“Làng phong” không còn... xa ngái!

Cụ Đỗ Văn Huấn, bệnh nhân cao tuổi nhất của “làng phong” thường xuyên được các y, bác sĩ động viên, chăm sóc
Cụ Đỗ Văn Huấn, bệnh nhân cao tuổi nhất của “làng phong” thường xuyên được các y, bác sĩ động viên, chăm sóc

Chuyện xưa…

Gần 50 năm trước, ở Thanh Hoá, một số huyện miền biển như Hoằng Hoá, Nga Sơn, Hậu Lộc và các huyện miền núi cao như Quan Sơn, Quan Hoá, Mường Lát... thường có nhiều người mắc bệnh phong. Sau một thời gian khảo sát, từ năm 1967 đến 1969, bệnh nhân phong của tỉnh Thanh Hoá được tập trung chữa bệnh tại làng Tô, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thuỷ.

Lúc bấy giờ, khu điều trị bệnh và khu nhà ở mới chỉ là những dãy nhà cấp 4 nằm chênh vênh giữa thung lũng, rừng rậm. Tứ bề là núi đá vôi sừng sững bao bọc lấy thung lũng như một “ốc đảo” mà trong đó có hơn chục con người cùng các y, bác sĩ của Trung tâm Phòng, chống bệnh da liễu Thanh Hoá. Nghiễm nhiên, những bệnh nhân sống ở đó đều trở nên xa lạ với thế giới bên ngoài. Những biểu hiện, triệu chứng ở giai đoạn bệnh nặng khiến cơ thể người bệnh trở nên dị dạng như mất một phần chân, tay, mắt mờ… Cái tên bệnh “hủi”, bệnh “cùi” đã trở thành nỗi khiếp sợ chung lúc bấy giờ.

Bác sĩ Nguyễn Anh Việt - Trưởng Khoa điều trị phong, Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa kể, khoảng hơn 40 năm về trước, ngôi làng này không có tên trong địa giới hành chính. Lúc bấy giờ, người ta quen gọi đây là “làng phong” - tức là nơi sinh sống của những người bị bệnh phong. Ngày trước, khi chưa có thuốc điều trị, những ai mắc phải căn bệnh này đều bị người đời gọi là “hủi” hay “cùi”. Những ánh mắt kỳ thị, xa lánh của người dân xung quanh, thậm chí họ luôn sống trong cảnh bị gia đình và người thân hắt hủi. Âu cũng là chuyện không thể tránh được, bởi vậy, những người mắc căn bệnh này thường tìm nơi rừng sâu hẻo lánh hay vùng biển vắng vẻ để sống nốt quãng đời còn lại.

“Từ năm 1983, khi có thuốc đặc trị bệnh phong, nếu người bị bệnh được phát hiện kịp thời, đi chữa trị ngay thì chỉ sau thời gian điều trị ngắn sẽ khỏi hẳn. Vi khuẩn bệnh phong tồn tại ở môi trường trong thời gian ngắn, khó lây lan. Những loại thuốc điều trị mới sẽ kiểm soát được một thời gian dài vi khuẩn từ người bệnh ra ngoài không gian. Vì vậy, việc lây lan căn bệnh này là rất khó nên nhận thức của người dân đối với bệnh nhân phong đã dần thay đổi” - bác sĩ Việt cho hay.

Ông Mai Văn Mùi (76 tuổi) ở “làng phong” trò chuyện với phóng viên
  • Ông Mai Văn Mùi (76 tuổi) ở “làng phong” trò chuyện với phóng viên

Không còn xa ngái

Khu điều trị bệnh phong đã được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố trên diện tích rộng hơn 15ha, với hai phân khu: Khu điều trị với 50 giường bệnh; khu nhà ở, sinh hoạt của các hộ gia đình bệnh nhân phong cả những người đã khỏi bệnh xin ở lại sinh sống. Ngoài ra, còn có 12ha diện tích đất dành cho gia đình các bệnh nhân sản xuất gồm ao nuôi cá, đất trồng cây, đất vườn, nhà ở cho bệnh nhân.

