Quây bạt làm lớp học tạm
Hơn hai tuần sau khi mưa bão số 3 gây ra những trận sạt lở kinh hoàng ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) làm hơn 50 người chết, hàng chục nhà dân bị "xóa sổ", nhiều tuyến đường bị chia cắt,.. các trường học trên địa bàn huyện đã trở lại việc học tập để đảm bảo chương trình năm học, cũng như đang nỗ lực huy động các nguồn lực khắc phục hậu quả.
Tại trường Tiểu học Ca Thành (Nguyên Bình), mưa bão đã làm sạt lở ta luy ở trước mặt sân trường và phía sau có vết nứt dài khoảng 50m và có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở.
Để đảm bảo cho việc học tập của học sinh, từ ngày 17/9, nhà trường đã mua bạt quây sân khấu của trường mầm non thành hai lớp học, lớp còn lại thì học ở khu vực bếp ăn ngoài hiên có mái tôn của trường mầm non.
Trao đổi với phóng viên, cô giáo Hoàng Thị Hường, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ca Thành cho biết: Ngay sau khi phát hiện sạt lở nhà trường đã báo cáo lên Phòng GD&ĐT huyện. Đồng thời, chuyển 3 lớp lên trường mầm non học tập để bảo đảm an toàn.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời để cho các em học sinh có được chỗ ngồi học đảm bảo chương trình học của năm. Về lâu dài, cần có phương án để di chuyển trường ra khỏi khu vực bị sạt lở. Bởi trên thực tế, 5 lớp học của trường đã xuống cấp. Trường không có phòng chức năng, không có bếp ăn nên dù các em nhà xa trường, ngày học 2 buổi thì trường cũng không thể nấu ăn bán trú cho các em. Phần lớn các em đều tự nắm cơm từ nhà mang theo để ăn bữa trưa.
Mong muốn có ngôi trường an toàn sắp trở thành hiện thực
Là địa phương chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản do cơn bão số 3, theo thống kê, toàn trường có 49 hộ gia đình có học sinh học tập tại trường Tiểu học Ca Thành bị ảnh hưởng. Trong đó có một em học sinh lớp 5 mẹ mất và một em học sinh lớp 4 bố mất, đều do sạt lở đất. Toàn bộ nhà cửa, tài sản của gia đình hai em này đều bị vùi lấp hết. Các em còn lại thì nhà bị sập đổ hoàn toàn, nứt, nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở phải sơ tán đi ở nhà người thân hoặc nhà văn hóa, nhà tạm.
Trường tiểu học Ca Thành có 358 học sinh học tập tại 8 điểm trường. 100% học sinh của trường đều là dân tộc Mông và Dao, trong đó khoảng 90% học sinh thuộc diện hộ nghèo, khó khăn.
Bà Vi Thị Hương, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nguyên Bình cho biết: “Ngay khi mưa lũ, sạt lở xảy ra, Phòng GD&ĐT cũng đã chủ động tham mưu UBND huyện tổ chức rà soát thống kê tình hình thiệt hại về người (giáo viên, học sinh), cơ sở vật chất các nhà trường kịp thời báo cáo UBND huyện có phương án hỗ trợ, động viên giúp đỡ những nạn nhân bị thiệt hại.
Đối với trường Tiểu học Ca Thành, để nhà trường ổn định việc dạy và học, phòng đã chỉ đạo nhà trường mượn tạm Trường Mầm non Ca Thành để học nhờ. Hiện nay đã có nhà hảo tâm nhận hỗ trợ nhà trường dựng các phòng học tạm bằng tôn khép kín để tránh mưa gió, giá lạnh trong mùa đông”.
Mới đây, chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cũng đã ký quyết định phê duyệt dự án xây dựng Trường Tiểu học Ca Thành với đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, khu nhà hiệu bộ, bếp ăn với tổng kinh phí 18 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công của huyện. Trường mới cách địa điểm trường cũ khoảng 3km.
Với sự quan tâm của các cấp ngành và địa phương, giáo dục huyện vùng cao Nguyên Bình sẽ phần nào vơi bớt khó khăn, cô và trò Trường Tiểu học Ca Thành sẽ không còn phải lo sợ mỗi khi mùa mưa bão đến.