Chung thủy với nghề có từ 600 năm trước
Có mặt tại thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, PV Báo Giao thông ghi nhận, những vườn lá dong xanh mướt bạt ngàn, rộng tít tắp. Có thể nói, những ngày cuối tháng Chạp, dân làng Tràng Cát lại tất bật hơn bao giờ. Không khí Tết tràn ngập khắp các con đường, ngõ xóm, người người gọi nhau đi cắt lá dong. Người cắt lá, người buộc lạt, người ôm lá dấn nước, người chọn phân loại lá to đẹp để riêng rồi bó thành bó... Không khí rộn rã, tất bật khắp làng trên xóm dưới.
Thời điểm này, lá dong được người dân thu hoạch về chất kín ở sân. Dọc đường làng, xe đạp, xe máy, cả ô tô tải đỗ kín đường. Đó là những người dân tứ xứ đổ về Tràng Cát mua lá dong để buôn lại trên khắp các chợ trong cả nước.
Theo các bậc cao niên trong làng, cây lá dong được trồng ở Tràng Cát từ ngày mới lập làng, đến nay đã ngót 600 năm. Trước kia, lá dong của Tràng Cát còn được tuyển chọn để đem gói bánh chưng tiến vua. Hiện nay, 100% dân Tràng Cát đều trồng lá dong, dù ít dù nhiều.
Theo các bậc cao niên trong làng, cây lá dong được trồng ở Tràng Cát từ ngày mới lập làng, đến nay đã ngót 600 năm. Trước kia, lá dong của Tràng Cát còn được tuyển chọn để đem gói bánh chưng tiến vua. Hiện nay, 100% dân Tràng Cát đều trồng lá dong, dù ít dù nhiều.
Bà Mai Thị Vũ (70 tuổi, ở thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho hay, từ khi sinh ra, cụ đã thấy làng trồng lá dong rồi, nhà nào trong làng cũng có vườn lá dong xanh mướt. Trồng lá dong ở đây rất đơn giản lại dễ sống, chỉ tách ở một khóm to trồng cách ra chỗ khác là cứ thế lá dong xanh tốt, đâm trồi mọc thành khóm to khác.
“Chắc là do thiên nhiên ưu đãi, lá dong trồng trên đất thôn Tràng Cát chẳng cần phải chăm bón gì nhiều cũng mọc lên tua tủa xanh mướt. Tôi cũng không thể lý giải được, các nơi cũng trồng lá dong nhưng lá bé và dài, không như lá dong trồng ở thôn Tràng Cát quê tôi, lá to xanh mướt, bản lá lại rộng nên gói bánh rất đẹp”, cụ Vũ nói và cho hay, lá dong Tràng Cát gói bánh chưng cho mùi thơm đặc biệt, đậm màu xanh của lá. Còn lá dong ở các nơi khác khi gói bánh chưng bóc ra màu bánh hơi thâm lại, không có mùi thơm như lá dong thôn Tràng Cát.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Mơ (42 tuổi, ở thôn Tràng Cát) chia sẻ, lá dong ở đây phải trồng cả năm và thu hoạch vào dịp gần Tết cổ truyền. Theo chị Mơ, lá dong Tràng Cát có đặc trưng là gói bánh thơm, có màu xanh rất đẹp, người sành ăn bánh chưng mới phân biệt được đâu là bánh gói bằng lá dong Tràng Cát, đâu là lá dong ở nơi khác hay lá dong rừng, lá thường dài và đen. Lá dong ở Tràng Cát cũng có 3 loại, loại 1 là các tàu lá bản to rộng, không bị quăn ở đầu lá với giá bán thị ở thị trường hiện nay khoảng hơn 100 nghìn đồng/100 lá/bó. Loại 2, bán khoảng 80 - 90 nghìn đồng/100 lá/bó. Còn loại 3 thì chỉ 40 - 50 nghìn đồng/100 lá/bó.
