Lắng đọng chuyện kể về lớp học hạnh phúc

GD&TĐ - Theo TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống GD Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội): Thầy, cô không chỉ là người dạy học, truyền thụ kiến thức mà trước hết, phải là nhà tâm lý, nhà GD. 

Thầy cô thay đổi để có những lớp học hạnh phúc. Ảnh: Sỹ Điền
Thầy cô thay đổi để có những lớp học hạnh phúc. Ảnh: Sỹ Điền

Hiệu trưởng không chỉ là nhà quản lý mà còn là người truyền niềm tin, giá trị cao quý của nghề cho các GV của mình. Như thế lớp học sẽ hạnh phúc, trường học hạnh phúc, gia đình hạnh phúc và đất nước sẽ phồn thịnh.

Từng bảo lãnh cho học trò hư

Tình thương yêu và sự chân thành của các thầy cô giáo đã mang lại hạnh phúc cho học trò. Cũng chính tình thương yêu đó đã mang lại hạnh phúc và cuộc đời tốt đẹp cho HS của mình

TS Nguyễn Văn Hòa

Hơn 40 năm làm nghề nhà giáo, TS Nguyễn Văn Hòa cũng từng xuất phát ở vị trí là một GV. Ông cũng từng dạy ở lớp có HS hư.

Ông kể, cách đây hơn 34 năm, ông được giao chủ nhiệm lớp 11 với 45 HS. Học trò ở tuổi 16 nghịch ngợm. Lớp của ông có nhiều thầy, cô đến nhận nhưng rồi lại phải rút lui vì "không chịu được nhiệt".

"Có lần, hai công an dẫn một số HS của lớp tôi đến gặp thầy hiệu trưởng, vì các con đánh nhau và cầm dao đuổi nhau trên đường phố. HS phạm lỗi đến mức ấy thì chỉ có nước đuổi học. Tôi nghĩ trong lòng giận lắm.

Tại sao HS của mình lại có thể phạm lỗi đến mức đấy? Nhưng nghĩ kỹ thì lại thương các con. Nếu bây giờ các con bị đuổi học ở tuổi 15, thì rồi các con sẽ đi đến đâu? Ngay buổi tối hôm đó, tôi lọ mọ đạp xe đến từng nhà HS. Đó là một xóm nghèo của Hà Nội.

Khi tôi đến phụ huynh rất cảm động nhưng tất cả đều nói “Trăm sự nhờ thầy cô, trăm sự nhờ nhà trường”. Biết làm sao đây? Tôi suy nghĩ rất nhiều. Sáng hôm sau, tôi quyết định đến gặp hiệu trưởng và nói rằng, tôi xin bảo lãnh cho các con" - TS Nguyễn Văn Hòa kể lại.

TS Nguyễn Văn Hòa. Ảnh: Sỹ Điền
 TS Nguyễn Văn Hòa. Ảnh: Sỹ Điền

Bằng tấm lòng thương yêu và sự chân thành, ông đã cảm hóa được HS của mình. Các con dần biết nghe lời thầy, chăm chỉ hơn, đỡ nghịch ngợm hơn. Năm sau lên lớp 12 các con đều tốt nghiệp THPT.

Bẵng đi một thời gian dài, sau hơn 20 năm, các HS nghịch ngợm ngày ấy đã tìm lại được tôi. Những HS được tôi giải thoát cho kỷ luật năm nào, nắm chặt tay tôi nói:

“Thầy ơi, chúng con mất bao nhiêu năm mới tìm lại được thầy. Chúng con mãi mãi sẽ là học trò của thầy, là con của thầy. Lúc bấy giờ, mái tóc tôi đã bạc trắng. Tôi thấy xúc động đến chảy nước mắt. Tự nhiên trong lòng tôi trào dâng lên một niềm tự hào, đó là niềm tự hào của nhà giáo. Thì ra nghề nhà giáo của mình cũng có lúc sẽ được bồi đắp lại" - TS Nguyễn Văn Hòa xúc động nói.

Sẵn sàng nói lời xin lỗi đầu tiên

TS Hòa cho biết, với 20 năm làm hiệu trưởng, những năm đầu thường rất bận rộn. Ông thường phải tiếp và giải quyết các sự vụ, những sự cố, mâu thuẫn giữa HS với HS; HS với thầy, cô giáo; thầy cô giáo với cha mẹ HS.

Cách giải quyết của ông là, thường đặt mình là người của câu chuyện, người trong cuộc - để hiểu được họ, để có thể kiên trì lắng nghe họ tâm sự, bày tỏ, nói hết nỗi lòng và những nỗi uất ức của họ.

"Với sự chân thành và lắng nghe, sự tôn trọng của mình, tôi nhận được sự đồng cảm và sự chia sẻ của những người trong cuộc. Tôi thường là người sẵn sàng nói lời xin lỗi đầu tiên. Một ông già tóc bạc như thế này nói được lời xin lỗi thì tôi thấy có sức mạnh lắm, sau lời xin lỗi đó thường mọi việc được giải tỏa.

Chúng tôi hiểu nhau hơn, chia sẻ với nhau và xong câu chuyện không có ai thua, không ai thắng, tất cả đều hiểu nhau. Tôi làm cho quả bóng tự xì hơi và cũng như rút ngọn lửa khi cơm đã sôi " - TS Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Xây dựng những trường học hạnh phúc
 Xây dựng những trường học hạnh phúc

Có nhiều lúc TS Nguyễn Văn Hòa nghĩ rằng, làm hiệu trưởng lúc nào cũng phải giải quyết những công việc cụ thể thì liệu có giải quyết được tất cả mọi việc không? Phải làm thế nào để cho các thầy cô giáo của mình tự xử lý công việc của họ.

Cuối cùng ông đã tìm ra được giải pháp là, nâng cao năng lực nhận thức về tâm lý học cho các thầy, cô giáo. Các thầy, cô giáo đã tự quản lý cảm xúc của mình, tự chuyển hóa cảm xúc của mình.

Những vụ bạo lực được giải quyết ngay từ mầm mống. Khi tự giải quyết được sự cố, các thầy cô giáo hạnh phúc hơn, tin yêu nghề hơn. Khi thầy cô hạnh phúc thì HS hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, ngôi trường hạnh phúc. Và môi trường học đường trở nên an toàn, câu chuyện bạo lực được quản lý. 

Bài viết được ghi chép từ ý kiến của TS Nguyễn Văn Hòa trong Chương trình "Thầy cô chúng ta đã thay đổi"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.