200 năm làm khăn xếp

200 năm làm khăn xếp

Giáp Nhất là một thôn nhỏ của thị trấn Nam Giang (Nam Trực, Nam Định) chuyên nghề làm khăn xếp từ xa xưa. Đất vốn là quê tổ của phở bò Nam Định trứ danh lại thêm một thứ nghề lạ. Lạ mà quen từ 200 năm trước.

Nghề xưa nhớ lại

Ở thôn Giáp Nhất, từ người già đến lớp trẻ chẳng ai không tự hào với nghề làm khăn xếp. Không chỉ tự hào vì đó là ngôi làng duy nhất ở miền Bắc giữ được nghề cổ, họ còn tự hào với những chiếc khăn xếp đẹp đẽ tinh xảo đặt trên đầu mỗi phụ lão dịp Tết đến xuân về, dịp lễ hội hay mừng thọ.

Thời trang áo the, khăn xếp đã xuất hiện ở nước ta khá lâu. Mỗi bộ trang phục trang trọng đến nỗi, phải những thầy đồ, những trí thức xưa hoặc những người giàu có mới ăn diện. Nó còn quan trọng hơn cả những bộ com-lê sang trọng mà thời nay người ta vẫn dùng.

Khăn xếp trở thành một nét văn hóa thời trang riêng biệt của người Việt xưa. Hình ảnh cụ đồ, ông lý mặc áo the đen, đầu đội khăn xếp, tay cầm batoong chỉ còn lại ở những tấm hình cũ kỹ mà nay lớp trẻ có dịp ngắm nghía đến một thời xưa cũ.

Nhưng với ông Vũ Văn Nhiều, một nghệ nhân khăn xếp ở Nam Giang thì đó là những hình ảnh quen thuộc mà hàng ngày vẫn thấy: “Ngày xưa, các cụ trang trọng lắm. Những thầy đồ, thầy lang hay cụ lý, cụ hương tuần vẫn ngày ngày diện áo the khăn xếp ra đình làng. Trang phục như vậy, xem không rườm rà mà lịch sự, văn hoa vô cùng”, ông Nhiều cho hay.

Và, theo mạch câu chuyện, ông Nhiều như được sống lại với cái thời mà làng mình nổi danh với nghề. Ông bảo rằng, các cụ trong làng vẫn kể mỗi dịp Tết đến là bao nhiêu con buôn lái vải từ khắp nơi về Giáp Nhất mua khăn xếp. Những gánh hàng nặng, những con ngựa thồ và những cái xe kéo cứ rầm rộ về rồi lũ lượt kéo hàng đi bán.

“Là một nghệ nhân nhưng tôi cũng không nhớ nổi lịch sử làm nghề của làng là bao lâu. Bởi vì không có tổ nghề, không có sử sách ghi lại nên không ai biết chính xác. Nhưng qua lời cha ông, thì tôi nhẩm tính nghề làm khăn xếp ở làng Giáp Nhất không dưới 200 năm”, ông Nhiều cho biết.

200 năm, với lịch sử nghề có lẽ chưa dài. Nhưng với một đời người, mối duyên ấy đã là đằng đẵng. Nhìn quanh, những ngôi làng xứ Thành Nam vốn cùng nghề cũng đã phải dứt bỏ mấy chục năm trước, mới thấy 200 năm giữ nghề truyền thống, sống mãi với nghề xưa là một điều quý.

Tinh hoa tụ lại

Nhìn cách mà người Giáp Nhất làm khăn xếp, ai nấy đều gật gù. Nghệ nhân Bùi Văn Hưng, người đang sở hữu một xưởng sản xuất khăn xếp cho biết: “Giáp Nhất có 4 tổ, giờ chỉ còn tổ 3 là duy trì được nghề. Nghề làm khăn xếp thu nhập chẳng đáng là bao, trong khi phải bỏ ra khá nhiều công sức”.

Theo ông Hưng, khăn xếp cũng có nhiều loại, loại dành cho nam, cho nữ và loại khăn cả nam và nữ đều dùng được. Các nghệ nhân ở Giáp Nhất thường dùng chất liệu vải lượt, nhiễu hoặc vải sa-tanh cũ để làm khăn xếp. Cốt khăn làm bằng giấy, nhưng là loại giấy gì thì ông Hưng không tiết lộ.

Những chiếc khăn xếp ngày nay nhìn sang trọng hơn, có lẽ bởi lớp ngoài làm bằng sa-tanh bóng; có khi dùng phi, nhung, gấm. Ông Hưng cho tôi xem lớp trong khăn, thấy những vải sợi lót đều tăm tắp, và cốt không phải bằng giấy nữa mà bằng mút bông.

