thừa, thiếu cục bộ. Trong đó, chủ yếu là các môn Lý, Hóa, Sinh, Tin học…
Đặc biệt, năm nay khối THPT triển khai Chương trình GDPT năm 2018 đối với lớp 10, lớp 11. Khắc phục những khó khăn trên, Sở GD&ĐT đã cân đối, bố trí đội ngũ hợp lý, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ dạy học.
Trao quyết định cho các giáo viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị biểu dương những cống hiến, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ các thầy cô giáo.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Trị nhấn mạnh, trong số những nhà giáo được điều động luân phiên năm học này hầu hết đều viết đơn tình nguyện đến vùng khó khăn công tác. Đặc biệt, ngành Giáo dục rất vui mừng khi 6 thầy, cô giáo sau khi hết thời hạn luân phiên, đã tình nguyện ở lại công tác lâu dài tại đơn vị đến để chia sẻ khó khăn của ngành.
“Những thầy cô giáo đã hoàn thành nhiệm vụ, tình nguyện công tác nhiều năm. Thầy cô dù có đơn tình nguyện hay chấp hành quyết định của Sở GD&ĐT điều động luân phiên đều là những thầy cô giáo hết lòng với nghề, thương yêu học sinh và trách nhiệm với ngành”, bà Lê Thị Hương khẳng định.
Qua đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT mong muốn, các thầy cô tiếp tục phát huy tinh thần yêu nghề, vì học sinh thân yêu, dù thời gian công tác dài hay ngắn cũng cố gắng hết mình, cống hiến, tạo được hình ảnh đẹp của người thầy, cô trong lòng học sinh, nhà trường, phụ huynh và địa phương nơi đến.
Đặc biệt, đến với địa bàn đặc biệt khó khăn, thầy cô tập trung cho nhiệm vụ giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đồng thời giúp hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sớm đạt mục tiêu theo Tiểu dự án 1 Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.