Giữ miếu thôn Trung

GD&TĐ - Thằng lý trưởng mới làng Thời thực bố láo. Cái mặt non choẹt, vắt mũi chưa sạch mà cứ câng câng, nghênh ngáo. Mới cầm triện đồng được vài hôm mà đã ra giữa đình quát tháo bọn tuần đinh cùng với mấy lão nhiêu, lão hương nhem nhẻm. 

Giữ miếu thôn Trung
Bọn này hèn, phải tay bà thì bà chửi lật mặt. Dân ngụ cư như nó lên được lý trưởng thì mới có một, vậy mà nó không biết nết ăn, nhẽ ở. Phúc cho mả tổ nhà mày nhé, thời mới hỗn quân hỗn quan thì mày mới có cơ ra giữa đình làng ngồi vênh váo như thế, thời trước mà bước chân vào giải vũ thì tuần đinh nó phang cho què giò.
1

Mà thằng lý mới này còn ngu nữa. Cả làng ăn khoai, ăn sắn độn cơm mà nay vợ nó xách cái thủ lợn, mai mang con cá mè hoa ve vảy từ chợ huyện về. Ăn thế để cả làng nó chửi cho ủng mả à. Khôn ra phải như con mẹ cả Tiếu bên thôn Thượng, lấy mấy tàu lá chuối che thúng rồi dềnh dàng mấy cái phổi bò, dăm củ khoai lang lên trên chứ. Cái ngữ ăn nay chẳng nghĩ đến mai, chỉ béo trương béo nứt được mấy hôm rồi lúc giáp hạt, cứt cũng không có mà đổ vào mồm. Đã thế thằng chồng thì tấp tểnh đôi giày Gia Long, loe xoe áo lĩnh, quần ống sớ ra đình, về quán. Rõ ngu, đường ngang, ngõ tắt, phân trâu, phân bò choe choét, cứ áo dài lượt xượt như nó đi đi, về về có khác gì thằng mõ đi quét làng. Đi thì quần áo thẳng thớm, về thì mang cứt về nhà có hẳn là ngu không. Chẳng lễ, chẳng hội, chẳng giỗ công tằng tổ khảo gì nhà nó mà trong thì the bóng, ngoài áo sa mỏng xúng xính, khoe mẽ. Mùa lạnh, con vợ nó còn mặc cả nhiễu hoa, cứ như cái quân nhà thổ. Cái con môi dày, mồm trễ mà cứ hơn hớn nay lĩnh, mai vóc. Cấy không biết làm, hái chẳng mó tay, chẳng biết băm bèo, nấu lợn gì. Rõ vô phúc.

Cứ như ông lý cựu làng mình, trước thực là nền. Đi lễ quan huyện cũng chỉ có cái quần lá tọa. Về đến đầu làng là đã xoe hai ống lên ngồi hút thuốc lào ro ro, nói chuyện phố phủ, phố huyện oang oang rồi. Đi việc quan, bà lý cựu biết thu vén, chu toàn lắm. Sáng sớm bà dậy luộc mấy củ sắn, ông đi đông về tây cũng chẳng màng hàng quán gì cho nhọc cái thân. Mà cứ đi bộ kịch liệt. Có đi hẳn là có về, chẳng phải lo. Việc dân là phải thế chứ lị. Chứ như “quân nhà thổ” kia thì làng xã nó chẳng chửi cho à! Lại còn học đòi lối kẻ chợ, đi đến nhà cụ Chánh có vài bước chân dưới thôn Hạ mà cũng bắt thằng xe chạy vục mặt. Rõ là cái quân chẳng biết thương người. Cái xe tay thì cao như cái ban thờ ông bà ông vải nhà nó, hai cái càng dài ngồng ngỗng như đòn khiêng quan tài mà nó bắt thằng bé nâng lên, hạ xuống để vợ chồng nhà nó ưỡn ẹo ngồi. Đêm tới, bà bắc cho thân chuối hột ngang đường thì có mà lộn cả tông môn nhà mày xuống ao cho chừa.

Mấy đêm nay, mụ Thúy cứ lăn lộn trên chiếc chõng tre, mắt chong chong chẳng ngủ được. Mà làm sao ngủ được với cái quân ngụ cư giang hồ, giang há ấy chứ. Nó mới lên lý trưởng đã tính chuyện hất cẳng người này, dìm dập người kia. Rồi cả cái thằng trương tuần Thìn khốn khiếp, mấy hôm nay đã thấy chầu chực nhà thằng lý mới để trổ tài ba toa, vâng vâng, dạ dạ. Rõ cái quân sấp mặt. Ngày trước, giỗ bố cụ bá Trinh, nó chỉ dám dắt vợ đến quét tước, mổ lợn, thui chó. Giờ ai đời bắt tuần đinh bỏ cả việc canh miếu, canh đê để đến phục dịch nhà thằng lý mới. Giỗ đầu lâu hoa cái nhà nó đâu mà sao nó săn săn, đón đón ghê thế. Quân chúng mày hèn, bà thì bà cho mày biết tay.

