Sự trải nghiệm này không chỉ giúp cả nhà có được khoảng thời gian thú vị đầu xuân mà còn góp phần khích lệ con trẻ ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt.
Nhiều địa điểm vui chơi dịp Tết
Tết cổ truyền của người Việt không thể thiếu sự góp mặt của những trò chơi dân gian. Những trò chơi này vô cùng phong phú và mang đậm bản sắc riêng ở từng địa phương.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình “Khám phá Tết Việt” từ ngày 20/1 với sự tham gia của các nghệ nhân đến từ nhóm thư pháp, nặn tò he (Hà Nội), dựng cây nêu, in tranh Đông Hồ, đánh đu (Bắc Ninh), pháo đất (Hải Dương), múa sạp (Hội người Thái ở Hà Nội). Các em được tham gia trải nghiệm “Khám phá Tết Việt” thông qua một số hoạt động như: Gói bánh chưng, viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, đánh đu, nặn tò he, tô vẽ tranh 12 con giáp, chơi trò chơi dân gian, đặc biệt là trò chơi của một số dân tộc ở Tây Bắc
Tại phố đi bộ quanh hồ Gươm, Hoàn Kiếm (Hà Nội), trẻ cũng được trải nghiệm với nhiều trò chơi dân gian như nhảy dây, đi cà kheo, hoặc chứng kiến những ông đồ viết thư pháp, nghệ nhân nặn tò he…
Tại Hồ Văn – Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, “Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017” diễn ra từ ngày 21/1 đến 11/2 (tức ngày 24/12 đến ngày 15/1 âm lịch). Ngoài một số hoạt động thường niên như: Biểu diễn thư pháp, cho chữ, triển lãm thư pháp, năm nay Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 còn có thêm khu vực làng nghề truyền thống trưng bày các sản phẩm làng nghề Hà Nội như gốm sứ, thêu dệt, giấy, tranh dân gian, chạm khắc gỗ, đúc đồng…; khu vực giới thiệu tranh dân gian và thiếu nhi trải nghiệm vẽ tranh “Cùng bé sáng tạo - khám phá tranh Tết” và khu vực các trò chơi dân gian như nặn tò he, vẽ tranh, chơi ô ăn quan...
Chắp cánh cho tâm hồn tuổi thơ
Theo nghiên cứu và đánh giá của các nhà văn hóa học, các trò chơi dân gian có vai trò vô cùng quan trọng trong sinh hoạt, góp phần giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người. Vì vậy, để có thể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, dịp Tết cũng là cơ hội cha mẹ cho các em được tiếp cận, vui chơi những trò chơi dân gian nhiều hơn. Bởi đây không chỉ là phương thức giải trí lành mạnh cho trẻ em mà còn là một phần của bản sắc văn hóa dân tộc.
Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện đại là sự xuất hiện ngày càng nhiều trò chơi mang tính bạo lực. Những trò chơi dân gian mang đậm tính nhân văn và truyền thống dân tộc vì thế đang ngày càng bị mai một dần đối với giới trẻ.
Cô Lê Thị Oanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Công (Hà Nội) cho biết: “Trò chơi dân gian có tác dụng rất tốt cho trẻ, nó giúp cho trẻ nhà bạn có thể có khả năng tiếp thu và trau dồi ngôn ngữ một cách tốt hơn. Vì vậy, bậc làm cha mẹ nên cho trẻ tham gia những trò chơi dân gian để phần nào đó giúp trẻ có được tư duy cũng như các phản xạ được tốt hơn.