Lãnh đạo Bộ GD&ĐT làm rõ về một số nội dung được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm

GD&TĐ - Tại phiên họp thứ 11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (chiều 11/5), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã có ý kiến làm rõ về một số nội dung được đại biểu và cử tri quan tâm.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Trao đổi về lý do Bộ GD&ĐT chưa xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Thứ trưởng cho biết: Nghị định này được ban hành trên cơ sở sửa đổi Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ. Nghị định số 81/2021/NĐ-CP với 6 chương, 33 điều hướng dẫn khá chi tiết về đối tượng áp dụng và các quy định liên quan.

Thứ trưởng trao đổi, nếu thấy cần thiết, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Trước mắt, Bộ thấy chưa cần thiết phải xây dựng thông tư hướng dẫn Nghị định này.

Về vấn đề học sinh trở lại trường học trực tiếp, theo Thứ trưởng, ở giai đoạn trước nhiều phụ huynh lo lắng khi cho con em mình trở lại trường. Tuy nhiên, đến thời điểm này phụ huynh và học sinh đã yên tâm, tâm lý ổn định. Các trường đã chủ động bù đắp kiến thức cho học sinh khi các em trở lại lớp học truyền thống.

Thứ trưởng chia sẻ, với các lớp cuối cấp, có thể kết thúc năm học vào ngày 31/5, các khối lớp còn lại, các trường, địa phương sẽ căn cứ vào thực tế và có thể kết thúc năm học muộn hơn để bảo đảm chất lượng giáo dục của nhà trường.

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2022, Thứ trưởng trao đổi: khác với những năm trước là Kỳ thi THPT quốc gia; đây là năm thứ 3 tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đến với kỳ thi này, thí sinh có gần 3 năm học tập trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản hướng dẫn điều chỉnh chương trình theo hướng tinh giản để phù hợp với thực tiễn khách quan.

Theo đó, vấn đề đặt ra là, đề thi cần bảo đảm phù hợp với điều kiện dạy – học và bảo đảm yếu tố của một kỳ thi tốt nghiệp THPT, đánh giá được chất lượng dạy - học của các nhà trường, nhưng cũng có tính phân hoá nhất định.

Theo Thứ trưởng, năm nay, cũng có một số đơn vị tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh nhằm lựa chọn được những thí sinh phù hợp.

Về tiêm vắc-xin cho học sinh đã đạt được kết quả khả quan nên khá yên tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...