Chị Mơ thông tin, trong năm, từ ngày 10-20/1 dương lịch là thời điểm các gia đình cắt lá dong ở vườn mang vào tập kết ở sân. Sau đó, chất thành đống to rồi tưới nước vào lá để giữ độ ẩm. “Rất kì lạ, tất cả các loại lá để đều bị héo nhưng riêng lá dong có thể để cả tháng không bị héo”, chị Mơ chia sẻ.
Còn chị Đào Thị Hải (47 tuổi, ở thôn Tràng Cát) cho biết: Công đoạn của việc cắt lá dong cũng rất đơn giản. Khi cắt lá dong ngoài vườn về nhà sẽ dấn nước xếp thành đống lớn, chọn lá phân chia loại to nhỏ. Hiện nay, vào vụ thu hoạch cuối năm, những gia đình có diện tích trồng lá dong từ 1 mẫu trở lên đều phải thuê thêm người cắt lá mới kịp. Mỗi gia đình thường thuê từ 5 - 7 người, tiền công 250 nghìn đồng/người. Như vậy, mỗi ngày, có những hộ phải bỏ tiền triệu để thuê người cắt lá.
Bà Nguyễn Thị Chay (76 tuổi) chia sẻ, theo như các cụ cao niên trong làng kể lại, trước đây, lá dong Tràng Cát đã từng được chọn để gói bánh chưng tiến vua.
Còn Tết cổ truyền, còn lá dong Tràng Cát
Trò chuyện với PV Báo Giao thông ngay tại vườn lá dong nhà mình, ông Lê Văn Kiền (65 tuổi) bộc bạch: “Giờ pháo thì bỏ rồi, người dân chúng tôi thường nói với nhau, còn Tết cổ truyền, còn bánh chưng xanh thì còn lá dong. Nhiều năm nay cứ đến dịp gần Tết cổ truyền là thôn Tràng Cát lại nhộn nhịp đông vui hẳn lên, thời điểm này cũng là thời điểm thu hoạch lá dong, lái buôn từ các nơi đi ô tô về thôn Tràng Cát để mua lá dong về các tỉnh tiêu thụ mỗi ngày một đông”.
Theo ông Kiền, ưu điểm của nghề trồng lá dong là không phải kỳ công chăm sóc. 1 sào lá dong cho thu nhập trong năm chỉ 10 triệu đồng, bình quân mỗi tháng chỉ được gần 1 triệu đồng. “Nhưng người dân vẫn trồng lá dong, vì đất trồng lá dong chủ yếu đất thổ cư, trong phần đất vườn của gia đình. Tuy nhiên, so với trồng lúa thì trồng lá dong vẫn kinh tế hơn. Vì thế nên nghề trồng lá dong vẫn tồn tại và phát triển, bản thân cây dong nó thích nghi trong mọi địa hình, sống dưới bóng dâm, không cần dãi nắng”, ông Kiền cho hay.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Đại Ca, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim An, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, làng Tràng Cát không phải làng nghề truyền thống mà dân làng chỉ làm nghề cha ông để lại. Vì không phải là làng nghề truyền thống nên cũng không có quy hoạch, đầu tư, chủ yếu người dân trong làng thường tận dụng các khu đất trống quanh nhà để trồng. Đến vài năm gần đây, một số người dân phát triển mở rộng diện tích trồng bằng cách mua lại đất của các hộ khác hoặc trồng thêm trên đất trồng cây ăn quả nên diện tích trồng lá dong ngày càng tăng.
“Thu nhập của lá dong không cao, nhưng ưu điểm là khi trồng không mất công chăm sóc như rau màu hay cây ăn quả. Hiện nay, với nhu cầu thị trường, mặc dù không phát triển thành làng nghề nhưng người dân vẫn xác định sẽ còn trồng lá dong. Khi nào còn Tết cổ truyền khi đó vẫn có lá dong làng Cát”, ông Ca chia sẻ.