Ngày... tháng... năm...

Lặng thầm cống hiến

GD&TĐ - Với thành tích bất bại đó, chú đã đạt được 9 điểm sau 11 vòng đấu, để đạt được Huy chương Đồng Cá nhân bàn ba bảng mở rộng Olympiad Cờ vua...

Tấm Huy chương Đồng quý giá của đại kiện tướng Lê Tuấn Minh tại Olympiad Cờ vua 2024. Ảnh: ITN
Tấm Huy chương Đồng quý giá của đại kiện tướng Lê Tuấn Minh tại Olympiad Cờ vua 2024. Ảnh: ITN

Kì thủ Lê Tuấn Minh kính mến!

Cháu là một người rất thích thể thao, nhất là môn cờ vua và thường xuyên theo dõi các đội tuyển thể thao Việt Nam tham dự giải đấu quốc tế. Và mới đây, cháu được dõi theo hành trình góp một phần công sức không nhỏ của chú giúp đội tuyển Việt Nam đạt được thứ hạng cao tại giải Olympiad Cờ vua lần thứ 44.

Giải Olympiad Cờ vua có thể được coi là “Olympic của làng cờ vua”, bao gồm hai bảng: Bảng mở rộng (dành cho các kì thủ nam) và bảng nữ (dành cho các kì thủ nữ). Kể từ năm 1976, Olympiad Cờ vua đã áp dụng hệ Thụy Sĩ trong thi đấu. Bắt đầu từ lần tổ chức giải năm 2008, mỗi đội tuyển bao gồm 5 kì thủ, trong đó có 4 kì thủ chính thức và kì thủ còn lại dự bị (trước đó là 6 kì thủ với 4 kì thủ chính thức và 2 kì thủ dự bị). Các kì thủ được đăng kí thứ tự bàn cố định từ trước khi giải đấu bắt đầu, và không được thay đổi trong thời gian diễn ra giải đấu. Đội tuyển cờ vua Việt Nam lần đầu tham dự giải đấu vào năm 1990, và liên tục tham gia kể từ đó cho tới nay (ngoại trừ năm 2022 đội tuyển nam không tham dự).

Đội hình đội tuyển nam Việt Nam đến với Budapest, Hungary năm nay để tham dự giải đấu gồm chú Lê Quang Liêm và Nguyễn Ngọc Trường Sơn được xếp thi đấu lần lượt ở bàn thứ nhất và bàn thứ hai, chú ở bàn thứ ba, chú Trần Tuấn Minh ở bàn thứ tư, và anh Bành Gia Huy dự bị. Đội tuyển đã có khởi đầu thuận lợi khi dễ dàng thắng với tỉ số cách biệt trước hai đối thủ yếu ở hai vòng thi đấu đầu tiên là Liechtenstein và Bangladesh. Ở các vòng đấu sau đó, chú đã thể hiện phong độ ấn tượng khi liên tục thắng và hòa các đối thủ có hệ số cao hơn mình, chẳng hạn như thắng đại kiện tướng Mateusz Bartel của Ba Lan, giúp Việt Nam vượt qua Ba Lan với tỉ số nghẹt thở 2,5 – 1,5, hay cầm hòa đại kiện tướng Yu Yangyi hơn mình tới gần 150 hệ số (elo), để góp công tạo nên trận hòa lịch sử trước đội tuyển Trung Quốc – một trong những ứng cử viên cho chức vô địch năm nay… Tuy về cuối giải, đội tuyển nam thi đấu có phần xuống phong độ khi chỉ có được ba trận hòa, hai trận thua sau khi thi đấu năm vòng đấu cuối và kết thúc giải đấu ở vị trí thứ 23, nhưng chú vẫn bất bại xuyên suốt giải đấu, với bảy trận thắng và bốn trận hòa. Với thành tích bất bại đó, chú đã đạt được 9 điểm sau 11 vòng đấu, để đạt được Huy chương Đồng Cá nhân bàn ba bảng mở rộng Olympiad Cờ vua với hiệu suất thi đấu 2795 (tức phong độ của chú tương đương với một kì thủ có hệ số 2795).

Cháu cảm thấy rất khâm phục trước thành tích chú vừa đạt được tại Olympiad Cờ vua 2024. Từ lâu, cháu đã biết tới chú là kì thủ số ba Việt Nam, sau chú Lê Quang Liêm và Nguyễn Ngọc Trường Sơn, nhưng giải đấu năm nay mới là lần đầu tiên chú tham dự sân chơi lớn này. “Các chú Lê Quang Liêm hay Nguyễn Ngọc Trường Sơn ngay từ khi còn rất trẻ đã cùng đội tuyển Việt Nam tham dự Olympiad Cờ vua. Vậy tại sao chú giỏi như vậy mà chỉ tham dự lần đầu tiên khi đã gần 27 tuổi?”. Cháu tự đặt câu hỏi và đi tìm kiếm câu trả lời. Khi tìm hiểu, cháu đã rất bất ngờ khi biết được câu trả lời: Thì ra, bên cạnh cờ vua, chú còn học tại Trường THPT chuyên Ngoại ngữ thuộc Đại học Ngoại ngữ và tiếp đó là Đại học Luật Hà Nội, tức là chú không chỉ tập trung vào cờ vua, mà còn nhắm đến việc học tốt các môn văn hóa. Một lúc tập trung vào hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt như vậy, chắc hẳn chú cũng phải rất vất vả phải không? Nhưng sự vất vả ấy đã không đánh gục được chú, mà ngược lại chú còn rất biết cách tận dụng thời gian rảnh của mình: Trong khi các bạn dành thời gian để giải trí thì chú lại cắm đầu vào “cày” cờ vua, hay ngược lại, khi đi thi đấu, tập huấn cờ vua, hễ hở ra thời gian rảnh rỗi, chú lại lấy sách vở ra để đọc và làm bài tập… Chỉ cho tới khoảng thời gian gần đây, sau khi tốt nghiệp đại học, chú mới dành nhiều thời gian hơn cho cờ vua, và tấm Huy chương Đồng chính là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực trong suốt khoảng thời gian qua của chú. Chú chính là tấm gương sáng của sự siêng năng, cần cù, kiên trì vượt khó để có thể học tập noi theo.

Không chỉ thế, chú còn đóng vai trò là cầu nối giữa thế hệ đi trước và lứa tài năng trẻ sau này. Sau chú Lê Quang Liêm và Nguyễn Ngọc Trường Sơn, trong hơn 10 năm qua, cờ vua Việt Nam chưa thể đào tạo thêm các lứa kì thủ trẻ kế cận có tiềm năng đạt tới trình độ tương đương. Khi đó, chú vừa như người có đủ trình độ để cùng sát cánh với chú Lê Quang Liêm và Nguyễn Ngọc Trường Sơn tại các giải đấu lớn, mà cũng đồng thời là người phù hợp nhất để lấp đầy khoảng trống thế hệ và trình độ trong khi chờ đợi các kì thủ trẻ của Việt Nam trưởng thành.

Bức thư này đã tương đối dài rồi, nên cháu xin phép dừng bút tại đây. Chỉ còn một vài ngày nữa thôi là chú chính thức tròn 28 tuổi. Cháu chúc chú luôn luôn mạnh khỏe, và hi vọng rằng chú sẽ ngày càng gặt hái được nhiều thành công với môn thể thao chú yêu thích!

Tạm biệt chú!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