Hiện tại, làng phong có gần 30 gia đình là những bệnh nhân điều trị lâu dài, thậm chí có người khỏi bệnh xin ở lại đây sinh sống vì họ không muốn trở về địa phương. Phần vì mặc cảm, phần vì những bệnh nhân này đã gắn bó với từng cây ngô, củ sắn nơi này. Trung tâm còn tạo điều kiện xây dựng nhà, cấp đất sản xuất cho các bệnh nhân này. Xung quanh những căn nhà là cây ăn quả, ao cá. Ngoài ra, các hộ gia đình còn chăn nuôi thêm con gà, con lợn để bảo đảm cuộc sống.

Ông Mai Văn Mùi (76 tuổi), quê ở xã Nga Trung, huyện Nga Sơn với đôi chân, đôi bàn tay bị bệnh phong ăn mòn, khuôn mặt nham nhở đang cặm cụi xới đất đắp cho những gốc rau bằng động tác nhọc nhằn như một minh chứng cho niềm vui được lao động. Ông Mùi kể, ông lên đây từ năm 1977, ban đầu cứ tưởng đời sẽ chẳng còn gì nữa khi mắc bệnh này. Ở thời điểm ông vào “làng” khi bệnh đã chuyển biến nặng, nên buộc phải cắt đi 2 chân và tháo hết 10 ngón tay. Lúc bây giờ, ông không thể lao động, chỉ có thể sống dựa vào sự đùm bọc của “hàng xóm”, của các bác sĩ và hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Được các bác sĩ chăm sóc, chữa trị, nên ông quyết định ở lại nơi đây chữa bệnh và sống vui vẻ đến bây giờ.

Trước kia, người thân của bệnh nhân phong gặp rất nhiều khó khăn trong việc đến trường hoặc xây dựng hạnh phúc với những người bình thường. Giờ đây, sự kỳ thị đó đã không còn nữa. Con em bệnh nhân lấy chồng, lấy vợ trên nền tảng tình yêu thương như chị Hà Thị Nga - con của bệnh nhân phong Hà Văn Hiệp, lấy chồng ở xã Cẩm Phong. Anh Vũ Văn Oánh - con của bệnh nhân Hoàng Thị Thoả lấy chị Phạm Thị Thu ở làng Tô, hiện sinh sống ở “làng phong”...

Tại “làng phong” bây giờ, tất cả con em trong độ tuổi đều được đến trường, theo học tại các trường cao đẳng, dạy nghề. Trường hợp của bệnh nhân Trịnh Xuân Tỵ (66 tuổi, quê ở huyện Nga Sơn), cả hai vợ chồng đều mắc bệnh phong. Ông bà có hai người con, một đang công tác tại Trường THCS xã Điền Quang (Bá Thước), còn một người đang làm cho một công ty tại Hà Nội, thu nhập tương đối ổn định. Anh Trịnh Văn Tuấn, con bệnh nhân Trương Thị Viên (huyện Nga Sơn) hiện làm công nhân hàn công nghệ cao, hay trường hợp chị Trương Thị Nhung (30 tuổi) con bệnh nhân Đặng Thị Nha (huyện Hoằng Hóa) làm tại công ty du lịch ngoài Hà Nội...

“Hiện nay khu điều trị bệnh phong được Nhà nước quan tâm, xây dựng cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, người bệnh được thừa hưởng mọi chế độ chính sách như thuốc men, sinh hoạt, địa phương luôn tạo điều kiện cấp đất sản xuất cho bà con ổn định cuộc sống, con cháu đi học được miễn giảm mọi khoản đóng góp. “Làng phong” hôm nay không còn hoang vắng, xa ngái, buồn tủi như trước kia nữa. Các gia đình nơi đây, đội ngũ y, bác sĩ cùng chính quyền địa phương đang tìm hướng đi mới để bảo đảm cuộc sống cho mỗi người”Ông Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Bình - cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.