Làng quê Việt nên thơ

Làng quê Việt nên thơ

Mùa xuân trong thơ

Những giá trị sâu sắc về tư tưởng, văn hóa, thơ về làng quê đã đánh thức lòng tự hào và không ngừng nuôi dưỡng tình yêu đất nước trong mỗi con người: Làng ta phong cảnh hữu tình/Dân cư giang khúc như hình con long (Ca dao). Nếu “làng” là từ chỉ đơn vị hành chính thấp nhất ở nông thôn thì từ ghép “làng quê” mang ý nghĩa khái quát, gợi về cả một chiều sâu văn hóa cội nguồn. Đấy là nơi gia đình, dòng họ nhiều đời sinh sống; là nơi có mồ mả cha ông, có cây đa, bến nước, sân đình... Là nơi mà mỗi người được bao bọc trong một mối quan hệ huyết tộc, trong nghĩa tình sâu nặng với cộng đồng.

Nếu thành thị là nơi giao lưu, tiếp nhận cái mới thì làng quê là cái nôi nuôi dưỡng những giá trị văn hóa truyền thống ngàn đời. Những trầm tích văn hóa, những thuần phong mỹ tục chủ yếu được lưu giữ ở làng quê và hiện diện với một tần số lớn vào mùa Xuân - mùa lễ hội. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, làng quê Việt hiện lên thật đẹp đẽ, lung linh; đất trời rạng rỡ, non nước hữu tình:

Rằm Xuân lồng lộng trăng soi

Sông Xuân nước lẫn mầu trời thêm Xuân

(Rằm tháng Giêng, Hồ Chí Minh)

Trong thơ Xuân, bức tranh làng quê Việt vô cùng tươi sáng và tràn trề sức sống: Sóng cỏ xanh tươi gợn chân trời/Bao cô thiếu nữ hát trên đồi - (Mùa Xuân chín, Hàn Mạc Tử).

Bởi theo quy luật của tạo hóa: Xuân - sinh, Hạ - trưởng, Thu - thu, Đông - tàn. Cũng giống như tuổi trẻ là khởi đầu của một đời người thì mùa Xuân là khởi đầu một năm, là mùa của sự sinh sôi, phát triển. Nếu trong tiết Đông rét mướt, vạn vật tàn úa: Cây cối trút lá, trơ trụi, khẳng khiu; những đàn chim hối hả bay về phương Nam tránh rét, con người co ro trong nỗi cô đơn đáng sợ… thì khi Xuân về, tiết trời ấm áp, mưa bụi giăng giăng, cây cối căng tràn nhựa sống, nảy đầy chồi non lộc biếc. Những cánh én nhỏ rộn ràng báo Xuân. Cảnh vật trút bỏ cái lốt u ám cũ kỹ, bừng thức trong trạng thái hồi sinh: Đã thấy Xuân về với gió Đông/ Với trên màu má gái chưa chồng/ Bên nhà hàng xóm cô hàng xóm/Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong. (Xuân về, Nguyễn Bính).

Nếu điểm nhấn của mùa Xuân trên phố là sắc màu rực rỡ của những loài hoa quý từ tứ xứ mang về thì gam màu chủ đạo của bức tranh quê mùa Xuân là màu xanh mát mắt của đất trời: Mùa Xuân là cả một mùa xanh (Nguyễn Bính). Đó là màu xanh non tơ của sự sống tự thân bất diệt, được chắt chiu, nuôi dưỡng từ lòng đất mẹ: Cỏ non xanh rợn chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. (Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Chỉ bằng vài nét chấm phá cốt ghi lấy linh hồn tạo vật, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã vẽ được một tuyệt tác kinh điển về quang cảnh thiên nhiên Việt Nam. Không theo khuôn mẫu, không xuất hiện loài hoa mai cao quý (Xuân thiên mai nhị phô thanh bạch) mà chỉ thấy ngút ngàn, mênh mông là cỏ dại, loài thảo mộc mang sức sống mãnh liệt của mùa Xuân.

