Trong số ít những lăng tẩm đế vương vẫn còn nguyên vẹn cho tới ngày hôm nay, nơi an nghỉ của Nữ đế Võ Tắc Thiên là một trong những địa danh sở hữu nhiều giai thoại kỳ bí nhất Trung Hoa.
Hơn một thiên niên kỷ qua đi, lăng mộ của vị Hoàng đế nhà Võ Chu ấy vẫn được xem như một thành trì bất khả xâm phạm dù đã trải qua không ít những biến động của lịch sử.
Và cho tới ngày nay, người đời vẫn thường kể cho nhau nghe những giai thoại về "lời nguyền" của Càn Lăng – nơi an táng của Võ Tắc Thiên cùng người chồng là Đường Cao Tông Lý Trị.
Là Nữ đế nhưng không có lăng tẩm riêng, Võ Tắc Thiên được chôn cất ở đâu sau khi qua đời?
Tranh chân dung Nữ đế Võ Tắc Thiên (bên trái) và hình tượng được xây dựng trong một tác phẩm truyền hình.
Võ Tắc Thiên (624 – 705), thường được gọi là Vũ Tắc Thiên hay Võ hậu hoặc Thiên hậu. Bà từng là một phi tần trong hậu cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau đó lại trở thành Hoàng hậu của Cao Tông Lý Trị và cuối cùng quang minh chính đại bước lên ngai vị Nữ đế lập ra nhà Võ Chu.
Trong số ít những người phụ nữ nắm quyền của lịch sử Trung Hoa, Võ Tắc Thiên chính là Nữ hoàng đế duy nhất được chính sử công nhận.
Tại vị trên ngai vàng trong 15 năm, bà đã thi hành nhiều chính sách có lợi cho quốc gia như mở mang lãnh thổ, khuyến khích phát triển Phật giáo, tăng cường phát triển kinh tế - xã hội...
Tuy nhiên trong xã hội đặt nặng quan niệm "trọng nam khinh nữ" như thời bấy giờ, việc một người phụ nữ như Võ Tắc Thiên lên ngôi lại trở thành cái gai trong mắt nhiều người.
Đây cũng là lý do mà vào năm 705, Tể tướng đương triều cùng các đại thần đã phát động binh biến ép Võ hậu thoái vị và đưa Đường Trung Tông lên ngôi.
Giang sơn nhà Lý Đường với sự thống trị của các nam Hoàng đế nhà họ Lý cũng nhờ vậy mà được phục dựng lại, còn Võ Tắc Thiên sau đó bị giam lỏng tại biệt cung cho đến khi qua đời ở tuổi 82.
Mặc dù đã dùng đủ mọi thủ đoạn để có thể lên ngôi Hoàng đế và sáng lập ra vương triều của mình, nhưng Võ Tắc Thiên vẫn phải trả lại giang sơn cho nhà Lý Đường vì nhiều lý do. (Ảnh minh họa).
Theo di nguyện trước lúc lâm chung, di hài của bà được hợp táng vào Càn lăng cùng Đường Cao Tông. Bia mộ trước khu lăng tẩm này cũng được để trống hoàn toàn (Vô tự bia) với ý nghĩa là để đời sau phán xét.
Nơi an nghỉ của Võ Tắc Thiên và chồng tọa lạc trên đỉnh núi Lương Sơn, nay đã trở thành một công trình kiến trúc nổi tiếng thuộc huyện Càn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Dù đã trải qua ít nhất 17 lần cướp phá, trong đó có lần số người huy động lên đến 400 ngàn, thế nhưng địa cung Càn Lăng với di hài của hai vị Hoàng đế và ước chừng khoảng 800 tấn châu báu vẫn là một nơi bất khả xâm phạm.
Xung quanh lăng mộ ngàn năm vẫn "thi gan cùng tuế nguyệt" ấy, hậu thế thường truyền tai nhau những giai thoại ly kỳ về "lời nguyền" dành cho những kẻ dám đến đây phá rối giấc ngủ của hai vị Hoàng đế bên trong.
17 lần xâm phạm bất thành và những giai thoại về "lời nguyền" xoay quanh mộ Võ Tắc Thiên
Có nhiều giả thiết cho rằng mộ của Võ Tắc Thiên và Đường Cao Tông Lý Trị cất giấu một số lượng kho báu khổng lồ lên tới hàng trăm tấn bên trong địa cung.
Là nơi an nghỉ của cặp vợ chồng hiếm hoi trong lịch sử Trung Hoa cùng làm Hoàng đế, lăng tẩm chôn cất Võ Tắc Thiên và Đường Cao Tông luôn trở thành mục tiêu chinh phục của giới trộm mộ thuộc nhiều triều đại khác nhau.
Căn cứ vào các ghi chép thì Càn Lăng ít nhất đã trải qua tới trên dưới 17 lần bị xâm phạm. Thế nhưng hết thảy những âm mưu ấy vẫn chẳng thể mảy may chạm tới nơi an nghỉ của vị Nữ đế nổi tiếng một thời.
