Lắng nghe cơ sở để xây dựng tài liệu sát với thực tế

GD&TĐ - Xây dựng tài liệu nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên và tổ chức hoạt động của trường PTDTNT cần những góp ý thẳng thắn.

Ông Nguyễn Văn Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ GD&ĐT, phát biểu tại Hội thảo.
Ông Nguyễn Văn Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ GD&ĐT, phát biểu tại Hội thảo.

Ngày 14/9, tại tỉnh Tuyên Quang, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo khảo sát xây dựng tài liệu tập huấn quy chế trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và tài liệu nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên quản lý và tổ chức các hoạt động của trường PTDTNT.

Mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng – chuyên viên chính, Vụ giáo dục Dân tộc, Bộ GD&ĐT, chia sẻ: “Hội thảo là cơ hội để Ban soạn thảo tài liệu lắng nghe khó khăn, vướng mắc của các trường PTDTNT trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung giáo dục đặc thù.

Các trường có thể đưa ra những đề xuất, góp ý để đội ngũ chuyên gia soạn thảo tài liệu nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên quản lý và tổ chức hoạt động của trường PTDTNT xây dựng bộ tài liệu phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ tối đa trong công tác quản lý và chỉ đạo của các trường trên toàn quốc”.

Chia sẻ tại Hội thảo, thầy Phan Trường Giang PTDTNT THCS – THPT Lâm Bình (Tuyên Quang) cho hay: “Hiện nay, các trường PTDTNT THCS – THPT giới hạn lứa tuổi cho học sinh rộng, do đó quá trình tổ chức các hoạt động ngoại khoá, giáo dục kỹ năng sống, giới tính nhà trường phải tổ chức phân loại nhiều nhóm học sinh. Ví dụ, lớp 6 sẽ tổ chức khác với học sinh lớp 9 lại càng khác với học sinh THPT, vì vậy chúng tôi mong muốn có bộ tài liệu hướng dẫn cụ thể để triển khai tốt hơn”.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Tương tự, thầy Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nội trú huyện Na Hang, nói: Đối với quy định về tuyển thẳng chưa có hướng dẫn chi tiết. Trong khi đó, quá trình tuyển sinh phụ huynh đưa ra những chứng nhận của học sinh đạt được về cuộc thi do các công ty tổ chức chúng tôi không biết xử lý như thế nào?.

Thầy Anh Tuấn cho biết thêm, một khó khăn mà trường phải đối mặt là hoạt động trải nghiệm do điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí vì học sinh từ 6 đến 12 có 70% học sinh nghèo, cận nghèo. Do đó, nhà trường ưu tiên cho các em học sinh lớp 12.

Cũng liên quan đến vấn đề tuyển sinh đầu cấp mà đại diện các trường đưa ra, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Ngọc Hiến – Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học chia sẻ: Trong kế hoạch tuyển đầu năm học, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn cụ thể về đối học sinh được tuyển thẳng vào trường PTDTNT đối với các lớp đầu cấp, các trường và phòng giáo dục căn cứ vào kế hoạch đã được phê duyệt để triển khai thực hiện.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của trường về công tác triển khai công tác giảng dạy trong trường PTDNT, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT Nội trú tỉnh Nghệ An, thành viên Ban soạn thảo tài liệu cũng đề xuất các trường chia sẻ về khó khăn, những vấn đề thắc mắc trong quá trình triển khai hoạt động trải nghiệm. Để qua đó, Ban soạn thảo nắm được thêm thông tin và xây dựng tài liệu sát với thực tế để có thể hỗ trợ tối đa cho các trường trong quá trình triển khai.

Tại Hội thảo, Vụ Giáo dục Dân tộc cũng lấy ý kiến khảo sát từ Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và nhà trường về việc xây dựng tài liệu truyền thông, tuyên truyền về các tấm gương học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số có tinh thần vươn lên học tập để thoát nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.