Sự đối lập giữa hai màu nguyên thủy xanh - trắng ấy hình như đã gợi cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ý tưởng để anh sáng tạo được một tác phẩm đình đám: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Dấu hiệu của mùa Xuân là sự sống phới phới đang lên, nên bức tranh làng quê mùa Xuân không tĩnh mà rất động, màu sắc tươi vui và âm thanh rộn rã: Lúa thì con gái mượt như nhung/Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng. (Xuân về, Nguyễn Bính).

Mùa Xuân là mùa hoa với muôn hồng ngàn tía, với bao nhiêu hương sắc mà hoa là biểu tượng của vẻ đẹp tự nhiên ban phát. Đó là hoa xoan vừa dịu dàng vừa nồng nã: Đầy Xuân mưa bụi nở hoa xoan (Cuối Xuân tức cảnh, Nguyễn Trãi), để rồi Sáng ra mặt đất lan tràn mùi hương (Chế Lan Viên); Hoa bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa (Hương thầm), là Hoa cẩm cù trắng xóa/Hoa tóc tiên đỏ đằm (Mùa Xuân) trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Và cơ man nào loài hoa thường xuyên xuất hiện trong thơ của nhà thơ chân quê Nguyễn Bính: Hoa chanh nở giữa vườn chanh/Hoa mai trắng xóa dưới chân đồi/Xuân đến hoa mơ hoa mận nở… Trong thơ Nguyễn Bính hầu hết là những thứ hoa đồng nội: Bưởi, cam, cau, ngâu, lý, mơ, mận, cỏ may, bèo tây hoang dại, tím ngắt… Và trên cái thảm hoa Xuân ấy nổi bật lên là sắc thắm hoa đào - bà chúa của mùa Xuân: Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở.

Vì thế, mỗi khi Xuân sang, làng quê Việt như được ướp trong một mùi hương tinh khiết, dịu dàng. Chúng phát ra tín hiệu gọi mời, quyến rũ biết bao cánh bướm đa tình: bướm trắng, bướm vàng, bướm nâu, bướm đen, bướm chúa … Những nàng bướm xinh đẹp duyên dáng, lộng lẫy như những vị sứ giả mang những lá bùa nhiệm màu của tình yêu thả vào trái tim tương tư cho những mối tình giăng tơ, gian díu: Qua dậu tầm Xuân thấy bướm vàng/Bướm vàng vàng quá bướm yêu yêu. (Hết bướm vàng).

Làng quê trong thơ Xuân là một làng quê văn hóa: No đủ, yên ấm, thanh bình. Mà tâm điểm là ngày Tết âm lịch - một điểm nhấn văn hóa đặc sắc, ngày lễ trọng nhất trong năm. Dường như hồn xưa đất nước, những gì là quốc bảo, quốc túy, quốc hồn đều được hiện diện vào dịp Tết và chỉ thấy được rõ nhất trong ngày Tết chốn quê. Như một chiếc đũa thần nhiệm màu, Tết đã đánh thức phần tinh hoa trong mỗi con người, đã làm cho cuộc sống nơi thôn làng thật đáng sống: An nhiên và hạnh phúc. Dù trên thực tế, nông thôn xưa nghèo lắm. Cái thiếu đói không giấu nổi, vẫn bảng lảng trong sự xào xạc của phiên chợ Tết: Hàng quán người về nghe xao xác/Nợ nần năm hết hỏi lung tung. (Chợ đồng, Nguyễn Khuyến).

Bức tranh làng quê sống động

 

Nhưng mang tinh thần Carnaval, những người nông dân chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối vẫn tạo ra cho mình một sự thảnh thơi, mà họ hằng mơ ước: Chẳng phong lưu cũng ba ngày tết/Kiết cú như ai cũng rượu chè. (Tú Xương). Tạm quên nhọc nhằn cơ cực thường nhật, buông bỏ mọi nỗi buồn đeo bám, chọn lối sống tích cực, lạc quan, họ có thể hóa thân thành những anh hai, chị ba phong lưu, đắm đuối trong niềm hạnh phúc ngọt ngào, giữa bầu khí quyển đậm đặc tình yêu: Mùa Xuân mùa hội, mùa chơi/Đò đưa con mắt tiếng cười cũng đưa. (Dặn người đi hội một mình, Nguyễn Thị Mai).