Trong số đó, những lần đục phá nghiêm trọng nhất phải kể tới 3 vụ trộm xảy ra vào 3 thời kỳ khác nhau dưới đây.
Lần thứ nhất diễn ra vào cuối thời nhà Đường khi nghĩa quân Hoàng Sào dấy binh tạo phản. Tương truyền rằng người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này đã đem 40 vạn binh tới đào bới đồi Lương Sơn, thậm chí còn vạt hẳn một nửa quả đồi.
Thế nhưng điều kỳ lạ là nhóm người đông đảo này dù có đào xới tứ tung nhưng cũng không thể tìm ra phương hướng tiếp cận ngôi mộ của Võ Tắc Thiên. Âm mưu trộm mộ cũng vì vậy mà bị phá hỏng từ trong trứng nước.
Quy mô bề thế và phạm vi rộng lớn của lăng mộ Võ Tắc Thiên từng trở thành yếu tố giúp nơi an nghỉ của vị Nữ đế này tránh được lần xâm phạm nghiêm trọng thứ nhất vào cuối thời nhà Đường.
Lần xâm phạm nghiêm trọng thứ hai xảy ra dưới thời Ngũ Đại thập quốc, do Tiết độ sứ Diệu Châu là Ôn Thao cầm đầu. Đã từng đào trộm 17 ngôi mộ của hoàng gia nhà Đường, mộ tặc họ Ôn này những tưởng cũng có thể "xơi tái" lăng mộ của Võ Tắc Thiên một cách dễ dàng.
Tuy nhiên người tính không bằng trời tính, khi đám người của Ôn Thao đang đào bới Càn Lăng thì một sự kiện "kinh thiên động địa" theo đúng nghĩa đen đã xuất hiện.
Có giai thoại truyền lại rằng, vào ngày đầu tiên Ôn Thao đem quân tới xâm phạm Càn Lăng, bầu trời còn đang trong xanh chỉ trong chớp mắt đã trở nên âm u mịt mù, gió thổi như lốc tưởng chừng như muốn cuốn phăng mọi thứ.
Chính điều này đã khiến nhóm mộ tặc buộc phải nhiều lần dừng tay giữa chừng. Thế nhưng điều kỳ lạ là hễ cứ dừng tay thì trời lại trở nên trong vắt, còn bắt tay vào đào mộ thì tiết trời lại mịt mù như sắp có bão.
Ngay cả khi cố tình liều mạng để đào mộ, thì nhóm người của Ôn Thao hết kẻ này đến kẻ khác bỏ mạng vì tai nạn hoặc bệnh tật. Sau đó vì quá sợ hãi, những kẻ này đã "bỏ của chạy lấy người" và không dám có ý định xâm phạm Càn Lăng thêm lần nữa.
Giai thoại về lăng tẩm biết "hô mưa gọi gió" của Võ Tắc Thiên đã khiến giới mộ tặc không khỏi e dè trước địa điểm này trong suốt nhiều thế kỷ. (Ảnh minh họa).
May mắn trụ vững qua thời kỳ hoàng kim của các loại vũ khí lạnh, lăng mộ của Võ Tắc Thiên lại phải nghênh đón những trận công phá đến từ vũ khí nóng. Và lần công phá nghiêm trọng thứ ba xảy ra vào thời kỳ Dân quốc, do tướng quân Tôn Liên Trọng cầm đầu.
Vị tướng họ Tôn này đã lấy danh nghĩa diễn tập quân sự để điều động binh lính cùng vũ khí tới Càn Lăng. Thế nhưng cũng giống như Ôn Thao, Tôn Liên Trọng và đội quân của mình đã phải đối diện với những hiện tượng hết sức rùng rợn.
Tương truyền rằng khi mới nã đợt pháo thứ nhất, bên trong lăng mộ Võ Tắc Thiên bỗng nhiên tỏa ra một làn khói trắng. Làn khói ấy cứ vần vũ xung quanh đám người, sau đó bay lên trời và hóa thành gió bão khiến đất trời tối tăm mù mịt.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, đoàn binh tham gia đào mộ ngày hôm đó của Tôn Liên Trọng bất ngờ có 7 người hộc máu ra chết tại chỗ.
Các hiện tượng kỳ lạ cùng những giai thoại rùng rợn từng được truyền lưu về nơi an nghỉ của Nữ hoàng họ Võ đã khiến đám binh lính ấy bỏ cả mũ giáp rồi tháo chạy. Sau này cũng chẳng còn ai dám bán mạng cho Tôn Liên Trọng để đào trộm ngôi mộ ấy.
Cũng giống như cuộc đời có nhiều ẩn tình của Võ Tắc Thiên, bí mật phía trong nơi an nghỉ của bà cho tới ngày nay vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải trong lịch sử Trung Quốc.
Trải qua hơn 1300 năm với không ít biến cố, Càn Lăng vẫn sừng sững tọa lạc trên đỉnh Lương Sơn, và những giai thoại về "lời nguyền" xoay quanh khu lăng tẩm ấy vẫn được hậu thế kể cho nhau nghe trong những lúc trà dư tửu hậu…