Lãnh đạo phe đối lập tại Quốc hội Israel, ông Yair Lapid mới đây đề xuất, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và “những kẻ cực đoan” ủng hộ ông phải rời khỏi chính phủ nước này.
Lapid, người đứng đầu đảng ôn hòa Yesh Atid, người từng giữ chức Thủ tướng Israel trong thời gian ngắn vào năm ngoái, đã đưa ra lời kêu gọi trong một loạt bài đăng trên X (trước đây là Twitter) vào ngày 16/11.
Việc đòi hỏi thay thế ông Netanyahu sẽ cho phép nước này tạo ra một liên minh rộng rãi và ổn định trong quốc hội, do đảng cánh hữu Likud của Thủ tướng lãnh đạo.
Cùng với các đối tác cực hữu nhỏ của mình, Likud hiện kiểm soát 64 trên 120 ghế trong quốc hội.
“Đã đến lúc chúng ta cần thành lập một chính phủ tái thiết quốc gia. Likud sẽ lãnh đạo nó. Ông Netanyahu và những kẻ cực đoan sẽ được thay thế, hơn 90 thành viên của Knesset (Quốc hội Israel) sẽ là đối tác trong liên minh để hàn gắn và kết nối lại”, ông Lapid đề xuất.
Chính trị gia này đồng thời bác bỏ những lo ngại rằng, đây không phải là lúc để thay thế ông Netanyahu trong bối cảnh xung đột hiện nay ở Gaza, vốn được châm ngòi bởi cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel vào ngày 7/10.
“Tôi nghe có người nói đây chưa phải lúc. Chúng tôi đã đợi 40 ngày, không còn thời gian nữa. Điều chúng ta cần bây giờ là một chính phủ sẽ không giải quyết gì khác ngoài an ninh và kinh tế”, ông Lapid nhấn mạnh trong bài phát biểu trên truyền hình.
“Mắt xích yếu nhất là chính phủ, đặc biệt là thủ tướng. Các quỹ của liên minh tiếp tục chảy, việc xử lý cho những người sơ tán và chữa trị cho những người bị thương là một thất bại đáng hổ thẹn, không ai muốn ngó vào các văn phòng chính phủ không cần thiết, việc vận động chính sách là một thảm họa đang diễn ra”, chính trị gia này nói tiếp.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang gặp khó khăn đã phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng cả trong và ngoài nước về nhiều vấn đề khác nhau, từ cách tiếp cận cực kỳ nặng tay đối với hoạt động ở Gaza cho đến việc cho phép cuộc tấn công của Hamas xảy ra ngay từ đầu.
Sự bất đồng quan điểm ngày càng gia tăng càng trở nên trầm trọng hơn bởi những nhận xét gây tranh cãi của chính Thủ tướng Netanyahu và nội các của ông.
Chẳng hạn, vào cuối tháng 10/2023, Thủ tướng đã cố gắng thất bại khi đổ lỗi vụ tấn công của Hamas cho cơ quan tình báo nước này, tuyên bố rằng, ông đã không được cảnh báo kịp thời về điều đó. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông đã phải rút lại tuyên bố và nói lời xin lỗi.
Một vụ bê bối lớn khác nổ ra vào tuần trước, khi Bộ trưởng Di sản cực hữu Amichai Eliyahu đề nghị ném bom hạt nhân vào Gaza. Tuyên bố của ông đã bị phản ứng mạnh mẽ, bị chỉ trích kịch liệt.
Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mô tả bình luận này là “xa rời thực tế”, và không cho phép Bộ trưởng Eliyahu tham gia các cuộc họp nội các.
Ông Netanyahu được cho là đã cân nhắc sa thải Eliyahu, nhưng rút lại ý định này do vấp phải sự phản đối từ Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben Gvir, lãnh đạo đảng Otzma Yehudit.
Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant nói bình luận của ông Eliyahu là “vô căn cứ”, thêm rằng, “thật tốt vì những người này không phụ trách vấn đề an ninh của Israel”. Israel chưa bao giờ thừa nhận sở hữu bom nguyên tử.
Các nước Arab cũng lập tức bày tỏ phẫn nộ với phát biểu của Bộ trưởng Di sản Israel. Arab Saudi chỉ trích chính phủ Israel vì đã không sa thải ông Eliyahu.