Nỗi nhớ quê hương trong tâm hồn người xa xứ

GD&TĐ -Tình yêu quê hương được kí thác để rồi những tác phẩm xuất sắc về quê hương đã ra đời.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phải chăng quê hương – tự thân nó đã là một suối nguồn dạt dào cảm xúc không bao giờ vơi cạn trong tâm hồn những người con yêu quê.

Trong bài thơ “Nhớ đồng” - bài số 7 được viết vào tháng 7 năm 1939 trong phần “Xiềng xích” - tập thơ “Từ ấy”, nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

“Gì sâu bằng những trưa thương nhớ

Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!”

Nỗi niềm ấy được nhắc lại đầy da diết:

“Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh,

Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!”

Chắc mỗi chúng ta đều đã từng xa quê, đã từng cảm thấu nỗi lòng của những trưa thương nhớ. Đó là nỗi nhớ quê, nỗi nhớ những người dân cày lam lũ, con đường trước nhà, âm sắc quê hương, lòng thương nhớ cha mẹ già và “những hồn thân tự thuở xưa”. Đó cũng là cảm xúc chủ đạo của nhiều nhà thơ như Tố Hữu trong chốn ngục tù, những người con xa xứ như nhà văn Vũ Bằng, nhà thơ Tế Hanh, Xuân Quỳnh, Bằng Việt… hay nhiều văn nghệ sĩ thành danh khác.

Với Trần Cư - một người con của miền đất cảng Hải Phòng, đây cũng là một miền kí ức chan chứa, những hoài niệm mơn man, những dòng tản mạn ghi chép lại xúc cảm sâu lắng và ngọt ngào nhất về quê hương, về âm hưởng lời ru đất Bắc. Và hơn hết đó là dòng hồi ức với vô vàn kỷ niệm ấm áp, đẹp đẽ về gia đình trong hoàn cảnh biệt ly xa cách quê hương. Có lẽ vì thế nhà văn đã gửi vào những dòng tùy bút trong tác phẩm “Trưa thương nhớ” – một nỗi niềm đau đáu nhớ thương.

***

“Trưa tha hương” (Ngữ văn lớp 7 tập 2 sách Cánh diều), áng tùy bút tiêu biểu trong những sáng tác của nhà văn Trần Cư được sáng tác vào tháng 7/1943, khi Việt Nam đang chìm trong chế độ cai trị của Thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh đó, người dân Việt phải đi nhiều nơi, phải sống xa gia đình, nguồn cội, phải chịu nỗi buồn li hương.

Tùy bút - một thể loại nghệ thuật mang phong cách hết sức tự do, phóng khoáng và giàu chất trữ tình để nhà văn có thể thể hiện rõ nét cái tôi của người nghệ sĩ, “là lối chơi độc tấu của cái tôi trữ tình”. Chọn thể loại này Trần Cư dễ dàng chia sẻ những cảm xúc và suy tư của nhân vật trữ tình một cách sâu sắc và đa chiều. Ta có cảm giác ông đang ngồi trên một cỗ xe tam mã, nắm chặt dây cương hành trình về miền huyền nhiệm của quá khứ.

Người viết đã lẩy ra từ những điều vô cùng gần gũi và bình dị trong cuộc sống một chiều sâu triết lí, bởi cái thế giới thân thuộc nơi đất Bắc đã trở thành một phần đời, phần hồn, một phần máu thịt của tác giả. Và cũng từ âm thanh tiếng ru của quê nhà, tác giả đã chợt nhận ra những hạnh phúc giản dị mà bấy lâu nay đã quên mất.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đề tài và bối cảnh chính của câu chuyện là ở quê người – tại làng Chúp, một làng quê bên kia bờ Cửu Long Giang, nơi một đồn điền cao su của đất nước Campuchia. Không gian cụ thể trong một căn nhà bé nhỏ của người bạn Nam Kỳ, một không gian vời vợi nơi đất khách quê người xa lạ nhưng lại thân thuộc như ở quê nhà. Thời gian được khắc họa cụ thể là vào một buổi trưa mùa Hạ vắng lặng, một buổi trưa lung linh.

