Dù không được thăm thú hết “Trang viên” rộng 1.500m2 mà ông đang ấp ủ cho một dự án có tính “để mọi người được biết đến những kỷ vật của một thời chinh chiến” nhưng bù lại, tôi được nghe ông nói chuyện nhiều hơn về vai trò của “Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ Xứ Đoài”.
Ông Đào Hà sinh năm 1959 là người con của xã Tân Hội, xưa gọi là Tổng Gối (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Đây cũng chính là “quê hương” của điệu hát Chèo tàu nổi tiếng.
Đâu như điệu hát Chèo tàu được bắt nguồn từ câu chuyện người dân nơi đây chèo thuyền chở nghĩa quân đi đánh giặc Minh. Dần dà qua thời gian nó đã trở thành một điệu hát của người dân trong vùng Tổng Gối.
Năm 18 tuổi chàng trai Đào Hà đỗ vào Trường Đại học An ninh (Học viện An ninh hiện nay). Tốt nghiệp, Đào Hà được phân công công tác ở nhiều đơn vị và “địa chỉ” cuối cùng trước khi nghỉ hưu năm 2016 là Phòng An ninh Chính trị, Công an TP Hà Nội.
Và như ông Đào Hà nói: “Đến thời điểm này, tôi mới có đủ điều kiện và thời gian để thực hiện những “thú vui” của mình”. Tôi cười động viên: “Có được những thú vui như ông, thiên hạ mấy ai có được”.
Ông Đào Hà hiện là Hội viên của những mấy hội, mà toàn là những Hội “oách cả”. Này nhé, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội; thành viên của Trung tâm Nghiên cứu văn chương UNESCO Việt Nam. Và rồi là Hội Điện ảnh Hà Nội nữa.
Ông Đào Hà với những trang bản thảo của văn nghệ sĩ Xứ Đoài. |
Ông Đào Hà là đương kim Chủ nhiệm CLB Văn nghệ sĩ Xứ Đoài. Đây là một câu lạc bộ tập hợp những văn nghệ sĩ đang sinh sống ở Xứ Đoài và cả những văn nghệ sĩ quê Xứ Đoài đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Có chuyện đó là bởi khi ra đời, năm 1994, thì Hà Tây tức vùng Xứ Đoài còn là tỉnh riêng.
Sáp nhập về Hà Nội năm 2008 nhưng “thói quen” nên mọi người cứ nói như thế cho dễ hiểu. Ông Đào Hà cho biết: “Tôi rất vui khi đảm nhiệm vai trò này”. Nghe ông nói thế là tôi hiểu ngay “phải là người như thế nào người ta mới bầu giữ vị trí ấy chứ”.
CLB Văn nghệ sĩ Xứ Đoài có vị Chủ nhiệm đầu tiên là Họa sĩ Phan Kế An, tác giả bức tranh “Nhớ một chiều Tây Bắc” nổi tiếng hồi chín năm kháng chiến chống Pháp. Rồi tiếp theo là Thiếu tướng - Nhà văn Hồ Phương.
Rồi Nhạc sĩ Hoàng Lân và từ năm 2011 là Nhà nghiên cứu văn hóa Đào Hà. Nói chuyện với tôi, ông Đào Hà cho biết: “Làm Chủ nhiệm một CLB như thế này có rất nhiều “áp lực”. Mà áp lực đầu tiên phải là người có nhiệt tình, có khả năng điều phối và phải biết tổ chức hoạt động cho câu lạc bộ”.
Theo đó, việc quan trọng nhất là phải kết nối, tập hợp và thống nhất được với 340 hội viên sinh hoạt ở 7 chi nhánh của CLB. Ông Đào Hà cho hay: “CLB tới đây sẽ thành lập thêm một số chi nhánh nữa để “phủ sóng” toàn bộ các quận, huyện của Hà Tây cũ”.
Tôi nói vẻ thấu hiểu: “Kể như thế cũng vất vả đấy. Mà như tôi được biết các CLB văn nghệ hàng năm thường ra mắt “sản phẩm” của mình”. Ông Đào Hà nói luôn: “Ông không nhìn thấy trên bàn làm việc của tôi ngổn ngang tài liệu tranh ảnh đó ư?”.
Bấy giờ tôi mới để ý, lúc vào tôi cứ ngỡ “ông này luộm thuộm” để các thứ chồng chất trên bàn chứ đâu hay là Đào Hà đang làm việc. Ông cho biết: “Ban chủ nhiệm chúng tôi phải chỉ đạo các chi nhánh tiến hành sinh hoạt định kỳ. Có sinh hoạt định kỳ và đều đặn thì mới tập hợp được hội viên nhưng cái chính là phải “nghĩ” ra nội dung thế nào để các buổi sinh hoạt định kỳ đó không nhàm chán”.
Một trong những ấn phẩm của CLB Văn nghệ sĩ Xứ Đoài. |
Đúng là có nhiều CLB được hình thành và cũng có nhiều CLB không sinh hoạt được dẫn đến “tan rã”. Việc CLB Văn nghệ sĩ Xứ Đoài còn tồn tại và phát triển được cho thấy các thành viên trong Ban chủ nhiệm cũng như toàn thể hội viên có chung một tấm lòng son sắt với quê hương “Tôi nhớ Xứ Đoài mây trắng lắm”. Và cho thấy ở đây có một sự cố gắng không hề nhỏ.
Ông Đào Hà cho biết thêm: “Hàng năm, CLB cho ra mắt (in) tập sách tập hợp những sáng tác mới nhất của các hội viên. Công việc này vừa động viên các hội viên tích cực sáng tác vừa là nguồn cảm hứng để các hội viên duy trì được cảm hứng sáng tác. Bên cạnh đó là tổ chức các sự kiện và biểu diễn văn nghệ và phối hợp với các báo, đài để giới thiệu những sáng tác văn học nghệ thuật của các hội viên”.