“Để làm ra một chiếc khăn xếp không hề đơn giản. Có có tới 7 công đoạn bắt buộc như cắt vải, cắt xốp, máy, quấn, vẽ hoa... Mặc dù đã đưa máy móc vào một số công đoạn và các hộ trong làng nghề đã phân chia sản xuất theo từng công đoạn khác nhau để nâng cao năng suất, nhưng vẫn có những khâu phức tạp máy móc không thể làm được”, ông Hưng cho biết.

Cách nhà ông Hưng một đoạn đường ngắn là nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Chèo. Nhà ông Chèo lại làm khăn xếp theo cách thủ công. Mỗi tấm vải dài ông cắt ra được xếp ngay ngắn trên bàn, và theo một ước lệ quen thuộc, ông cứ cắt những tấm vải vuông kia ra thành từng đoạn nhỏ.

Hết ngồi máy khâu tì tạch may vá, lại thấy ông cắt xốp, quấn vải không lúc nào rảnh tay. Sau khoảng nửa tiếng, chiếc khăn xếp đã thành hình nhưng còn méo mó lắm. Ông dùng hai tay hết nắn đến chỉnh, và đặt chiếc khăn xếp ấy vào một cái khuôn gỗ hình tròn để giữ nếp.

“Anh nhìn tôi làm thì đơn giản vậy thôi. Người không thạo việc, có khi làm nửa ngày không xong một cái. Cũng như thắt cà vạt vậy, người quen thì một nhoáng là xong. Người không quen, cả ngày không thắt nổi”, ông Chèo giải thích.

Theo các nghệ nhân Giáp Nhất, khăn xếp miền Bắc vẫn giữ nguyên hình dạng vốn có từ xưa, còn khăn xếp miền Trung, miền Nam thì cách tân nhiều. Trong đó, khác biệt rõ nhất là khăn miền Bắc có nếp quấn dày hơn và dựng ngang trong khi khăn của miền Trung, Nam thì dựng đứng.

Điểm khác thứ hai là phần lưỡi trai khăn xếp miền Bắc quấn, xếp thành hình chữ Nhân trong khi miền Trung, Nam là hình chữ Nhất. Khác biệt nữa là búi tó, tức búi để buộc tóc của khăn xếp phía Bắc đặt ở phần phía trên đỉnh đầu, trong khi khăn xếp miền Trung, Nam đặt thấp hơn, lùi xuống phía sau gáy. Mỗi người thợ ở Giáp Nhất đều hiểu sâu sắc những khác biệt ấy để sản xuất ra những loại khăn xếp khác nhau.

Ở Giáp Nhất, đi vào ngõ nào cũng thấy tiếng máy khâu, tiếng dập vải. Nhà ai cũng rực rỡ màu sắc bởi những tấm vải đủ loại treo ngoài hiên. Dường như, người nơi đây không có thời gian rảnh, từ sáng sớm cho đến tối mịt là lúc họ dành hết cho nghề, dù thu nhập đem lại chẳng đáng là bao.

Không sợ mai một

Anh Đoàn Văn Thùy, nghệ nhân nổi tiếng nhất của làng nghề Giáp Nhất, cho biết: “Hiện, mỗi chiếc khăn xếp đều được bán rất rẻ, chỉ khoảng trên dưới 50 nghìn đồng. Nhiều người nghĩ chúng tôi sẽ bỏ nghề, nhưng có ai bỏ đâu. Có những gia đình mấy đời theo nghề, dù không giàu có nhưng cũng đủ sống”.

Quả thật, từ trước tới nay, khăn xếp dù đẹp đến đâu chăng nữa thì giá trị kinh tế cũng không cao. Dù các nơi khác bỏ nghề, thì Giáp Nhất vẫn cứ theo.

“Một phần vì đây là nghề cha ông truyền lại, phần nữa là thu nhập cũng đủ nuôi sống người thôn quê. Thu nhập bình quân khoảng 80 nghìn đồng/người/ngày là ổn so với nghề”, anh Thùy cho hay.

Các nghệ nhân như ông Nhiều, ông Chèo, ông Hưng và anh Thùy đều không sợ nghề làm khăn xếp ở thôn mình bị mai một. Một phần, bởi đây gần như là nơi sản xuất độc quyền; phần nữa là người trẻ cũng rất mặn mà. Thanh niên, ai không đi làm ăn xa thì cũng đều gắn bó với nghề cả.

“Cả trăm người theo nghề thì sợ gì mất nghề. Hơn nữa, khăn xếp không bao giờ là thứ lạc hậu. Bây giờ, người ta mua khăn xếp rất nhiều, các cụ mua để mừng thọ, bọn trẻ mua để ăn diện dịp cưới hỏi. Mùa Tết nào chúng tôi cũng không kịp làm để bán”, nghệ nhân Đoàn Văn Thùy chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.