Làng thi sĩ độc nhất vô nhị

Làng thi sĩ độc nhất vô nhị

(GD&TĐ) - Đó là làng Chùa (còn gọi là làng Hoàng Dương) thuộc xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Nơi những người nông dân trở thành những “thi sĩ làng” yêu thơ, mê thơ đến tột đỉnh, từ em bé cho đến những lão nông tuổi ngoài 80 đều hồ hởi làm thơ, lắng nghe thơ và bình thơ, lấy thơ làm lẽ sống cho cuộc đời khiến ai cũng phải ngạc nhiên khi đến mảnh đất này.

Cổng vào làng Chùa, Hoài Đức, Hà Nội
Cổng vào làng Chùa, xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội

Ngôi làng nằm ở phía Nam Hà Nội ven con sông Đáy hiền hòa. Người dân làng Chùa quanh năm gắn bó với đồng ruộng, cây lúa, củ khoai tưởng chừng không có gì đặc biệt, nhưng bước qua chiếc cổng làng được khắc bốn chữ Hán “Vọng tự nhập xuất” (nghĩa là trông chữ để vào làng) đã khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này, đến thú vị khác.

Người dân nơi đây cho biết không biết tự bao giờ thơ đã đi vào đời sống như một phần không thể thiếu. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ đình làng ra cánh đồng, bờ đê, đến từng ngôi nhà nhỏ, nơi đâu cũng đầy ắp những vần thơ lai láng.

 “Những câu thơ loé lên từ ánh sáng lưỡi cày, tứ thơ giản dị và mộc mạc như củ khoai, củ sắn, ý thơ xanh tốt như ruộng lúa, nương ngô..”. Cứ đều đặn từ 8 giờ đến 9 giờ tối hàng ngày đài truyền thanh của làng lại tổ chức đọc thơ do chính người nông dân làng Chùa sáng tác.

Theo họ đó không chỉ là “trọng câu thơ, trọng cái chữ, cái tình, mà là một phương thức truyền tải và lưu giữ tốt nhất truyền thống làm thơ, cũng như những lời răn dạy của cha ông cho thế hệ trẻ”.

Và mỗi khi “tiếng thơ” của đài thôn phát lên mọi người đều háo hức lắng nghe. Các cụ bô lão trong làng cho biết, truyền thống yêu thơ và làm thơ ở làng đã có từ hàng trăm năm rồi. Trước kia trong làng có Câu lạc bộ thơ tiền thân từ hai hội Văn chỉ của làng thành lập cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, với việc tổ chức đọc thơ vào rằm tháng giêng hàng năm, nhưng sau cách mạng tháng Tám thì cái lệ này bị mai một dần, đến cuối những năm 1980 cụ Nguyễn Xướng Đức là một người giỏi thơ văn đã khôi phục lại Câu lạc bộ thơ và từ đó được phát triển mạnh mẽ cho tới hôm nay…

 

Theo bà Cao Thị Sam thành viên Câu lạc bộ thơ làng Chùa cho biết: Hiện nay số hội viên Câu lạc bộ thơ làng lên tới hơn 50 người với đủ thành phần lứa tuổi từ 60 đến 80 tuổi, kể cả trong làng và những thi sĩ, nhà văn đã thành danh. Câu lạc bộ thơ làng Chùa được duy trì và phát triển chủ yếu là do đóng góp của các thành viên trong Câu lạc bộ, song phong trào làm thơ của làng Chùa lại phát triển mạnh và được sự hưởng ứng của bà con làng xóm. Khi có những bài thơ hay, sẽ được khen thưởng kịp thời. Món quà chỉ là một tập thơ, có khi là quyển sổ, cái bút thế nhưng mọi người ai cũng hồ hởi tham gia nhiệt tình.

Điều lý thú là người làng Chùa đều làm thơ không phải vì mục đích tiền bạc, danh vọng hay sự nổi tiếng, mà họ đến với thơ như một cách để nói lên những tâm tư suy nghĩ, để giãi bày nỗi lòng mình.

Những vần thơ được viết theo cảm hứng, không trau chuốt mà mộc mạc, giản dị như chính cuộc sống đang đi qua hàng ngày của họ. Đề tài của thơ cũng đa dạng, khi thì về những tấm gương điển hình về gia đình văn hóa, những cá nhân tốt cho đến việc phê phán những thói hư tật xấu, các tệ nạn xã hội và cho đến cách dạy con… đều được người dân làng Chùa ứng khẩu thành thơ.

Rồi cũng từ thơ ca, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào lòng người làng Chùa cứ nhẹ tênh, “phởn phơ” như một bài thơ trữ tình nồng thắm. 

Có lẽ bởi thế người dân ở đây không chỉ tự hào về thơ, mà coi thơ như một điều cốt yếu trong đời sống, luôn trân trọng gìn giữ để mạch nguồn thơ chảy mãi từ thế hệ sang thế hệ khác, làm cho “tiếng thơ” cất lên như một bài ca cuộc sống.

Hiện người làng Chùa đang truyền nhau câu: “Ngày xưa trong ngày Hội làng, người ta mổ trâu mổ bò, rượu chè cờ bạc/ Ngày nay người làng Chùa đốt trầm đọc thơ/ Mừng thay, mừng thay đất ta đã sinh ra những thi sĩ… ”.

Được biết hiện nay làng Chùa có rất nhiều du khách và những người yêu thơ từ khắp mọi miền đất nước tìm đến để nghe thơ, cảm nhận thơ và tận thấy những người nông dân “thi sĩ” làng Chùa ứng khẩu, sáng tác thơ và còn để suy ngẫm những câu như thơ như “châm ngôn” độc đáo: Thơ không làm ra lúa vàng gạo trắng/ Nhưng thơ đã làm ra những giấc mơ giản dị/ Thơ sinh ra từ những luống cày/ Thơ thân thiết như hạt lúa củ khoai/ Người làng Chùa lấy đức làm gốc/ Lấy thơ truyền đức…”.

Đặc biệt vào ngày hội thơ tháng giêng hàng năm là dịp để các thành viên trong Câu lạc bộ trổ tài thơ cũng như đàm đạo những câu thơ độc đáo chỉ có ở làng Chùa.

Minh Tư

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