2

Cái nhẽ khiến mụ Thúy mất ngủ, ấm ức nó có nguồn cơn rõ ràng. Mụ có cái nhà săm ở thôn Trung, cạnh bến đò đi sang chợ huyện. Gọi là nhà săm cho nó sang và ra lối hàng tỉnh chứ thực ra là mấy gian nhà vách bùn, lợp rạ mà vợ chồng mụ lăn lộn mưa nắng chắt bóp cất lên được. Ngoài thì mụ kê cái chõng, để dăm chai Văn Điển, mấy thố lạc rang, vài cái bánh đa nướng. Trong thì mụ lót mấy cái ổ rơm cho khách lỡ đò ngủ. Cái lão chồng quá cố của mụ sợ vợ nhưng ghen khỏe lắm. Cứ thấy khách nhỏ to, quần lá tọa xắn lên đến tận bẹn tán gẫu mà con mụ vợ vếch đùi lên hóng chuyện là y rằng lão quên nỗi sợ vợ gia truyền, cho cái dõi cửa vào lưng, mấy ngày không cựa mình được. Ấy nhưng mụ cũng chẳng chừa. Chuyện đông, chuyện tây mụ đều nghếch tai lên thẩm cả. Cái mồm rộng toách như miệng cá trê, cái mắt viền vải tây toét nhèm, thính chuyện trai trên, gái dưới, chuyện nhà thổ, đĩ bợm không ai bằng. Chưa hết, việc phủ Đinh bẫy án sát Nguyễn, chuyện huyện Tề ngủ với vợ đề Thư, vợ bố chánh Sửu nên duyên với đốc Tuất, mụ đều thông thuộc cả. Rồi mấy “ngài” binh Thự, bếp Vinh đi lính bên Phú Lang Sa kể cách chơi đầm, tán tây ra sao, mụ cũng thạo. Từ khi làm chủ nhà săm, mụ Thúy tự cho mình là người lịch duyệt, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý.

Chẳng may cho mụ là lão chồng lăn ra chết. Buổi trưa mới uống trộm của vợ nửa chai Văn Điển nhắm với cái bánh đa vừng xong gặp gió độc. Khốn nạn cho lão, năm thì mười họa mới được con vợ kiệt lõ đít chiết cho ba chén mắt trâu là sang. Hôm ấy ghen với lão thầy cúng ở miếu cô thôn Trung, hăng tiết vịt nổi máu “phá gia chi tử” rót cả nửa cây Văn Điển uống thì đoản mệnh. Chẳng là lão uất nghẹn cổ. Mày lại dám lóe xóe với nó từ lúc nó chân ướt chân ráo rời đò lên à. Mày lại vác cái mồm cá ngão cười chào “quan ông thăm chợ huyện”. Quan ông gì cái thằng lử khử con cò bợ ấy. Mày xoắn như cho chó vện thấy chủ, lau bàn, phủi ghế cho nó. Chuyến nay lành làm gáo, vỡ làm muôi. Của chồng công vợ mà mày đối với ông như quân ăn mày, ăn xin. Ông thì ông phá hết. Nói đoạn lão ra oai thó ngay cái bánh đa, xách cây Văn Điển ra bến đò ngồi uống được nửa canh giờ thì phải cảm. Mụ Thúy tru tréo méo giật, nhờ hàng xóm mua cái chân giò lợn, lo bát cơm, quả trứng cho chu toàn rồi nghiến răng thủ tiết thờ chồng.

Giá mụ không nghiến răng thì cái sự thủ tiết ấy chắc được mấy tuần trăng. Đằng này nghiến khỏe quá hóa mỏi nên chồng chết được gần một tháng, đã thấy lão thầy cúng “quan ông cò bợ” quét dọn, sắm sửa như tân lang về ở nhà săm. Vậy từ đó, ngoài cái chõng tre trong buồng nơi mụ thủ tiết thờ chồng cùng với lão thầy cúng, kẻ buôn hương, người mua phấn thoải mái ra vào. Vốn là người giỏi học mót, mụ Thúy được gã chồng hờ dạy cho lối viết sớ. Cũng “công tằng, tổ khảo, cũng hiền tế, hiền tôn” đủ cả. “Việt Nam quốc, Nam Định tỉnh... chúng con dâng sớ” nghe mãi cũng thành thạo. Chẳng là lão thầy cúng vốn thủ từ miếu cô thôn Trung, cũng lắm lộc, nhiều oản. Trông thấy sư, thấy vãi đều cười tít mắt, chẳng chừa ai. Được hơn một năm, ngấm cái lạnh lẽo tràng giang ngoài bến đò lên chợ huyện, lão lại lăn ra chết. Lần này mụ Thúy lại thủ tiết thờ hai chồng.

3

Vậy là đương nhiên mụ Thúy được thừa hưởng cái chức thủ từ miếu cô ở đền Trung ấy của lão chồng hờ. Mụ cơi cái lều cho chú Tí “chuột” ở thôn Hạ lấy ráy tai, cạo răng thuê. Bên trong, mụ sang sửa, sơn son, thếp vàng. Chưa hết, mụ Thúy cất công lên chợ huyện, sắm cho mình vài bộ đồng cốt và đôi kính mắt trâu, đeo vào mụ thấy tự tin hẳn. Chú Tí người thôn Hạ, có họ với cụ Chánh thuê cái lều vừa phải canh miếu không công, không của, vừa phải thậm thọt mỗi tháng gần một quan tiền đưa mụ. Rồi mụ đem những chuyện kim cổ, đông tây hồi bán hàng ở nhà săm ra cắt nghĩa cho chú Tí, lão Lườn, mụ Vạnh há hốc mồm nghe.

