Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm 17/02 đã bày tỏ sự tin tưởng rằng, một nền hòa bình lâu dài và vững chắc ở Ukraine chỉ có thể đạt được thông qua việc cung cấp vũ khí giúp chính quyền Kiev giành thắng lợi trong cuộc xung đột với Nga.
“Chúng tôi hỗ trợ chính quyền Kiev để đảm bảo rằng họ giành chiến thắng và vẫn tồn tại với tư cách là một quốc gia có chủ quyền... Cách duy nhất để đảm bảo hòa bình lâu dài và công bằng ở Ukraine là hỗ trợ quân sự cho họ” - nhà lãnh đạo NATO nói trước giới truyền thông.
Ông Stoltenberg nói thêm rằng, trước đó ông đã kêu gọi tất cả các thành viên NATO cung cấp cho Ukraine vũ khí hiện đại, bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) và lời kêu gọi này đã nhận được sự hưởng ứng từ hầu hết các thành viên của khối.
Vào ngày 25 tháng 1, chính quyền của ông Joe Biden đã công bố dự định chuyển 31 xe tăng M1 Abrams cho Kiev. Tuy nhiên, chưa xác định rõ phiên bản cụ thể và số lượng đạn kèm theo.
Cùng ngày, Chính phủ Đức xác nhận sẽ gửi 14 xe tăng Leopard 2 tới Ukraine và cấp phép cho các nước đã mua MBT của họ được tái xuất loại xe tăng này. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, Leopard 2 sẽ được gửi đến Ukraine vào khoảng cuối tháng 3.
London và Paris cũng tuyên bố ý định cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại nhất của mình cho Kiev như Chalenger-2 của Anh và AMX-56 Leclerc của Pháp.
Trong khi đó, Na Uy, Ba Lan, Slovakia cũng sẽ chuyển những xe tăng phương Tây mà họ đã mua trước đó cho Ukraine.
Theo tuyên bố của giới chức Kiev, nước này dự kiến sẽ nhận được tới hơn 200 xe tăng tiến tiến, bao gồm chủ yếu là Leopard 2 của Đức. Trong đợt đầu tiên dự kiến sẽ nhận được 140 xe tăng từ 12 quốc gia.
Giới lãnh đạo NATO và phương Tây kỳ vọng những chiếc xe tăng hiện đại này sẽ giúp Ukraine xoay chuyển cục diện cuộc xung đột với Nga và trước mắt là có khả năng đạt được những tiến bộ lớn trong cuộc tổng phản công ở chiến trường Donbass, sau khi mùa đông kết thúc.
Ngoài ra, chính quyền Kiev cũng đang lên tiếng kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp cho họ các máy bay chiến đấu phương Tây như F-16 Fighting Falcon của Mỹ, Saab JAS 39 Gripen của Thụy Điển… để chiếm ưu thế trên không, hỗ trợ cho lực lượng mặt đất Ukraine tăng cường sức tấn công.
Ukraine hy vọng rằng, sự hỗ trợ xe tăng và máy bay chiến đấu của phương Tây sẽ giúp nước này đủ khả năng đẩy lùi quân Nga, chiếm lại các tỉnh Donetsk, Lugansk thuộc khu vực Donbass ở phía đông và 2 tỉnh phía nam Kherson và Zaporizhia (Zaporozhye) - 4 vùng lãnh thổ mà Moscow đã tuyên bố sáp nhập vào Liên bang Nga hồi tháng 9 năm ngoái.
Theo chiều ngược lại, Thư ký báo chí của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin là ông Dmitry Peskov lưu ý rằng, mức độ căng thẳng xung quanh tình hình ở Ukraine đang gia tăng do các quyết định của Washington và áp lực của nước này đối với các quốc gia khác.