Lúc này ngoài vườn, “nắng đẹp vô ngần. Khung cửa sổ đen xanh cắt lên vườn chuối một bức tranh mùa Hạ nên thơ. Nắng sưởi trên tàu chuối xanh non, chỗ xanh trong, chỗ láng bóng như mạ bạc, phản chiếu lên trần bếp một thứ ánh sáng rất dịu, xanh mướt và thái bình. Một con chim nào hót lảnh lót trong rừng cao su xa xa... tôi lại im lặng”.

Lúc này mọi vật, dưới nắng, không gian như thay đổi, đẹp như một bức tranh được vẽ bằng ngôn ngữ với hai màu chủ đạo là vàng và xanh. Ánh nắng vàng ban trưa mùa Hạ ấy dẫn ta về cái không gian đậm đặc của hồn quê Việt ngay giữa vùng đất xa lạ. Từ đó, nhà văn tiếp tục dẫn dụ người đọc đến với một miền đất rất đỗi thanh bình, nên thơ. Trần Cư đã sử dụng ngòi bút miêu tả kết hợp cảm xúc và suy ngẫm tinh tế. Nhiều tính từ gợi tả nối nhau xuất hiện: Xanh non, xanh trong, láng bóng, xanh mượt, thái bình, lảnh lót, xanh dịu… Bức tranh quê hiện lên thân thuộc, bình dị, xinh đẹp và đáng yêu biết bao! Phải chăng đó chính là cảnh sắc quê hương giờ đây hiện lên trong hoài niệm, trong nỗi nhớ vơi đầy.

***

Sau những cảm nhận bằng thị giác nhà văn đã căng mở các giác quan để lắng nghe những biến chuyển âm thầm trong đời sống ở quê người. Bắt đầu là tiếng võng kẽo kẹt. Âm thanh quen thuộc ấy lay động cảm xúc “khiến tôi nằm không yên”. Vì xúc động, vì nhớ nhà, vì cả cái gì không rõ nữa… Rồi tiếng hát ru em cất lên. Cái đặc biệt ở đây là tiếng hát ru của Bắc Việt. Tiếng hát ru thân thương đã làm nhân vật “tôi” nhớ nhà, nhớ về những ngày thơ ấu ở xứ Bắc với biết bao kỉ niệm hiện về: “Tự nhiên tôi nhớ nhà. Phải chăng tôi đã gặp linh hồn của đất nước”…

Văn bản “Trưa tha hương” của Trần Cư trong sách Ngữ văn lớp 7 tập 2.

Văn bản “Trưa tha hương” của Trần Cư trong sách Ngữ văn lớp 7 tập 2.

Thì ra linh hồn đất nước bấy lâu ta tìm kiếm nó ở trong những thứ quá đỗi gần gũi. Mắt quan sát, tai cảm nhận, tâm hồn đắm say rộng mở của người nghệ sĩ khiến cho những thứ đơn sơ được thức dậy bằng những liên tưởng và tưởng tượng đẹp đẽ, cao quý thành hồn đất, tình người. Bằng tất cả tình cảm trân trọng, bằng tất cả sự suy ngẫm và khát khao tìm kiếm cái đẹp ở những điều bình dị nhất, bằng nỗi nhớ quê hương sâu nặng, tác giả đã phát hiện ra nét đẹp văn hóa dân tộc ẩn chứa trong thứ bình thường, quen thuộc và phổ biến trong dân dã. Nhưng đã mấy ai như Trần Cư có con mắt tinh tường và sự cảm nhận sâu sắc đến thế?

Đến đây, nhà văn đã thể hiện rõ tình cảm xúc động và những suy nghĩ sâu lắng của mình khi nghe hát ru “Tiếng ru đều đều hòa với tiếng võng kẽo kẹt có một cái gì đặc biệt Việt Nam – nhất là một buổi trưa ở chốn xa xôi, nghe một câu hát ru của quê hương mình, thấm thía và buồn mang mang quá”. Và rồi, cũng từ tiếng ru nhân vật “tôi’ nhớ về những kỉ niệm lúc ở nhà, về cha, về mẹ, về tiếng hát ru em, về tuổi ấu thơ,…