Cả xóm thấy mụ biết viết sớ, lại “thông kim bác cổ” như thế đâm phục. Mụ lấy chuyện tán đầm do Bếp Vinh kể, gọt đi thành chuyện ông sứ thành Nam mê mụ, lấy chuyện Phủ Đinh bẫy án Nguyễn ra để cắt nhẽ việc Lý Quải làng bên mất chức. Rồi mụ nói thân thiết với các quan đốc học Nam Định, Thái Bình cứ như anh em ruột. Thấy bảo họ thông tây, thạo tầu thế mà vẫn phải phục mụ cái kiến văn cao cường. Nghe đâu cái ông sứ thành Nam ấy còn học cả chữ nho để làm mấy bài thơ Đường luật, thêu trên chiếc khăn tay trắng phau, thơm nức, gửi để lấy lòng mụ. Ai ngờ mụ Thúy đò ngang ấy lại rành mạch chuyện làng, chuyện xã đến thế. Lão Lườn phục lăn, về kéo tai vợ bắt đi bán đôi lợn giống để hầu thánh. Theo lão thì đồng Thúy phải sánh ngang với cô Tư Hồng, cô Bé Tí trên tỉnh về tiết hạnh cũng như kiến văn.

Tiếng lành đồn xa, ngay cả vợ ông lý cựu lúc đương thời cũng thi thoảng mò đến nhờ gieo quẻ, dâng sớ, nhờ thánh dạy. Vợ lý cựu quê ở xứ Đoài, dáng cao hơn tây, gầy hơn ta, giọng ê a dẻo quẹo. Chồng đang việc làng giữa đình cũng thò cái mặt dài như mặt bọ ngựa vào ngó nghiêng, dò xét. Thoắt một cái đã sang nhà trương tuần để thám thính việc công điền thôn Thượng, đến nhà em vợ bá Trinh để dò la thu thuế thôn Trung. Đêm về dựng chồng dậy, thẽ thọt để bàn việc làng. Nào là phải triệt thằng phó lý cho chừa cái thói “sân cao hơn thềm, sao sáng hơn giăng”. Nào là lừa cánh cả Tiếu, hứa cho mấy khoảnh thượng đẳng điền để khi họp hội đồng làng, nó phò thêm khóa nữa giữ triện. Nào là dằn mặt vợ bá Trinh chừa thói làm càn, xui chồng lên quan nói xấu. Cơ mưu đủ cả.

Riêng cái lối kiệt lõi của bà lý cựu thì không ai bằng. Chồng làm lý trưởng nhưng một năm cũng chẳng sắm được một cái áo dài nhuộm củ nâu cho tử tế để đi việc làng, để lên huyện hầu quan. Đi đâu cũng nhăm nhăm khoác cái túi vải trên vai như chú Sửu buôn trâu, cung cúc đi, cung cúc chạy. Ông lý cựu xơi khỏe lắm. Khoai sắn gì cũng được, bà lý luộc cho bao nhiêu ăn đẫy hết bấy nhiêu. Chẳng rượu chẳng chè gì bao giờ. Đến có việc làng, ông lý cứ cắm đầu ăn xong rồi vỗ đít đứng dậy chẳng chào ai. Lắm lúc cụ Chánh ức mắng: Đúng là cái quân “Ăn hết của thơm cùng của thối/ Quanh năm chẳng được miếng trà tầu”.

Ấy vậy mà ông lý cựu cứ phục vợ lăn ra. Ra giữa đình vẫn khoe, tưởng giống đàn bà đái không cao hơn ngọn cỏ, nếu mà bà lý nhà tôi mà là đàn ông cũng lên cơ đồ chứ chẳng chơi. Thế rồi cái cơ đồ ấy đến năm ngoái bị nó khèo chân ngã lăn chiêng ra giữa sân đình. Chẳng là ông lý cựu sợ phó lý nó phản nên ông “bảo mật, phòng gian” lắm. Mùng một, ông đã thấy nó tụ bạ với đám tuần đinh uống rượu thịt chó ở điếm canh đê. Không canh chừng khéo nó tập hợp quân phản mình. Ngày rằm, nó lại đến nhà bá Trinh biếu buồng cau. Hẳn nó lấy vây, lấy cánh để tranh triện đồng chứ chẳng chơi. Lễ nghĩa gì mà phải biếu hẳn buồng trăm quả thế kia. A, mày cậy đồng tiền để tính chuyện phản ông à. Rồi mày biết tay ông. Đã thế, mấy đêm vừa rồi bà lý cứ hốt hoảng mãi. Ai đời mời nhau cái tai, cái thủ là cùng, đằng này nó lại ngả cả bò ra để ăn đầy tuổi con. Rượu thì một hai chai đã quá, đây nó vác mặt mời nhau cả chum, mà giống rượu nấu bằng ngô nếp sóng sánh vàng ấy thửa từ miền ngược nào có rẻ.

