Lặng lẽ Đoàn Vị Thượng

GD&TĐ - Sau một thời gian lâm trọng bệnh, nhà thơ - nhà báo Đoàn Vị Thượng - tác giả bài thơ “Bụi phấn” - đã giã từ cõi tạm trưa ngày mùng 5 Tết (16/2).

Nhà thơ - nhà báo Đoàn Vị Thượng (người cầm đàn) và nhà báo Hoàng Công Chương. Ảnh Internet
Nhà thơ - nhà báo Đoàn Vị Thượng (người cầm đàn) và nhà báo Hoàng Công Chương. Ảnh Internet

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng tên thật là Trần Quang Đoàn, có thời gian hơn 20 năm công tác tại Báo GD&TĐ và đảm nhận chức vụ Phó Trưởng Cơ quan thường trú từ năm 2010 cho tới khi nghỉ hưu (tháng 6/2019). Trước khi chuyển sang làm báo, ông từng có thâm niên 10 năm làm giáo viên. 

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng có nhiều tác phẩm đã xuất bản: Ngôi trường, hoa phượng và tôi (thơ, 1987), Thơ Đoàn Vị Thượng (1988), Chuyện tình chim hót (truyện dài, 1989), Môi thơm (truyện dài, 1990); Tóc em còn thả mùa đi học (truyện dài, 1991)… Gần đây nhất là tập thơ Đoàn Vị Thượng được nhà thơ Từ Nguyên Thạch (anh trai của nhà thơ Đoàn Vị Thượng) cùng một số anh em thân hữu hỗ trợ ấn hành, ra đời kịp lúc trước khi ông giã biệt thế gian. 

Đặc biệt, bài thơ “Bụi phấn” do nhà thơ Đoàn Vị Thượng sáng tác đã nhận được sự đồng cảm sâu sắc của ngành sư phạm nói riêng và cộng đồng nói chung. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lúc bấy giờ là bà Nguyễn Thị Bình đã trao tặng bằng khen cho ông vì “Bụi phấn” đã góp phần cổ vũ tinh thần giáo viên và học sinh trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn sau ngày thống nhất.

Sự ra đi của anh để lại tình thương tiếc của nhiều đồng nghiệp và bạn bè văn chương. Mặc dù sinh thời anh sống khá nhẹ nhàng và gần như khép kín. Còn nhớ, dịp tờ Tài Hoa Trẻ (một tạp chí chuyên đề của Báo GD&TĐ, nay đã ngưng phát hành) phát hành số 1.000, các anh nhà thơ, nhà văn Trần Quốc Toàn, Bùi Đức Ánh, Nguyên Hùng, Phạm Đức Mạnh... có nhã ý muốn chung tay hỗ trợ anh Thượng in tập thơ riêng (bởi anh chưa in bao giờ)... Tuy nhiên, anh khéo léo từ chối. Anh không muốn rộn ràng, làm phiền người khác.

Nhà thơ Nguyên Hùng (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) chia sẻ: “Đoàn Vị Thượng là nhà thơ tài hoa, được độc giả thơ yêu quý từ rất nhiều năm trước. Anh đồng thời là một biên tập viên giỏi, có thái độ làm báo rất nghiêm túc, chu đáo; dù là người ham vui, nhưng khi đang chuẩn bị cho số tạp chí hay số báo mới, bạn bè có rủ rê mấy anh cũng không chịu rời khỏi bàn biên tập. Anh cũng là người rất ít nghĩ về mình, mấy lần chúng tôi đề nghị anh tập hợp thơ để bạn bè hỗ trợ in ấn, anh đều lờ đi…”.

Biết đến thơ anh từ thời học sinh, đến thời sinh viên, tình cờ một người bạn chép vào cuốn sổ thơ bài “Chim kêu bên nhà người cũ” của anh, tôi đọc và nhớ đến giờ: “Thương con chim cũ/ Hót mãi bên hè/ Gã tình nhân mới/ Biết gì mà nghe?”.

Sau này hữu duyên được làm việc chung và hỗ trợ anh thực hiện tờ GD&TĐ ra thứ Hai hằng tuần một thời gian dài. Đến khi, tôi chuyển sang làm tờ Tài Hoa Trẻ anh vẫn tiếp tục hỗ trợ mục Tài hoa gỡ rối cho tận đến khi nghỉ hưu và tờ báo chuyển ra Hà Nội mới ngưng nghỉ. Ngần ấy thời gian thật khó kể hết những kỷ niệm vui buồn, bao lần nâng ly nghe anh đọc thơ, đánh đàn và hát… Khi anh lâm trọng bệnh cũng muốn thông báo cho mọi người biết để cùng chia sẻ. Nhưng vì tôn trọng ý muốn cá nhân của anh nên chúng tôi đành giữ kín chỉ khi nào có ai hỏi thăm thì mới thổ lộ.

Nay anh không còn nữa xin thắp nén tâm hương tiễn biệt anh - một nhà báo - một thi sĩ tài hoa... đầy trách nhiệm với công việc, bằng mấy câu thơ: 

Nay anh về với đất trời

Tiếc thương cũng đã, khóc cười cũng xong

Anh về chốn ấy thong dong

Tình xưa nghĩa cũ mãi không phai mờ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.