Để rồi màu trắng của mảnh vải ướt phơi trước hiên nhà trong quá khứ hắt cả sang hiện tại, ngay trên mảnh tường xa xôi là bến Chúp này, để rồi “tôi bỗng nhớ nhà như một đứa trẻ”. Hồn nhiên và chân thật nhất, nỗi nhớ bung nở không cần giấu giếm, tự đáy lòng thốt lên so sánh. Tiếng ru làm nỗi cô đơn trong lòng dâng lên diệu vợi, để nhận ra cái triết lý bấy lâu kiếm tìm “mất hàng ngàn cây số mới nhận thấy ở giữa gia đình người cái hạnh phúc hằng ngày vẫn có ở chính trong gia đình tôi”. Niềm đồng cảm dâng lên đầy xót xa, bởi “tôi” cô đơn nhưng linh hồn bên kia vách tường cũng cô đơn lắm “Cao Bằng xa lắm… anh ơi”, “Khi đi trúc mới mọc măng/ Khi về trúc đã cao bằng ngọn tre…”. Ru con người nhưng lại là ru mình. Ai khiến người hát ru kia phải lưu lạc nơi chốn này?

***

Trong âm hưởng nhẹ nhàng và cảm xúc thiết tha của người cầm bút, ở đoạn cuối cùng của bài tuỳ bút nhà văn cảm nhận tiếng ru như sợi dây đồng vọng kết nối với quá khứ nơi đất Bắc: “Những làng tre xanh trên ruộng lúa, với các cô thôn nữ khăn mỏ quạ, những đêm trăng trai gái hát trống quân, những đêm chèo ngày vào đám, tất cả cuộc sống nhịp nhàng, đơn sơ, đầy thi vị ngoài đồng ruộng, trong thôn xóm, tất cả những cái gì rất đẹp của quê hương đều lần lượt hiện về trong lòng tôi vì câu hát”. Một đoạn văn thật hay và thấm đượm cảm xúc trữ tình, gợi lên cho người đọc cái tình quê bâng khuâng, man mác.

Đó là hình ảnh làng quê Việt Nam như những thước phim quay chậm. Tình thương nhớ Bắc Việt của Trần Cư thật thiết tha, nồng nàn, cháy bỏng. Ta thấy tâm hồn ông trang trải khắp cảnh sắc thiên nhiên và con người. Chính đặc trưng này làm nền tảng để tác giả có thể vẽ thêm nhiều vẻ đẹp khác nhau mà nó đã được khúc xạ qua trí nhớ, qua thời gian nên trở nên lung linh, huyền ảo, mơ màng như trong mộng.

Không phải là cảnh mà là hồn của cảnh, là tâm trạng của một người xa quê. Rõ ràng, bằng nhiều cách khác nhau, từ suy tưởng đến hồi nhớ trong tình cảm và tâm trạng buồn xa, bồi hồi, nhà văn đã làm cho người đọc như được sống lại trong không khí miền Bắc. Viết về những cảnh này, giọng điệu của tác giả vừa sôi nổi nhiệt thành, vừa da diết lắng sâu chứa chất nỗi buồn, nỗi day dứt, là niềm khát khao được trở về.

Giọng văn du dương, trầm bổng, giàu chất thơ đã đưa chúng ta vào thế giới hồi ức miên man, dạt dào cảm xúc. Thế giới ấy là một phần không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của kẻ tha hương. Điều đó chứng tỏ tất cả những âm thanh quen thuộc ở quê hương vẫn còn mãi trong tâm hồn của nhân vật tôi, dù đi tới đâu, ở bất cứ nơi nào thì vẫn nhớ tới quê hương thân yêu của mình, “thì ra cho dù có đi quanh thế giới này đi nữa, trong khi Trái đất mang ta, ta cũng mang trong lòng cả một thế giới”. Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí và tâm trạng của nhà văn để cùng cảm nhận tất cả những gì có liên quan đến quê hương, đất nước mình.

Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ và mỗi nhà văn lớn đều là những nghệ sĩ bậc thầy về ngôn ngữ. Và ngôn ngữ ấy phải là tiếng nói hướng về cái đẹp trong cuộc đời và bước vào những trang văn. Trần Cư cũng là nhà văn như thế, như Thạch Lam từng tâm niệm khi đến với văn chương: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật bình thường. Công việc của nhà văn là phải hiểu cái đẹp ở chính chỗ mà người ta không ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.