Hẳn kết bè, kéo cánh thật rồi mới thế. Tí tuổi đầu mà đã ngầm mưu phản. Quân này bạc thật. Ông uất như vậy cũng là vì từ hồi lên lý trưởng, ông quên béng mất việc thằng phó lý năm lần, bảy lượt đưa ông đến nhà cụ tổng đốc van lạy xin lấy cái triện đồng thế nào. Cả cái chuyện ông lên phủ, về huyện, thằng “mưu phản” ấy đều cũng đưa ông nay bạc nén, mai vàng miếng, ông cũng bẵng đi. Bệnh làm quan giống bệnh già lẩm cẩm, cứ ăn rồi cứ bảo chưa ăn. Cái công quả của thằng phó lý chính là cái kiệu son đưa ông ra giữa đình làng ngồi, tay lăm lăm triện đồng, nói có người nghe, đe có người sợ. Nhưng nay cái kiệu son ấy trong tâm trí ông lại biến thành con dao lá lúa kê sát sườn. Có lần đang việc làng, giữa ba mặt quan viên, ông đuổi thằng phó lý ra ngoài giải vũ ngồi với bọn trai em. Phải làm nhục nó, phải cô lập nó, phải cho nó khốn cùng cảnh đơn thương độc mã. Bà lý đã tính rồi, cứ làm vậy, thế nào nó chán nó bỏ chức phó lý lên tỉnh trông cửa hàng lụa bên vợ cho rảnh nợ.

4

Ông lý vốn tự ti nên càng ngày cái sự tự ti ấy nó phát tiết thành nỗi hờn căm. Mày lại cậy tiền để phản ông à! Muốn làm chó thì ông cho mày làm chó. Ba cái tuổi ranh mà định cướp chiếu của ông. Truyền đời cho nhà mày biết, vợ ông mưu cao, kế sâu, mày ăn không, ăn hỏng nhà ông hơi khó đấy. Nói vậy nhưng tính ông nhát. Hôm trước, cánh bát Tỏa nó ghé tai ông kể, thằng phó lý sai con vợ thằng Mới lên chợ huyện mua chó mực về đánh chén. Bát Tỏa còn nói, hôm ấy, thằng phó lý nó với em ruột cả Tiếu thì thầm gì lâu lắm. Chúng mày giấu ông thế nào được, làng sắp đào mương Cả, hẳn định bới móc gì ông để cướp triện đây. Ông thì ông riềng cả họ chúng mày ra bã. Nói oai thế nhưng đêm nằm ông vẫn lo. Ông giống như con nhà nghèo được người tốt bụng cho miếng bánh. Con ruồi bay qua ông cũng hốt vì sợ nó nhuốt hết của ông. Nhìn ai ông cũng nghĩ tạo phản nên làm gì ông cũng chui chui, lủi lủi, dấm dúi.

Không hiểu sao, cái con vợ thằng Mới ấy lại khiến ông mê tơi. Cứ mỗi lần nó gánh mâm, gánh bát ra đình là mắt ông đảo như rang lạc. Mà tính ông lại chúa ghét bọn mông to, vú nẩy. Cứ ron ron như vợ thằng Mới, ngực lép hai lưng là ông lại khoái. Quân này chó đểu thực. Vợ chồng thằng Mới nó phục vụ làng, phục vụ ông chứ nó phải hầu hạ gì cái giống phó lý như mày. Mà nhà mày ăn để chết năm năm cũng không tiêu hết thịt hay sao mà nay bê, mai chó thế. Cứ như ông đây, sáng khoai, trưa khoai, tối khoai thì có động mồ, động mả gì như nhà mày đâu. Tiền ông chôn gốc mít, rồi chọn ngày đẹp, tháng dài mà sang bên Đoài nhà vợ ông mua lấy mảnh đất. Cứ có bao nhiêu nhét hết vào mồm như nhà mày thì mấy mà tan cửa, nát nhà.

Ấy cẩn thận thế mà ông vẫn mất chức thật . Chẳng là đợt thu thuế vừa rồi, ông có nhầm lẫn vài con số trong sổ địa bạ. Thế rồi mấy con số ấy nó lại có chân, chạy về chui tọt vào cái rương của bà lý. Đã thế thằng Mới nó bị đứa chết trôi nào xui khôn xui dại đệ đơn kiện ông tận lên quan phủ. Cái giống khốn nạn thế. Ông ăn ở phúc đức với nhà nó mà nó đang tâm trồng cây chuối ngược, lấy oán báo ân. Có chăng chỉ có hai lần ông sai tuần đinh nọc cổ đánh nó cả đêm vì nghi nó lấy trộm của bà lý cái xuyến bạc. Hai cái đêm ấy, ông còn lại phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để cạo gió, bấm huyệt cho con vợ nó. Không có cái y đức của ông thì họa có mà vợ mày được đỏ da, thắm thịt được vậy à!? Còn thằng chồng, tội tày đình như vậy mà tuần đinh mới trói cánh tiên nó, rút dây lên xà nhà hoặc lót tập giấy bản cẩn thận rồi mới lấy chày giã cua nện vào ngực đến thổ huyết thì đã có gì là quá đáng. Vợ chồng ông ăn ở có trước có sau thế mà toàn gặp phải quân sấp mặt.

Thế rồi quan phủ đưa lính cơ, lính lệ phò thầy đề, thầy ký xuống làng hạch, khảo. Mất cả năm trời chạy vạy mà vẫn mất chức lý trưởng. Cũng là vì cái chạy vạy của ông nó không giống cái chạy vạy của người khác. Ông nghĩ các quan lớn trên phủ, trên huyện đều tiền ngàn, bạc vạn cả, cần gì mấy đấu tiền lẻ nhà ông. Vậy nên ông cứ có buồng chuối ương, quả mít mật nào là lại khệ nệ mang đi. Có hôm hai vợ chồng còn đánh trần ra hái dọc mùng ở bờ ao từ tờ mờ sáng. Chẳng là ông nghe nói cụ Án thích ăn canh dọc mùng nấu chân giò nên ông gọi là “có chút tâm thành”. Ấy vậy mà hai vợ chồng đã choảng nhau kịch liệt mấy trận chỉ vì bà lý xót ruột khi của ngon, vật lạ cứ kéo nhau đi mà chức thì vẫn mất.

5

Ông lý cựu mất chức, thằng lý trưởng trẻ lên làm toàn những chuyện oan nghiệt cả. Ai đời, mấy thửa ruộng công điền lấy thóc lo việc làng mà ông lý cựu cho bên vợ cấy rẽ, nay nó sai người thu về. Mấy cái điếm canh đê, nhà nhiêu Vành bán thịt chó, chè xanh cũng bị tịch về để nó treo thanh la, mõ tre, đựng bao cát. Bố nó chết đâu mà nó đã chuẩn bị đồ nghề chôn tống, chôn táng sớm thế. Đến như nhà thằng trương tuần Thìn đầu hai thứ tóc, phục dịch suốt ngày ở nhà nó khai gian thuế từ mẫu hai xuống tám sào cũng bị nó tróc. Mụ Thúy uất nhất là thằng ngụ cư chết trôi ấy họp làng để cách cái chức thủ từ miếu làng Trung của mụ. Nó lại ra cái lệ là mỗi thủ từ chỉ được làm hai niên khóa tức 8 năm. Mà lão “quan ông cò bợ” của mụ đã ngủm củ tỏi 10 năm rồi. Bao nhiêu công của của mụ ở đây nó định ăn không, ăn hỏng. Đã thế, lão Chánh già cũng ngoạc cái mồm ra vào hùa cùng nhà cả Tiếu đểu giả: “Chốn miếu thôn Trung linh thiêng. Không thể ngữ đàn bà trông nom mãi được. Uế tạp, uế tạp”. Cái lão già mồm thối, hà hơi ố đỉnh màn ấy nói xong lại nháy nhủm với thằng trương tuần Thìn, rõ dê cụ. Mỗi tháng tiền thuê lều của chú Tí “chuột”, tiền dầu nhang… cũng được một khoản kha khá. Vậy mà bọn mặt chuột kẹp, lũ dê già hùa nhau vào đoản lộc thánh của bà. Chưa kể đi đâu cũng được gọi là bà từ, người đón, kẻ rước. Chuyến này không khéo hỏng hết công quả thật.

Mà tội ở đây là tội thằng lý mới. Bà phải trị cho biết cái cao cường của bà. Chuyện quan phủ, quan huyện, cụ án, cụ đề, bà còn thạo thung, thạo thổ, chứ cái ngữ ngụ cư nhà mày là thớ gì. Ở cái làng này, có chuyện chửa hoang, đánh đĩ nào mà bà không biết. Có chuyện chim chuột, cáo chồn nào mà bà không hay. Bà truyền khẩu cho mày biết, còn bà ở đây thì năm đời, mười đời nhà mày cũng chẳng yên. Mày còn non lắm. Bà thương mày tí tuổi đầu chứ không tòa áo xanh, áo đỏ bà cũng đi, cũng đến. Bà đây chưa làm lý trưởng ngày nào nhưng bà còn lịch duyệt hơn chán vạn mày. Cũng đã mấy lần xâu kim ,luồn chỉ cho lỗ nhĩ mày biết cái nhẽ làm quan trị nhậm là phải biết thế nào nhưng mày lại còn khinh khỉnh bảo: “Ơ thế đã đi cầy đâu mà biết cái đít trâu nó thế nào”. Bà ngần này tuổi đầu, chuyện gì mà bà không thạo. Làm lý trưởng khác gì của quý đàn ông. Lúc cương, lúc nhu, khi dụi lông, dụi cánh với quan viên trong làng, khi cứng cổ đỏ mào với cùng đinh ngoài bãi . Khi như cổ con gà cồ ngỏng lên trên đống rơm, khi lại mềm oặt giống dọc mùng hơ lửa.

Mặc dù cái cao cường của mụ Thúy đã chảy nhão như mướp rồi nhưng tự mụ thấy vẫn còn đắc dụng lắm. Nhưng ngẫm đi, ngẫm lại, đắc dụng là với vợ chồng nhà lý cựu, chứ thằng lý mới nó mới lên, đã có tội gì đâu mà đắc. Nếu đâm đơn lên phủ, lên huyện thì chẳng có chứng cớ. Nếu ngồi yên để nó đưa thằng Ba Thơ, ria mép rậm như con sâu róm ấy về làm thủ từ thì ức có mà chết. Bà đã bị cách cái cái chức nhờn môi, nhờn mép ấy thì dẫu có là thằng Tí “chuột” ngày đêm hầu hạ, thậm thụt bà để cũng đòi xin lộc thánh cũng đừng hòng truyền ngôi. Cái thằng mặt chuột kẹp ấy cũng học mót được vài chữ nhưng chỉ hai quan tiền là nó bán đứng mình ngay. Và mụ Thúy nghĩ đến lão Lườn…

6

Chiều hôm sau mụ mang cơi giầu với hai bao trà, một quan tiền đến nhà thằng lý mới. Lậy thánh mớ bái, đấy là do vợ chồng Lườn nó tâm kính, lễ thành chứ của mụ thì còn lâu mà cho cái giống ngụ cư ấy xơi. Chưa tới đầu ngõ đã gặp con vợ nó loe toe đi ra xoen xoét chào: “Cụ từ hôm nay lại rồng đến nhà tôm”. Cha tiên nhân bố nó chứ, hóa ra con này nó xỏ mình. Mình bị khuyết cái chân ấy bốn tháng nay, đang lộn mật, lộn mề mà nó vẫn gọi mình xơi xơi là cụ từ. Ấy là chưa kể, mọi lần nó chỉ gọi mình là chị thủ nay nó tâng mình lên là cụ. Cái giống đểu giả từ thằng chồng tới con vợ. Bà mà không vì cái việc “buông rèm nhiếp chính” thì bà chửi cho vuốt mặt không kịp. Thế rồi nó đon đon, đả đả đưa mụ vào. Nhưng quân này khốn thật, gian giữa thờ ông bà, ông vải nhà nó thì nó không mời mình xơi nước ở tràng kỷ mà lại đưa mình xuống nhà ngang. Ơ thế hóa ra nó tiếp mình bằng con sen, thằng ở nhà nó à. Vậy mà mồm nó cứ trơn tuột: Chẳng hay hôm nay cụ đến dạy bảo gì nhà cháu? Ông lý vẫn đang say khướt trên nhà cụ ạ. Chồng nào có ra chồng, cứ việc làng, việc xã là có giúp gì được vợ được con đâu. Giá nhà cháu được cụ, đề huề mọi nhẽ thì phúc đức”.

Rồi con vợ nó dóng dả: Nhà cháu biết cụ đến để nói giúp cho chú Ba Thơ, đệ tử chân truyền thay cụ hầu thánh. Ông lý đã chuẩn bị cái đòn càn để cửa chuồng lợn dặn, nếu cháu mà mạo phạm nhận của cụ chỉ nhúm thuốc lào chứ chẳng hẳn là trầu, trà gì thì ông ấy đánh cho què giò. Ông ấy còn cắt nghĩa rành rẽ, có một nhúm thuốc lào xoăn xoăn, hoi hoi mà cụ vực lên cả cơ nghiệp. Nhận vào nhà mình phận mỏng, cánh chuồn có mà người làng chửi cho là đồ lộn mồ, lộn mả.

Biết không được việc, để cơi trầu lại thì mụ tiếc đứt đuôi con nòng nọc, không cầm về thì hóa ra mình mắc lỡm. Đã thế, thằng lý mới chẳng biết say hay tỉnh, thỉnh thoảng lại súc miệng, xuống thềm nhổ đánh toẹt một cái ra giữa sân rồi nguẩy đít quay vào. Quân phàm phu, tục tử. Nó nhổ thế thì hóa ra nó nhổ vào sơn thần, thổ địa nhà nó. Mà đến sơn thần, thổ địa mà nó còn không nể thì bà còn nể gì nhà mày. Cứ trầu, thuốc bà cầm về. Cái lão Lườn có hỏi thì cứ trả nhời là tông môn nhà thằng lý mới nó nhuốt vào họng rồi. Không lẽ cái đám cùng đinh, khố dây ấy lại dám ra đình mà hỏi lý trưởng. Có mà nó cho tuần đinh áp đáo tại gia đánh cho hộc máu như thằng Mới. Vậy là mụ Thúy cắp đít về.

Lão Lườn và mụ Thúy chuyến này cắt máu ăn thề cùng mụ Tho, nhà giữa thôn Trung. Chẳng là mụ Tho xin thằng lý mới cho con trai làm quản trang nhưng nó không nhận. Mang mấy xâu tiền ém vào trong bao trà mà thằng lý nó lại cho tuần đinh đến trả. Trước nay, lão Lườn nói xấu mụ Thúy là đồ nhà săm, đồ nhà thổ. Còn mụ Thúy thì chửi mụ Tho là quân thờ cả vua lẫn giặc. Mụ Tho lại dèm lão Lườn là quân ba toa, đồ tể, đâm vào dao trắng, rút ra dao đỏ. Thế nhưng chuyến này chung lưng đấu cật, xanh mật, lộn mề với nhau nên cả ba thân lắm. Sáng nào cũng cãi nhau như mổ bò suốt buổi là vì mụ Thúy cứ tự cho mình thông kim, bác cổ. Vậy nên người kia cứ định đưa ra mưu kế gì thì mụ Thúy lại chặn họng. Như mấy ông đốc học ở Nam Định, Thái Bình còn phải nể cái mưu lược của bà đây chúng mày còn cứ cãi. Cái sự học của bà thì cả làng, cả tổng này ai chẳng phục lăn ra. Cái con mẹ phò cả vua lẫn giặc, trán dô, miệng móm này cứ nhau nhảu như chó cắn ma. Cái thằng ba toa, đồ tể này nhà mày quen lối sát sinh nên chỉ hiểu việc thủ, việc mỡ, chứ biết gì chuyện quan, chuyện làng mà cứ hú lên như vượn ghẻ gọi trăng. Im hết cái mồm hà hơi chín chuối, xúc nước lã nhổ ra nước chè ngay không bà lại tọng mấy củ khoai lang vào mõm khẩu nhà mày bây giờ. Chẳng tin thì lên hỏi cụ sứ, cụ phủ xem đèn sách, chữ nghĩa bà thế nào mà chúng mày cứ cãi lấy được. Hôm trước bà còn viết thư dạy thằng Nguyễn Bá Canh, tri huyện Đoài thuật làm quan ra sao, tế độ dân chúng thế nào. Bà chưa làm quan, chưa làm lý nhưng mà thông huyền cơ, hiểu nhẽ càn khôn nên phúc cho tổ khảo nhà chúng mày là được bà ra nhời. Bà mà ra tay chuyến này thì “nhà nó” chẳng có mà không còn cái bát mẻ. Có khi cụ án sai lính cơ, lính lệ về gô cổ lên phủ chứ chẳng chơi.