Vào những ngày đầu năm mới, con người như trở về với tính bản thiện của mình. Trẻ em được mặc quần áo mới, được nghỉ học vui chơi; các cụ ông nhàn nhã uống rượu đề thơ, các cụ bà thư thái, từ tâm đi lễ Phật: Có những ông già tóc bạc phơ/Rượu đào đôi chén bút đề thơ/Những bà tóc bạc hiền như Phật/Sắm sửa hành trang chẩy hội chùa. (Thơ Xuân, Nguyễn Bính).

Vẻ đẹp của làng quê văn hóa ngày Xuân, đã tạo nên những rung động cho nhiều con tim mẫn cảm để rồi lặng lẽ đi vào thơ, làm nên hệ thống thơ Xuân với gam màu độc đáo. Phiên chợ Tết của Đoàn Văn Cừ (1913 - 2014) là một dấu mốc đâu dễ vượt qua. Bài thơ in lần đầu trên báo Tết Thời nay Xuân Kỷ Mão 1939. Cảnh quê, tình quê, hương quê thấm vào từng con chữ, toát ra từ mỗi con chữ, tạo thành những thông điệp nghệ thuật đi sâu vào vùng khuất lấp trong trái tim bạn đọc. Chúng đã giúp những thế hệ sau hiểu biết rất nhiều về làng quê Việt, về những năm tháng đã lùi xa vào quá khứ một đi không trở lại. Thậm chí: “Đọc một phóng sự dài về chợ Tết chưa chắc đã thu được nhiều tư liệu bằng đọc bài thơ này” (1).

Bằng những nét bút tinh xảo, nhà thơ đã đặc tả được một bức tranh làng quê vô cùng sống động: Thằng cu áo đỏ chạy lon xon/Vài cụ già chống gậy bước lom khom/Cô yếm thắm che môi cười lặng lặng lẽ, em bé nép đầu bên yếm mẹ/Hai người thôn gánh lợn chạy đi đâu/Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ/Thầy khóa gò lưng bên cánh phản/Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ Xuân… Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà/Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượu/Áo cụ lý bị người chen lấn kéo… Thật là mỗi người mỗi vẻ. Tất cả hợp lại thành bức tranh dân gian về làng quê Việt trong ngày áp Tết: Đầy ắp hương vị Tết, tràn ngập niềm hân hoan đón Tết.

Ở đồng bằng Bắc bộ còn có những phiên chợ Tết rất độc đáo: mỗi năm chỉ họp một lần như chợ Đồng (Vào 24 tháng Chạp) ở làng Và của Nguyễn Khuyến, hay chợ Viềng ở Nam Định (Vào 8 tháng Giêng)… Người ta đến chợ không để trao đổi hàng hóa mà chỉ cốt bán rủi mua may, cầu duyên hay cầu tài, cầu lộc. Với bà con đồng bào dân tộc ít người, phiên chợ ngày Xuân được coi như một ngày hội văn hóa: Vợ chồng xuống núi đi chợ Xuân/Sương sớm còn che như lấp lối/Vó ngựa cuốn nhanh chồng ríu chân/Vợ thương ghìm cương dừng ngựa lại. (Vợ chồng đi chợ Xuân, Bàng Sỹ Nguyên). Đó là ngày hội của đất trời, ngày hội của lòng người: có tiếng khèn náo nức, có tiếng suối róc rách reo vui, tiếng chim rừng hót mê say và muôn hoa dại bừng sắc thắm trên triền núi, có tiếng kèn lá thao thiết gọi bạn tình: Từng đôi lại từng đôi/Kèn lá nối đàn môi/Khăn piêu và khuy bạc/ Ô xoay che dáng người. (Chợ tết vùng cao, PhanThị Thanh Nhàn).

