Là làng duy nhất ở miền Bắc còn giữ nghề làm khăn xếp, các nghệ nhân ở Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang (Nam Trực - Nam Định) đang tô thắm thêm những vòng văn hóa để nét đẹp cổ truyền lan tỏa dịp Tết đến Xuân về.
Hơn 200 nghề ở với làng
Áo dài của phụ nữ và áo dài khăn đóng của nam giới luôn là lễ phục gợi hình ảnh người Việt Nam. Ở nam giới, chiếc “khăn đóng” chính là khăn xếp một thời là biểu tượng không chỉ của sự lịch lãm, mà còn là hồn cốt của văn hóa trang phục Việt. Ấy thế mà cho đến nay, chỉ còn duy nhất làng Giáp Nhất còn giữ nghề này, cũng là giữ lại hồn cốt dân tộc.
Ở Giáp Nhất ai cũng tự hào với nghề làm khăn xếp, không chỉ bởi đó là một nghề hiếm, mà còn bởi từ lịch sử lâu đời. Cho đến nay, giới nghiên cứu chưa tìm thấy nguồn tư liệu nào từ ngọc phả, thần phả hay sắc phong liên quan tới nghề làm khăn xếp ở Giáp Nhất. Tuy nhiên, theo tính toán của các cụ trong làng thì nghề này đã xuất hiện ở đây hơn 200 năm.
Không chỉ tự hào nghề hiếm, trải qua nhiều thế hệ mà người Giáp Nhất còn tự hào với những chiếc khăn xếp tinh xảo đặt trên đầu mỗi dịp Tết đến Xuân về, mỗi dịp lễ hội hay mỗi dịp mừng thọ.
Thời trang áo the, khăn xếp đã xuất hiện ở nước ta từ xa xưa. Mỗi bộ trang phục trang trọng đến nỗi phải là thầy đồ, trí thức, thượng lưu mới dám ăn diện. Cũng từ đây mà câu nói “khăn chầu, áo ngự” và “khăn xếp, áo the” ra đời.
Khăn xếp trở thành nét văn hóa thời trang riêng biệt của người Việt. Hình ảnh cụ đồ, ông lý mặc áo the, đầu đội khăn xếp, tay cầm batoong chỉ còn lại ở những tấm hình cũ kỹ mà nay lớp trẻ có dịp ngắm nghía đến một thời xưa cũ.
Đó cũng là thời hoàng kim của làng Giáp Nhất khi mỗi dịp Tết đến là bao nhiêu con buôn lái vải từ khắp nơi về mua khăn xếp. Những gánh hàng nặng, những con ngựa thồ và những chiếc xe kéo cứ rầm rộ chở hàng đi bán.
Ấy thế rồi bẵng đi đến những năm 2000, khi cái mới đã du nhập đủ mạnh để lấn át cái cũ thì nhiều người nghĩ nghề làm khăn xếp ở Giáp Nhất đã “chết”. Tuy nhiên, sự thật không phải vậy, khi cái mới đi vào cuộc sống cũng là cơ hội “thanh lọc” nghề ở Giáp Nhất.
Gia đình nào thủy chung, tận tâm với nghề cha ông thì nghề vẫn ở lại, còn ai đã chán vì nghĩ rằng nghề không đem lại tương lai thì nghề vẫn ở lại với người - chỉ khác là người lại dứt áo ra đi. Thế nên ở Giáp Nhất, hiếm ai nói 200 năm giữ nghề, mà quả quyết 200 năm nghề ở với làng.
200 năm, với lịch sử của một nghề truyền thống thì có lẽ chưa dài, nhưng với một đời người thì mối duyên ấy đã là đằng đẵng. Nhìn quanh, những ngôi làng ở trấn Sơn Nam Hạ nói chung và vùng Thành Nam nói riêng vốn cùng nghề làm khăn xếp đã phải dứt bỏ mấy chục năm trước, mới thấy 200 năm ăn ở với nghề là một điều thật quý báu.
Làm được một chiếc khăn xếp phải trải qua 7 công đoạn. |
Quấn những vòng nếp văn hóa
Theo anh Đoàn Văn Thủy, một thợ lành nghề của làng Giáp Nhất thì khăn xếp có nhiều loại, loại dành cho nam, cho nữ và loại khăn cả nam hay nữ đều dùng được.
