Chúng tôi - những người bạn có cùng sở thích khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời, núi đồi hay biển cả - luôn có những cái cớ khác nhau để - được - đi - Đà Lạt: Đi vì buồn, vì chán, hạnh phúc cũng đi Đà Lạt mà đau đớn cũng chọn Đà Lạt làm nơi gửi trao… miễn là được đi. Những chuyến đi Đà Lạt vì vậy mà tăng lên theo từng tháng năm tuổi trẻ.
Lần nào lên Đà Lạt tôi cũng trông thấy cụ già ngồi bán bỏng ngô bên bờ hồ Xuân Hương giữa lòng phố núi. Tôi nhớ đêm đầu tiên đến Đà Lạt, theo chân một anh bạn là người Đà Lạt đi rong ruổi khắp khu Hòa Bình, dốc sức đi lên những con dốc, vòng bờ hồ Xuân Hương đến Quảng trường Lâm Viên trong cái se lạnh vĩnh cửu của nơi này, tôi thấy nhịp sống chậm lại như hơi thở.
Đà Lạt lạnh! Cái lạnh vốn dĩ như cứa vào da người đồng bằng lần đầu đến nơi đây, tưởng chừng khó mà thích nghi được. Bên bờ hồ đêm lung linh, vài người đi tản bộ, mấy đôi tình nhân ngồi dưới gốc thông ngắm mặt hồ, tay đan vào tay trao lời ước hẹn yêu đương.
Dường như ai cũng vui vẻ, hạnh phúc ngập tràn, chỉ có mấy em nhỏ ăn xin khuôn mặt buồn bã ngồi bên lề đường và cụ già ngồi cạnh mẹt bỏng ngô còn đầy nặng mang những khắc khổ của cuộc đời dâu bể.
Lần thứ hai lên Đà Lạt, tôi không làm phiền anh bạn dân địa phương. Một mình tôi lê la khắp thành phố, uống sữa đậu nành ở chợ Đà Lạt, ăn ngô nướng ở đầu đường Lê Thị Hồng Gấm rồi… đi tìm người già bán bỏng ngô.
Chao ôi! Gần một năm trời trở lại nơi đây, tôi vẫn thấy cụ ngồi lặng thinh bên bờ hồ, trước mặt vẫn là mẹt bỏng ngô còn đầy. Dường như cái dáng hình ấy đã khắc vào trăm năm, bên bờ hồ, giữa những lung linh phố thị. Trong đêm lạnh, cụ mặc áo len, đầu trùm khăn len, đôi tay trần da nhăn nhúm đi vì lạnh.
Đứng ngắm hồ Xuân Hương thi vị trong đêm nhưng thực chất là ngắm nhìn cụ già quằn nặng gánh mưu sinh, gồng mình chống lại cái lạnh trùng trùng phố núi. Khách du lịch dường như chẳng đoái hoài đến cụ, bởi thứ mà cụ bán cũng chẳng phải là đặc sản của Đà Lạt, không hấp dẫn họ. Muốn ăn bỏng ngô thì cứ việc vào rạp chiếu phim, mua vé xem một bộ phim nào đó, mua túi bỏng ngô, ly nước ngọt là có thể “enjoy”.
Hay bởi vì bóng đêm vô tình che mờ đi chiếc bóng còm cõi, gầy gò và co rúm đi vì lạnh giá của cụ mà từ lúc tôi đứng bên bờ hồ này đến giờ chẳng ai dừng lại trước mẹt hàng của cụ. Đôi mắt người già kèm nhèm nhìn ra lung linh phố phường. Dòng người qua lại, xe cộ lướt chậm ngắm hồ, ngắm sương giăng phố núi, ngắm cả những điều bình dị trong lành… nhưng vô tình bỏ quên người già tội nghiệp.
Những lần sau, tôi đều gặp cụ. Lần nào tôi cũng mua giúp cụ một túi bỏng ngô, dần dần cụ quen mặt tôi tự bao giờ không biết. Hôm trước lên Đà Lạt giữa mùa dã quỳ nở rộ, tạt vào hàng bỏng ngô bên bờ hồ mua giúp cụ một túi, cụ bảo: “Cháu lên Đà Lạt chơi nữa à, mùa này dã quỳ nở đẹp lắm cháu ạ!”.
Tôi chưng hửng, cụ vẫn nhớ tôi, nhớ những lần trước tôi lên Đà Lạt đều mua bỏng ngô của cụ. Không biết trong cuộc mưu sinh cụ gặp bao nhiêu người mà vẫn nhớ rành rành dáng hình của một người xa lạ lâu ngày lên Đà Lạt cho thỏa niềm đam mê xê dịch!