Ông Đào Hà “khoe”: “Trong năm 2022 này CLB tổ chức Trại viết văn cho các nhà văn Xứ Đoài, chuyên về truyện ngắn. Các trại viết văn đó được tiến hành theo tháng, từ tháng 4 đến tháng 10”.
Tôi vội hỏi: “Vậy kinh phí mở trại ở đâu?”. Ông Đào Hà sau mấy giây im lặng mới nói: “Tôi là người tài trợ 100% kinh phí”. Tôi ớ ra khâm phục, thời buổi này mở trại sáng tác đã là cố gắng của các hội văn học nghệ thuật.
CLB Văn nghệ sĩ Xứ Đoài mở những mấy lần thực là “ghê gớm”. Mà “ghê gớm” nhất lại là chính ông Chủ nhiệm tài trợ hoàn toàn kinh phí. Thực hiếm có khó tìm. Đã thế chính ông Chủ nhiệm còn thường xuyên đi thực tế ở các chi nhánh, tham dự các cuộc họp hay hội nghị về văn học nghệ thuật diễn ra trên địa bàn.
Dường như chưa hết những kế hoạch trong năm 2022 này, ông Đào Hà còn nói thêm: “Tôi còn tài trợ cho các hoạt động khác của CLB. Chúng tôi dự định tổ chức Cuộc thi truyện ngắn năm 2022. Thi sáng tác âm nhạc. Tiến hành thi và triển lãm tranh, ảnh. Thú thực với ông, vì CLB chúng tôi là đa lĩnh vực nên lĩnh vực nào cũng phải hoạt động và có kết quả như nhau.
Có thế anh chị em văn nghệ sĩ mới gắn bó với nhau, mới tích cực sáng tạo. Cái hay là khi tiến hành các hoạt động như tôi vừa nói là CLB chủ động phối hợp với các hội chuyện ngành của thành phố. Có thế mới vực được chứ một mình CLB chúng tôi làm không nổi”.
Tôi lại thêm thán phục cách làm, cách điều hành của ông Chủ nhiệm này. Mô hình CLB văn nghệ theo kiểu “tự túc, tự phát, tự lo, tự tiêu” như CLB Văn nghệ sĩ Xứ Đoài có lẽ nên nhân rộng cho nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Thấy tôi còn “đang hứng”, ông Đào Hà nói thêm: “CLB chúng tôi có kế hoạch phối hợp với huyện Ba Vì để xây dựng lộ trình làm Tượng đài Tản Đà tại khu lăng mộ của ông ở quê nhà. Hy vọng là mọi việc ổn thỏa”.
Thực ra không phải đợi đến khi nghỉ hưu ông Đào Hà mới “tỏ rõ” năng lực của mình. Bằng chứng là trước khi về hưu 5 năm ông đã đảm nhiệm vai trò của Chủ nhiệm một CLB văn nghệ với số hội viên không những đông đảo, mà đều là những văn nghệ sĩ tên tuổi.
Qua trò chuyện với nhiều người, tôi được biết chính ông Đào Hà là người đã tìm ra “nguồn gốc” của điệu hát Chèo tàu đặc trưng Xứ Đoài. Đấy là về văn học nghệ thuật còn ở lĩnh vực lịch sử thì ông Đào Hà cũng có nhiều tâm huyết.
Cũng chính ông là người tìm ra cuộc khởi nghĩa Hắc Y (Khởi nghĩa Áo đen). Đây là một cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại quân xâm lược nhà Minh do Văn Dĩ Thành làm thủ lĩnh hồi những năm 1407 – 1416 diễn ra tại vùng Đan Phượng và Mê Linh và lấy Tổng Gối làm căn cứ chính.
Sau này, người đời đã tôn Văn Dĩ Thành là Nguyên súy Hắc y nhất bộ, là Thành hoàng làng Tổng Gối. Đây còn là cuộc khởi nghĩa lớn nhất cùng thời điểm với các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm ở Đồng bằng sông Hồng thời đó.
Ông Đào Hà cho biết: “Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã nói: Rõ ràng đây là một cuộc khởi nghĩa bị lãng quên và bây giờ nó đã hiện diện không còn phải nghi ngờ”.
Để làm được việc đó, ông Đào Hà đã đi khảo sát vùng núi Rõm, núi Đôi ở Mê Linh để dựng lại khu chiến của cuộc khởi nghĩa, và sau đó là dựng lại toàn bộ các di tích văn hóa mà trước đây là căn cứ, là các dư đồ trận, chiến công, văn bia và những con người là dấu tích cuộc khởi nghĩa.
Ngay việc tìm ra “nguồn gốc” điệu hát Chèo tàu, ông Đào Hà cũng đã tìm gặp các cụ cao tuổi ở quê hương mình để nhờ các cụ dịch và dẫn giải giúp các tư liệu chữ Hán cổ.
Đó là các cuốn sách cổ như “Thần ca cối sử” mà từ đó tìm ra gốc tích điệu hát Chèo tàu và sự liên quan tới cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Hay như cuốn “Nại tử xã” để tìm ra quê hương của ông Dương Thi Sách (chồng bà Trưng Trắc) là chính xã Nại Tử, nay là xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.
Trời cũng đã tạnh mưa, tôi đứng dậy để tạm biệt người con của Xứ Đoài luôn hết lòng lắng với Xứ Đoài mây trắng và hẹn lần sau sẽ quay trở lại “Trang viên” của ông Đào Hà ở xóm Văn Miếu, thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng.