Lung linh sắc màu khăn xếp

GD&TĐ - Nằm cách Tp. Nam Định chưa đầy 15km, thôn Giáp Nhất thuộc thị trấn Nam Giang không chỉ nổi tiếng bởi những ngôi chùa mang nét đẹp cổ kính rêu phong. Khuất nấp đằng sau lũy tre xanh của vùng quê ấy, còn là sự hồi sinh mạnh mẽ của một trong những ngành nghề độc đáo nhất miền Bắc một thời… Đó là nghề làm khăn xếp.

Lung linh sắc màu khăn xếp

Khăn xếp, áo the được biết đến là trang phục truyền thống trong đời sống của người Việt, xa xưa tới mức không ai có thể biết chính xác những biểu tượng văn hóa ấy đã có mặt tự bao giờ. Và chắc hẳn, nếu ai đã từng được khoác lên mình bộ quốc phục ấy trong những dịp lễ hội, đám cưới, mừng thọ… hay các cuộc giao lưu văn hóa trong và ngoài nước thì đó luôn là niềm tự hào mà khó lòng có thể dùng câu từ để diễn tả.

Trên cả nước không thiếu những cơ sở may áo the, song đối với khăn xếp thì thôn Giáp Nhất là địa phương cuối cùng của miền Bắc còn giữ được tinh hoa của nghề này. Để rồi khi cầm trên tay chiếc khăn xếp xinh xắn, được tận mắt ngắm nhìn những người thợ yêu nghề, kỳ công bên từng thước vải lụa, ta mới thấy được giá trị quý báu của một sản phẩm văn hóa đã luôn song hành cùng lịch sử thăng trầm của dân tộc. Quả thực không quá khi nói rằng, đong đầy trong chiếc khăn xếp của người Giáp Nhất là kết tinh của trí tuệ và sự khéo léo được trao truyền từ ông cha nhiều đời.

Khăn xếp làng Giáp Nhất
 Khăn xếp làng Giáp Nhất

Trước những đổi thay thời cuộc và nhu cầu của thị trường thì nhiệt huyết của nghệ nhân... đã trở thành “lửa thử vàng”, quyết định đến sự tồn tại của nghề làm khăn xếp. Bên chén trà xanh, ngồi nghe những cụ già làng Giáp Nhất kể mới thấy, để có được sự “vàng son” như hôm nay của nghề làm khăn xếp trên mảnh đất này, những người trong nghề từng trải qua không ít nhọc nhằn gian khó.

Chiếc khăn xếp đã theo gánh hàng của người Giáp Nhất đi khắp nơi, từ trước những năm 1950. Nhưng sau đó lượng người mua cứ thưa dần. Mỗi ngày nghề khăn xếp càng thêm mai một. Không ít nghệ nhân tính chuyện dứt duyên với nghề. Một vài hộ vẫn còn “âm ỉ” lưu luyến với khung khăn, sấp lụa thì cũng chỉ làm cho có, bởi chẳng một ai có thể tìm được đường đưa khăn “ra chợ”. Thời điểm ấy, không có gì phải nghi ngờ nữa, khăn xếp chỉ còn là thứ sản phẩm vang bóng một thời!

Rồi những năm 1990, đất nước bước vào thời kỳ mở cửa, ít ai ngờ lại có nhiều thương lái Hà Nội lặn lội tìm về làng để hỏi mua khăn xếp. Những chồng khăn xếp bạc màu, nằm im phủ bụi từ lâu bỗng chốc lại có giá trị như ngày vàng son của nó. Dần dà một nhà, hai nhà rồi cả làng đồng loạt quay trở lại với nghề. Hết thập kỷ 90, Giáp Nhất đã trở lại đúng với tiêu chí làng nghề cả ở số lượng người làm và chủng loại sản phẩm!

Những người trẻ cũng đang"tiếp lửa" làng nghề
 Những người trẻ cũng đang"tiếp lửa" làng nghề

Đến thăm Giáp Nhất hôm nay, với hơn 200 hộ dân cùng làm thì sản phẩm khăn xếp của ngôi làng trứ danh này đang ngày càng được du khách bốn phương yêu mến bởi chất lượng, uy tín cũng như vẻ đẹp thanh lịch, mềm mại.

Không còn làm thủ công 100% như trước kia, người làng nghề khăn xếp Giáp Nhất đã từng bước đưa máy móc về phụ trợ, thay thế bàn tay con người ở một số công đoạn. Các hộ trong làng cũng dần phân chia sản xuất theo từng công đoạn khác nhau để nâng cao năng suất.

Cũng theo lời kể của bác Khái một nghệ nhân làng Giáp Nhất thì: "Người xưa có để lại một lề lối cổ truyền về việc đội khăn xếp đối với đàn ông, ở tuổi khác nhau đàn ông sẽ đội khăn xếp theo màu khác nhau. Như đàn ông từ 50 – 60 tuổi sử dụng loại khăn xếp màu đen, có chữ Thọ hay không đều được. Từ 70-89 tuổi phải đội khăn xếp màu đỏ, có chữ Thọ ở trên. Các cụ ông từ 90 tuổi trở lên phải đội khăn màu vàng, chữ Thọ ở trên".

Tỉ mẩn từng nếp gấp trên khăn
Tỉ mẩn từng nếp gấp trên khăn 

Ở miền Bắc khăn xếp vẫn giữ nguyên hình dạng vốn có từ cổ xưa, còn miền Trung, miền Nam thì đã cách tân nhiều. Nếu kỳ công so sánh thì ta dễ thấy được phần lưỡi trai khăn xếp miền Bắc quấn, xếp thành hình chữ Nhân trong khi miền Trung, Nam là hình chữ Nhất.

Điểm thứ hai là khăn miền Bắc có nếp quấn dày hơn và dựng ngang trong khi khăn của miền Trung, Nam thì dựng đứng. Tiếp theo là búi tó (búi để buộc tóc) khăn xếp phía Bắc đặt ở phần phía trên đỉnh đầu, trong khi khăn xếp miền Trung, Nam đặt thấp hơn, lùi xuống phía sau gáy.

Anh Muộn chủ một cơ sở làm khăn xếp chia sẻ: “Để làm được một chiếc khăn xếp phải trải qua 7 công đoạn như cắt vải, cắt xốp, máy, quấn, vẽ hoa...Làm khăn xếp tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng lại đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Một chiếc khăn xếp đẹp sau khi hoàn thành phải chắc chắn, độ dày các lớp đều nhau, cao độ của từng lớp hợp lý. Khăn xếp Giáp Nhất hiện có các loại như khăn đen với 4 quấn, 7 nếp; khăn 5 quấn, 7 nếp; khăn 6 quấn, 9 nếp; khăn quang dùng trong tế lễ (nam giới đội), khăn cô, khăn tế, khăn hầu các giá đồng…”.

Cầm chiếc khăn trên tay, chị Gấm kể: “Chất liệu để làm khăn trước đây là vải lượt, nhiễu hay vải sa tanh cũ, cốt khăn làm bằng giấy. Bây giờ, khăn xếp được làm với chất liệu tốt hơn như lớp ngoài là sa tanh bóng, nhung, gấm... Bên trong là vải sợi lót, cốt khăn làm bằng mút. Và người không đủ kiên nhẫn, rất khó để xếp được một chiếc khăn đẹp và như ý. Mỗi tháng nghề này cũng đem lại thu nhập 3 - 4 triệu đồng cho một người”.

Đâu đâu cũng rực rỡ sắc màu khăn xếp
 Đâu đâu cũng rực rỡ sắc màu khăn xếp

Theo đà phát triển của xã hội, khăn xếp Giáp Nhất đã có đủ các loại màu khác nhau. Khi ngắm nhìn hàng trăm chiếc khăn xếp đẹp lung linh dưới nắng dễ làm người ta mê mẩn.

Qua thời gian, làng nghề khăn xếp Giáp Nhất tưởng chừng đã mai một giờ lại hồi sinh, rực rỡ với sắc màu văn hóa của dân tộc. Hôm nay, không chỉ có những người cao tuổi mới tâm huyết với nghề mà còn  rất nhiều người trẻ cũng say mê và cháy bỏng ước mơ tiếp nối truyền thống ấy.

Như em Nguyễn Linh Thu một sinh viên đang theo học tại Hà Nội chân thành: “Dù có thể em không sinh sống bằng nghề làm khăn xếp, nhưng em cũng được dạy quy trình cách làm một chiếc khăn xếp như thế nào”.

Trong không khí hối hả của các làng nghề ở thời điểm chuẩn bị tới Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các xưởng sản xuất tại làng Giáp Nhất cũng tất bật hoàn thiện những lô hàng để kịp bàn giao cuối năm. Trong từng ngồi nhà cho tới các nẻo đường xóm ngõ từng chiếc xe chở đầy khăn xếp lũ lượt hướng ra đường quốc lộ để tỏa đi khắp các tỉnh thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.