7

Ấy thế nhưng cái “tiên hạ thủ vi cường” ấy nó còn rối tinh, rối mù vì chưa biết phải làm từ đâu mà “nhà nó” mấy tháng nay vẫn nhâng nhâng, nháo nháo ngồi xe tay ra đình quyết việc làng. “Nhà nó” còn sai vợ chồng thằng Mới quét tước miếu thôn Trung tinh tươm để rước thằng Ba Thơ, bố trẻ nó về làm thủ từ. Thánh lại chẳng vật chết chúng mày à. Cái con vợ ăn tàn, phá hại vẫn ưỡn ẹo nay chợ phủ, mai chợ huyện. Cái thói ăn tiêu “phóng tay áo xô, đốt nhà táng giấy” vẫn chẳng chừa. Sông có khúc, người có lúc, mày liệu có tọng vào họng mãi được thế không. “Nhà nó” lại mang cái ruộng công điền ra đấu khoán, ai trả nhiều thóc cho làng thì người ấy được cấy chứ chẳng cho người nhà lý cựu hay nhà nhiêu Vành trục lợi.

A ha! Chuyến này mày chết với bà rồi. Bà nghĩ mấy tháng nay chẳng ra. Bà vừa hỏi cụ đề trên huyện, ruộng công mà mày dám cho đấu khoán thì bà gông cổ được cả tổ khảo nhà mày rồi. Ấy thế nhưng đấu khoán công khai như vậy thì tang chứng gì về việc nó ăn xôi, ăn thủ đâu nhỉ. “ Nhà nó” đã xin cụ huyện, cụ phủ chưa hay tự tung tự tác? Bà thì bà mặc kệ. Mà bà cũng chẳng cần biết. Mày đoản lộc thánh của bà thì bà phải phản đòn. Tức nhất là cái lão đề lại dê già khốn nạn ấy khi nói chuyện công điền thì cứ nửa nạc, nửa mỡ. Mắt thì nhìn ngực, tay thì xoa mông, miệng thì lèm bèm chẳng biết ất giáp thế nào. Đến thằng Nhâm đánh giậm, ngu si tứ chi phát triển, khỏe như voi ấy mà còn chẳng chịu nổi với bà thì cái ngữ lẻo khẻo như lão dê già thì được mấy hơi.

Thế nhưng “tam kiệt làng Thời” lại thêm mất nửa yến khoai và hơn chục bình nước vối mới ra chuyện. Kiện thằng lý mới thì cả ba đùn đẩy nhau chẳng ai chịu đứng tên. Hơn nữa, việc sai đúng, đâu đã được tỏ tường như cái lối găm bi, đeo khuyên vào của nợ đàn ông mà hai mụ vẫn thường lịch duyệt. Kiện sai nó lại chẳng cho tuần đinh đến tận nhà nhét cứt vào mồm cho ấy à. Rồi nó phản đòn thì chẳng biết tổ khảo nhà đứa nào bị gông cổ. Nhưng không ra tay thì nó lại không biết cái cao cường của các bà. Được, bà biết cách làm cho ngũ đại, tam đường nhà mày lộn mề như thế nào rồi.

8

Sáng mùng 1 tháng cô hồn, dân làng được một mẻ mơ tơi. Sướng nhất là “tam kiệt làng Thời”, đi đến đâu cũng hoa chân, múa tay tán chuyện. Chẳng là ngay giữa đình làng, “cao nhân, dị khách” nào dán ngay một bản cáo bạch khuyết danh chửi vỗ mặt thằng lý mới. Mụ Thúy nói vống ngay giữa ao đình: Khốn nạn cho cái quân bị vạch mày, vạch mặt. Có ăn gì vào mồm đâu mà “người ta” cúng sống thằng bố, con mẹ ở giữa đình. Ăn ở phúc đức mà “người ta” lại truyền hịch, truyền ngôn giữa chạ. Ruộng công điền mà nó dám thi gan cùng tuế nguyệt cho đấu khoán. Sao chẳng mang cái hoa cái nhà nó ra mà đấu, chuyến này thì “nhà nó” biết tay “người ta”.

Chẳng là bản cáo bạch viết túm lược thế này: “Năm Mậu Tuất, thằng nghé tơ lên lý. Chẳng biết gì phép trị nhậm dân. Lôi theo một lũ quân thần. Lưu manh đủ cả, nhân thân cáo chồn. Dốt nát danh nổi như cồn. Phần xác chẳng giữ, phần hồn cũng không. Việc công chẳng biết phép công. Dám đem công thổ trao không chín bờ. Lại ra lối giả vờ giả vịt. Tỏ thanh liêm chịt họng người dân. Nên ta sẵn có mấy vần. Truyền đời mày biết rằng dân không hèn. Nay ta chỉ ra lời cáo bạch. Không đơn từ đàn hạch làm chi. Sức ta học lực ai bì. Trí ta ai dám vân vi so kè. Thằng lý mới kéo bè kết cánh. Thằng Ba Thơ cầu cạnh miếu Trung. Lý cựu cầu cúng lung tung. Vợ chồng thằng Mới túng cùng liều đơn. Bay có biết dân hờn, dân tủi. Vậy mà bay bòn củi, bòn cây. Hỡi ôi một lũ cáo cầy. Đứa nào xé tờ cáo bạch này cả mả cha, mả mẹ nó bị đóng đinh vào thiên linh cái ”.