Tết ở làng quê Việt gắn với biết bao mỹ tục. Trung tâm và quan trọng nhất là tục thiêng gia đình sum họp. Xoay quanh nó là hàng loạt phong tục đẹp đẽ: Tục gói bánh chưng, bánh tét, giết lợn, giết gà đồ xôi… làm cỗ dâng lên ông bà tiên Tổ; tục dán câu đối đỏ, đốt pháo hồng trừ ma quỷ, đón giao thừa với những lời chúc tốt lành; tục mở hàng năm sớm, tục không nói lời bất nhã, mừng tuổi đầu năm, tổ chức mừng thọ người cao tuổi và nhất là tục khai bút đầu Xuân: Ình ịch đêm qua trống các làng/Ai ai mà chẳng rước Xuân sang/Rượu ngon nhắp giọng đưa vài chén/Bút mới xô tay thử mấy hàng/ (Khai bút, Nguyễn Khuyến); Khắp nơi vang lên tiếng pháo nổ để đuổi ma quỷ/Các nhà đều dán câu đối mới thay câu đối cũ. (Đêm trừ tịch, Nguyễn Bỉnh Khiêm).

Các mỹ tục ấy đã làm cho tình làng xóm thêm gắn bó; gia đình thêm hạnh phúc, đầm ấm; cuộc sống thêm yên vui tươi (vui như Tết). Khi một nhà có việc, lập tức mọi người chạy đến giúp rập, đâu kể sang hèn: Chú Táo đầu đình sang với tớ/Ông từ xóm chợ lại cùng ta. (Lên lão, Nguyễn Khuyến).

Trong thơ Xuân, làng quê được tiếp cận chủ yếu qua góc nhìn văn hóa, nên xuất hiện rất nhiều hội hè đình đám. Đứng đầu là hội chùa Hương, danh thắng được chúa Trịnh Sâm mệnh danh là Thiên Nam đệ nhất động: Hôm qua em đi chùa Hương,/Hoa cỏ còn mờ hơi sương/Cùng thầy me em vấn đầu soi gương. (Nguyễn Nhược Pháp). Rồi tiếp đến là hội Lim: Nón quai thao em thẹn thùng che má/Hát đắm say cho đứt ruột gan người/Hát như thể cuộc đời toàn nhàn hạ/Chỉ để yêu để nhớ, để thương. (Hội Lim, Nguyễn Đình Minh).

Và hàng ngàn lễ hội hội lớn nhỏ ở khắp các vùng quê, mà hội nào thì phần lễ cũng rất trang nghiêm còn phần hội thì thật vui vể với bao trò chơi dân gian vô cùng hấp dẫn: Cờ tướng, cờ người, đánh đu, ném còn: Ném lên quả còn cầu may/Ném lên quả còn cầu lộc/Hai cặp mắt tình tứ nhìn nhau/Quả còn trên tay mê ngủ. (Tung còn, Mai Liễu) hay: Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/Đôi hàng chân ngọc duỗi song song. (Chơi đu, Hồ Xuân Hương).

Nhìn chung, với những rung cảm mãnh liệt, với cách diễn đạt tinh tế bằng hình ảnh đẹp, với cấu trúc đầy chất trí tuệ, qua hệ thống tu từ sinh động, thơ Xuân về đề tài làng quê đã cho thấy đâu là cội nguồn sức mạnh Việt Nam. Mang vẻ đẹp đơn sơ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu, chúng đã đưa ta trở lại làng quê yêu dấu những ngày xưa êm ái, làm ta càng thêm gắn bó với quê hương xứ sở.

------------------

Tư liệu tham khảo

1.Vũ Quần Phương, Thơ quê hương và những lời bình, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, trang 47.

2.Đặng Thai Mai, Mấy ý nghĩ (Lời giới thiệu tập Từ ấy), NXB Văn Học Hà Nội, 1959.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