Lăng mộ vợ vua Tự Đức sẽ được xây lại như thế nào?

GD&TĐ - Các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đang lên phương án xây dựng lại khu lăng mộ của vợ vua Tự Đức theo phong cách hoàng gia.

Khu lăng mộ vợ vua Tự Đức được làm tạm tại vị trí huyệt mộ cũ, chờ xây dựng mới theo phong cách Hoàng gia.
Khu lăng mộ vợ vua Tự Đức được làm tạm tại vị trí huyệt mộ cũ, chờ xây dựng mới theo phong cách Hoàng gia.

Sau 5 năm dự án bãi đỗ xe “lỡ” san ủi nhầm lăng mộ vợ vua Tự Đức, đến nay các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đang lên phương án xây dựng lại khu lăng mộ này.

Giữ nguyên lăng mộ vợ vua Tự Đức

Vào đầu năm 2017, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chuỗi Giá Trị (trụ sở đóng tại Huế) khi thực hiện dự án bãi đỗ xe lăng Tự Đức - Đồng Khánh cách lăng vua Tự Đức khoảng 1km (thuộc phường Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã để đơn vị thi công san ủi một lăng mộ khá lớn mà theo người dân địa phương xung quanh cho rằng đó là lăng của vợ vua Tự Đức.

Dự án bãi đỗ xe tham quan lăng Tự Đức – Đồng Khánh vào năm 2017 đã “lỡ” san ủi khu lăng mộ vợ vua Tự Đức.

Dự án bãi đỗ xe tham quan lăng Tự Đức – Đồng Khánh vào năm 2017 đã “lỡ” san ủi khu lăng mộ vợ vua Tự Đức.

Ngày 24/6/2017, Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc cùng các cơ quan chức năng tìm thấy tấm bia đá của lăng mộ này nằm gần nơi bị san ủi có ghi nội dung: “Tiền triều tài nhân Cửu giai Lê Thị, thụy Thục Thuận chi mộ” (dịch nghĩa “Mộ phần của bà Tài nhân họ Lê, tên thụy là Thục Thuận).

Đối chiếu với bài vị bằng gỗ sơn son thếp vàng thờ trong lăng Tự Đức gần đó trên ghi dòng chữ “Tài nhân thụy Thục Thuận Lê thị” thì PGS.TS Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - khẳng định, tấm bia này thuộc ngôi mộ bị san ủi là của vợ vua Tự Đức.

Sau đó, Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc đã tìm thấy huyệt mộ của vợ vua Tự Đức cách vị trí tìm thấy tấm bia đá không xa. Nhiều lớp gạch đặc trưng thời Nguyễn xây mộ vẫn còn nguyên vẹn cách mặt đất khoảng 0,3m với chiều rộng 1,2m, chiều dài 2,4m.

Đại diện Công ty Chuỗi Giá Trị cho biết, quá trình thực hiện dự án ban đầu, đơn vị đã sơ suất “lỡ” san ủi mộ của vợ vua Nguyễn do khu vực này có nhiều mồ mả, cây cối nên đã không chú ý; và hứa sẽ dựng lại ngôi mộ như ban đầu trên sự góp ý của các chuyên gia và tham vấn ý kiến của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Qua nhiều lần xin phép, Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc Huế đã làm một ngôi mộ tạm thời tại vị trí huyệt mộ và dựng tấm bia đá phía đầu mộ, xung quanh là lưới che chắn, phía trên có mái tôn để che nắng mưa cho ngôi mộ của vợ vua Nguyễn. Song song, Hội đồng này đã bày tỏ mong muốn, thiết tha được giữ lại lăng mộ vợ vua Tự Đức ở vị trí cũ dù Dự án có triển khai.

Từ những đề xuất thiết đáng trên, qua thời gian dài ngưng trệ bởi dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vào 8/2022 đã ra văn bản gửi đến các sở, ngành liên quan, cùng với Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chuỗi Giá Trị (chủ đầu tư Dự án bãi đỗ xe).

Ông Phương đã thống nhất chủ trương thực hiện Dự án bãi đỗ xe tham quan lăng Tự Đức - Đồng Khánh theo phương án giữ nguyên vị trí khu lăng mộ bà Tài nhân họ Lê - vợ vua Tự Đức.

Phương tiện thi công dừng lại sau khi người dân phản ánh và Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc phát hiện khu lăng mộ bị san ủi.

Phương tiện thi công dừng lại sau khi người dân phản ánh và Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc phát hiện khu lăng mộ bị san ủi.

Sẽ xây theo phong cách Hoàng gia

Tại khu vực Dự án bãi đỗ xe sắp được tiến hành, các đơn vị sẽ sắp xếp, khoanh vùng trên phạm vi diện tích khoảng 200m2để sử dụng cho việc khôi phục, xây dựng lại ngôi lăng mộ vợ vua Tự Đức, trồng cây xanh tạo cảnh quan và lối ra vào lăng mộ.

Theo mô tả của người dân xung quanh ngôi mộ bà Tài nhân họ Lê này, trước khi bị san ủi, ngôi lăng mộ này tọa lạc trên diện tích đất khoảng 40m2, có cổng hình vòm, phần tường xây khá cao, trong lăng có một tấm bia khắc chữ Hán bằng đá xanh nguyên khối.

Các tường, trụ lăng vợ vua bị cày ủi.

Các tường, trụ lăng vợ vua bị cày ủi.

Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì, làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao; Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chuỗi Giá Trị và các cơ quan, đơn vị liên quan để thống nhất phương án, thủ tục, trách nhiệm các bên liên quan đối với từng hạng mục công việc trong quá trình triển khai, đảm bảo đúng quy định hiện hành, hiện các bên đang lên phương án cụ thể để tiến hành xây dựng lại khu lăng mộ nói trên.

Theo kế hoạch, phương án xây dựng lại lăng mộ vợ vua Tự Đức được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng các cơ quan, ban ngành, tổ chức và doanh nghiệp họp bàn để thống nhất. Kết quả cuộc họp đã đồng nhất ý kiến xây dựng lăng vợ vua Tự Đức tại vị trí cũ theo các kiểu lăng Tài nhân Hoàng gia triều Nguyễn do Phòng Nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tìm hiểu, sưu tầm.

Tấm bia đá của lăng mộ ghi “Tiền triều Tài nhân Cửu giai Lê thị, thụy Thục Thuận chi mộ” (dịch nghĩa “Mộ phần của bà Tài nhân họ Lê, tên thụy là Thục Thuận”).

Tấm bia đá của lăng mộ ghi “Tiền triều Tài nhân Cửu giai Lê thị, thụy Thục Thuận chi mộ” (dịch nghĩa “Mộ phần của bà Tài nhân họ Lê, tên thụy là Thục Thuận”).

Các bên đã xem xét để chọn mẫu lăng bà Tài nhân họ Nguyễn ở đường Bùi Thị Xuân (TP Huế) để áp dụng vào xây lăng bà Tài nhân họ Lê - vợ vua Tự Đức nói trên.

Cụ thể, lăng mộ sẽ nằm trong khuôn viên 200m2 (chiều rộng 11m, chiều dài 18m) được lát gạch và trồng cây cảnh. Diện tích xây dựng lăng là 35,7m2 với chiều rộng 4,7m, chiều dài 7,6m. Khu lăng mộ được làm theo phong cách Hoàng gia này sẽ có kết cấu gồm cổng lăng, tường bao, bình phong...

Trong quá trình thi công xây dựng lăng, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chuỗi Giá Trị sẽ mời Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tham dự, chứng kiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.