Mụ Tho cũng tung hoành khắp làng nghe ngóng, tường thuật y nguyên với cả làng mồm vợ thằng nhiêu Vành nhảy tanh tách giữa chợ: “Sao bà chẳng thấy vác cái mặt dày ra đây mà mua chân giò với thủ lợn về mà cúng vong linh tiền tổ nhà mày về đọc cáo bạch. Nhà bà nào ăn gian, nhuốt dối gì thóc công điền mà mày lỡ lòng nào tịch ngay về. Mày chẳng bảo cái thằng Ất trúng khoán ấy đến mà hàn long mạch cho nhà mày khỏi động mồ, động mả”. Mụ Thúy càng đọc càng phục cái văn chương chữ nghĩa của mình. Mày đã biết cái tài của bà chưa. Chuyến này có khi nay mai, lính phủ về gô cổ nhà mày cũng nên. Mày còn dám bổ thằng Ba Thơ mắt sâu, râu rậm thay bà nữa không. Văn bà kêu như chuông đồng, vang như khánh ngọc. Lần này thì mày biết tay bà nhé.

Cả ba lại kéo nhau ra cống Bắc khao quân. Tuy nhiên, lần này thì ẩu đả to xảy ra. Chẳng là lão Lườn và mụ Tho xúm vào chê mụ Thúy là ngu. Cứ chửi thằng lý chứ sao tự nhiên lại lôi thằng Ba Thơ vào có phải lòi cái đuôi chuột ra không. Thằng lý nó ngu nhưng không lẽ nó không đoán ra đứa nào đứng sau hay sao. Không lẽ nó không hiểu rằng cay cú cái việc thủ từ mới nên mới ra cáo bạch. Thế rồi nay nó sai tuần đi khám rượu lậu, mai nó đến kiểm tra thẻ thuế thân. Làm ăn gì, mọc mũi sủi tăm gì được với nó ở làng này. Đã thế lão Lườn còn phát hiện mụ Thúy hớt váng của mình cơi trầu biếu nhà thằng lý mới. Tiền mất, tật mang, có khi bị nhà lý nó trả thù cũng nên. Ấy thế mà con mụ Thúy bĩu môi, chu mỏ chửi hai đồng đảng. Cái giống một chữ bẻ năm cũng không biết, vậy mà cứ lên mặt. Mổ lợn, giết chó thì tiên sư nhà mày thạo, phản chúa, từ vua thì tổ khảo nhà mày thông chứ chuyện văn chương, chuyện chính trị thì chúng mày biết cái gì. Bà đây ăn cơm thiên hạ vẹt mồm rồi lại không hơn hai đứa mày sao.

Đến đoạn lôi tiên sư với tổ khảo ra thì hai kẻ kia lên đồng lên đảo rồi lên túm tóc mụ Thúy vật ra. Mụ Tho bé người nhưng có sức lấy đầu gối chèn lên họng mụ Thúy. A mày cậy có chữ. Cái con nhà săm, nhà thổ đánh đĩ tứ phương kia. Có thằng tuần đinh nào mà không nay thậm, mai thụt với mày. Có đứa khố dây nào mà không sớm luồn, tối đảo với mày. Từ thằng hương già đến lũ nhiêu trẻ, mày có từ ai đâu. Vậy mà mày dám lôi ông bà, ông vải chúng tao ra để sỉ nhục. Cái mồm thối của mà, nay mày rao giảng đạo đức, mai mày dạy dỗ lề lối. Các bà cho mày một mẻ cho chừa thói ăn không nói có, tham như mõ, lõ như tây của mày đi. Gì cũng ăn thế thì chuyến này các bà cho mày ăn cứt.

Nói đoạn, mụ Tho quát lão Lườn bốc phân trâu nhét vào mồm mụ Thúy cho đến khi sặc sụa, bắn thứ trân quý ấy ra đằng mũi. Lão Lườn tiếc mấy bao chè bị nẫng nên hăng hái lắm. Làng Thời được một trận cười nghiêng ngả. Chiều đến, cả làng lại nghe cô đầu lảnh lót hồng hồng tuyết tuyết. Rồi tiếng sênh, tiếng phách, đàn sáo dập dìu thênh thênh từ nhà thằng lý mới cứng đầu lan ra trong ráng đỏ trời chiều. Cả làng lại chưng hửng khi thấy đúng chỗ dán tờ cáo bạch, trương Thìn sai tuần ra dán công văn do quan phủ sức cho lý trưởng làng Thời được phép đấu sản công điền. Làng Thời nhạt chuyện.

Hà Nội, ngày 11/9/ 2018

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phần tháp pháo của một chiếc T-90M đang hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

'T-90M Proryv tốt nhất trong thực chiến'

GD&TĐ - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, T-90M Proryv đã chứng tỏ là xe tăng tốt nhất hiện nay trong điều kiện thực chiến.