Ông Guaido tin rằng áp lực như vậy có thể buộc chính phủ mở cửa cho viện trợ nhân đạo nước ngoài – điều mà ông Maduro cho là một nỗ lực phá hoại nền độc lập của đất nước.
Lãnh đạo phe đối lập cũng kêu gọi EU công nhận các đại diện của “chính phủ” mà ông đã tập hợp sau khi tự tuyên bố mình là tổng thống lâm thời hồi tháng 1/2019.
Trước đó, đại diện Carlos Vecchio của ông Guaido đã công bố một bức thư tiết lộ rằng lãnh đạo phe đối lập đã yêu cầu một cuộc họp với Bộ tư lệnh miền Nam của Mỹ - một chi nhánh quân sự chịu trách nhiệm khu vực Nam Mỹ - nhằm tổ chức “lập kế hoạch chiến lược và hoạt động”, đồng thời thảo luận về sự “hợp tác” mà Washington đã đưa ra.
Ông Guaido đã thừa nhận trong một số cuộc phỏng vấn rằng ông đang cân nhắc về việc yêu cầu Mỹ can thiệp. Các quan chức Washington, trong đó có TT Donald Trump, đã nhiều lần lưu ý rằng tất cả các lựa chọn, bao gồm quân sự, đều sẵn có để giải quyết khủng hoảng chính trị ở Venezuela.
Venezuela đã trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ từ tháng 1 khi ông Guaido tự tuyên bố là tổng thống. Mỹ và 54 quốc gia khác đã công nhận ông Guaido, trong khi đó Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác ủng hộ TT Maduro.