Các nghệ nhân nơi đây thường dùng chất liệu vải lượt, nhiễu hoặc vải sa tanh cũ để làm khăn xếp. Những chiếc khăn xếp ngày nay sang trọng hơn, bởi lớp ngoài làm bằng sa tanh bóng, có khi dùng phi, nhung, gấm.
Để làm ra một chiếc khăn xếp có tới 7 công đoạn bắt buộc như cắt vải, cắt xốp, máy, quấn, vẽ hoa... Mặc dù đã đưa máy móc vào một số công đoạn, và các hộ đã phân chia từng công đoạn khác nhau để nâng cao năng suất, nhưng vẫn có những khâu phức tạp máy móc không thể làm được.
Mỗi tấm vải dài cắt ra được xếp ngay ngắn trên bàn, và theo một ước lệ quen thuộc, người thợ cứ cắt những tấm vải vuông kia ra thành từng đoạn nhỏ. Hết ngồi máy khâu, lại cắt xốp, quấn vải. Công đoạn quấn nếp đòi hỏi tỉ mỉ và kỹ thuật chính xác nhất.
Người thợ vừa phải vừa quấn vừa phải bôi hồ để gắn kết giữa các vòng nếp với nhau. Các vòng nếp được siết càng chặt thì khăn xếp càng chắc chắn. Sau khoảng nửa tiếng, chiếc khăn xếp đã thành hình nhưng còn méo mó, người thợ hết nắn lại chỉnh và đặt chiếc khăn xếp ấy vào một cái khuôn gỗ để giữ nếp.
Mỗi vòng quấn nếp, kiểu dáng và màu sắc khăn xếp dành riêng cho từng độ tuổi và trong từng dịp sử dụng cụ thể. |
Mỗi loại khăn xếp được tô vẽ, trang trí, quấn vòng nếp khác nhau. Chẳng hạn loại khăn xếp mừng thọ có 2 loại dành cho cụ ông và cụ bà. Khăn xếp dành cho cụ ông gồm 7 nếp, trên đầu có đốc, còn cụ bà 9 nếp, không có đốc. Khăn xếp hầu đồng cũng có nhiều loại, loại 20 nếp, loại 30 nếp…
Theo các nghệ nhân Giáp Nhất, khăn xếp miền Bắc vẫn giữ nguyên hình dạng vốn có từ xưa, còn khăn xếp miền Trung, miền Nam thì cách tân nhiều. Trong đó, khác biệt rõ nhất là khăn miền Bắc có nếp quấn dày hơn và dựng ngang trong khi khăn của miền Trung, miền Nam thì dựng đứng.
Điểm khác thứ hai là phần lưỡi trai khăn xếp miền Bắc quấn, xếp thành hình chữ Nhân trong khi miền Trung và miền Nam là hình chữ Nhất. Khác biệt nữa là búi tó, tức búi để buộc tóc của khăn xếp phía Bắc đặt ở phần phía trên đỉnh đầu, trong khi khăn xếp miền Trung, miền Nam đặt thấp hơn, lùi xuống phía sau gáy. Mỗi người thợ ở Giáp Nhất đều hiểu sâu sắc những khác biệt ấy để sản xuất ra những loại khăn xếp khác nhau.
Ở Giáp Nhất, đi vào ngõ nào cũng thấy tiếng máy khâu, tiếng dập vải. Nhà ai cũng rực rỡ màu sắc bởi những tấm vải đủ loại treo ngoài hiên. Dường như, người nơi đây không có thời gian rảnh, từ sáng sớm cho đến tối mịt là lúc họ dành hết cho nghề dù mỗi chiếc khăn xếp đều được bán rất rẻ, chỉ khoảng trên dưới 50 nghìn đồng.
“Chúng tôi từng được chọn làm khăn xếp cho trang phục của các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị Cấp cao APEC năm 2006, phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010. Năm 2022, sản phẩm truyền thống khăn xếp của Giáp Nhất đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh. Điều vui mừng nhất với người làm nghề chúng tôi là được sống với nghề cha ông, được bảo tồn và làm đẹp cho văn hóa truyền thống của dân tộc” - Anh Đoàn Văn Thủy - thợ làm khăn xếp làng Giáp Nhất.