Lằng nghe để tư vấn học sinh lớp 10 muốn đổi môn tự chọn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Học sinh muốn thay đổi môn lựa chọn rất cần sự tư vấn của các nhà trường...

Học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trong giờ học môn Mỹ thuật.
Học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trong giờ học môn Mỹ thuật.

Dù số lượng học sinh muốn thay đổi môn lựa chọn không nhiều, nhưng chủ trương của các trường THPT đều sẽ tìm hiểu nguyện vọng của gia đình, năng lực học tập, sở thích… để có những tư vấn và đưa ra lộ trình bổ sung kiến thức phù hợp.

Lắng nghe nguyện vọng

Trường THPT Bình Sơn (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) vừa có một học sinh có đơn xin thay đổi môn lựa chọn sau khi hoàn thành xong năm học lớp 10. Theo đó, em học sinh này xin chuyển từ lớp đang học tổ hợp môn lựa chọn chủ yếu thuộc các môn xã hội sang tổ hợp môn lựa chọn các môn thuộc ban tự nhiên.

Thầy Phạm Thạch Sinh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Gia đình chỉ trình bày nguyện vọng được đổi môn lựa chọn chứ không đưa ra lý do năng lực không phù hợp hay học sinh thay đổi định hướng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, chúng tôi phân tích với phụ huynh rằng do tổ hợp môn lựa chọn em đang theo học và các môn lựa chọn theo nguyện vọng điều chỉnh không có sự giao thoa nào cả. Vì vậy, nếu thay đổi, thì trong thời gian nghỉ hè, em phải bổ sung kiến thức của ít nhất là 2 môn học Lý – Hóa hoặc Hóa – Sinh. Đây là một thử thách không phải học sinh nào cũng có thể hoàn thành được chỉ với chưa đầy 3 tháng hè”.

Sau tư vấn của nhà trường, phụ huynh của học sinh xin được có thời gian để suy nghĩ lại. Thầy Phạm Thạch Sinh khẳng định, nhà trường sẽ tư vấn tỉ mỉ và cụ thể cho học sinh, phụ huynh để có quyết định phù hợp nhất. Trong điều kiện học sinh vẫn quyết định muốn thay đổi môn lựa chọn, nhà trường sẽ có những hỗ trợ để các em bổ sung kiến thức theo đúng hướng dẫn.

Trường THPT Minh Long (huyện Minh Long, Quảng Ngãi) trong cuộc họp phụ huynh khối lớp 10 vào ngày 23/5 đã thông báo đến phụ huynh các thông tin có liên quan đến việc thay đổi môn lựa chọn.

Thầy Lê Ngọc Đức – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tuy nhiên, qua nắm tình hình từ giáo viên chủ nhiệm thì đến nay, chưa có phụ huynh, học sinh nào có nguyện vọng muốn thay đổi môn lựa chọn. Đầu năm học, trước khi đăng ký nhóm môn lựa chọn, nhà trường đã tư vấn kỹ dựa trên nguyện vọng, kết hợp với bảng điểm học tập các năm học ở THCS và định hướng nghề nghiệp tương lai của học sinh để có lựa chọn phù hợp.

Nhưng nếu có học sinh thay đổi nguyện vọng, nhà trường sẽ vẫn tìm hiểu nhu cầu của từng em để có sự tư vấn, điều chỉnh phù hợp, dù có thể dẫn đến một số xáo trộn trong sắp xếp lớp, giúp học sinh bổ sung kiến thức...”.

Thầy Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) gắn bảng tên trong lễ đón học sinh lớp 10 vào trường dịp khai giảng năm học mới.

Thầy Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) gắn bảng tên trong lễ đón học sinh lớp 10 vào trường dịp khai giảng năm học mới.

Điều chỉnh sớm để tránh sự xáo trộn

Sau 2 tuần đầu tiên của năm học 2022 – 2023, em Nguyên Khoa, lớp 10/12, Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ, Quảng Nam) xin được đổi lớp. “Lúc đăng ký, em lựa chọn nhóm môn Lý - Hóa - Địa - Giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhưng sau 2 tuần học thì em thấy không phù hợp với một số một môn. Em tham khảo ý kiến của ba mẹ, hỏi thêm thầy cô giáo để nhờ tư vấn và đã quyết định đổi sang nhóm môn Lý – Hóa – Sinh và Công nghệ. Đây là những môn học em yêu thích nên em có thêm động lực để học, điểm số của em vì vậy cũng khá tốt”, Khoa cho biết.

Trường THPT Trần Cao Vân chủ trương cho học sinh thay đổi nguyện vọng các môn học lựa chọn sau 2 tuần học đầu tiên nếu cảm thấy không phù hợp, không đúng với sở thích và năng lực của bản thân. Việc tạo điều kiện cho học sinh thay đổi nguyện vọng đã đăng ký từ sớm sẽ không ảnh hưởng đến kết quả tổng kết cuối học kỳ.

Trường THPT số 2 Tư Nghĩa (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cũng chủ động cho học sinh thay đổi nguyện vọng trong 2 tuần đầu tiên của năm học. Nhà trường đã làm việc với phụ huynh và học sinh để giải thích kỹ lưỡng về lựa chọn này. Việc sớm thay đổi nguyện vọng, theo Ban giám hiệu nhà trường, sẽ giúp học sinh theo kịp chương trình. Theo đó, trong những tuần đầu tiên, các em chủ yếu học nối tiếp chương trình bậc THCS nên thời gian bổ túc cho môn học là không quá nhiều và vẫn có thể nắm được kiến thức chính của môn học.

Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có thể điều chỉnh nguyện vọng ngay trong thời gian đầu của năm học. Như em Mỹ Duyên, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) học sinh lớp 10/5, qua gần hết học kỳ I mới phát hiện ra mình không phù hợp với môn Vật lý.

Duyên cũng định hướng sẽ thi đại học theo khối B nên trong tổ hợp môn cũng không có môn Vật lý. Để đủ điều kiện chuyển qua môn tự chọn là Hóa học, Duyên đã chủ động tìm chỗ để học thêm môn Hóa và tăng thời gian tự học cho môn này để đăng ký thay đổi khi kết thúc năm học lớp 10.

Thầy Phạm Thạch Sinh cho biết: “Khó khăn lớn nhất của các trường THPT hiện nay trong tư vấn, giải quyết nguyện vọng chuyển đổi môn tự chọn của học sinh là các trường đại học hầu hết đều chưa công bố định hướng các tổ hợp môn tuyển sinh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phụ huynh, học sinh vì vậy đều dựa trên những tổ hợp môn tuyển sinh ở thời điểm hiện tại để đăng ký các môn tự chọn. Không những phụ huynh mà cả nhà trường cũng có sự lúng túng nhất định khi tư vấn tuyển sinh”.

Cũng theo thầy Sinh, từ thực tế theo dõi kết quả học tập của học sinh, với nhóm môn lựa chọn Lý – Hóa – Sinh thì các em chỉ tập trung học 2 môn Lý – Hóa hoặc Hóa – Sinh, môn còn lại kết quả học tập rất thấp.

Theo thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (Đà Nẵng), hiện nay, các trường THCS chỉ mới triển khai công tác hướng nghiệp – tư vấn tuyển sinh cho học sinh lớp 9 theo chương trình cũ. Việc trường THCS chưa tiệm cận với chủ trương chọn nhóm môn học lựa chọn ở bậc THPT cũng là một trong những hạn chế khiến phụ huynh thiếu thông tin khi tìm hiểu, đăng ký cho con em sau khi trúng tuyển vào lớp 10 chương trình mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