Ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa -Vũng Tàu – tự hào chia sẻ: Trong năm học này, em Hoàng Hữu Quốc Huy, HS lớp 12 chuyên Toán 1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã xuất sắc lọt vào danh sách 1 trong 6 thành viên đội tuyển Olympic Toán Việt Nam dự thi IMO 58 tổ chức tại Brazil. Đây là lần đầu tiên, Bà Rịa Vũng Tàu có học sinh dự thi Olympic quốc tế.
Còn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017, em Lê Văn Trọng - học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - đã xuất sắc đạt 3 điểm 10 tuyệt đối trong các môn Toán, Hóa học, Sinh học, là 1 trong 13 thí sinh trong cả nước đạt 3 điểm 10 tuyệt đối.
Đây là quả ngọt của giáo dục Bà Rịa – Vũng Tàu sau thời gian vun xới, tập trung đầu tư cho giáo dục. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm triển khai các chương trình giáo dục mới đến từng cấp học, bước đầu đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, như đối với cấp học mầm non đã và đang triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.
Đối với giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT triển khai thí điểm việc dạy và học theo mô hình trường học mới (VNEN) ở tiểu học và trung học cơ sở; triển khai đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020,” trong đó triển khai chương trình dạy tiếng Anh ở các cấp tiểu học với 4 tiết/tuần cho học sinh lớp 3,4 và 5, dự kiến năm học học 2017-2018 sẽ triển khai dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần cho tất cả học sinh tiểu học, theo chương trình 12 năm.
Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh hoàn thành và vượt kế hoạch 2 năm so với kế hoạch về công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đối với cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT cũng đã quyết định công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 năm 2014. Đối với cấp phổ cập trung học cơ sở, tính đến tháng 12/2015 đã có 8/8 huyện, với 82/82 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS của tỉnh bước đầu đem lại hiệu quả; GDTX, GD nghề nghiệp chuyển biến theo hướng tích cực. Các trường ĐH, CĐ nghề trong tỉnh cơ bản chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ và đào tạo liên thông; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng gắn lý thuyết với thực hành, đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh.
Qua những con số cụ thể như số học sinh - sinh viên của tỉnh được đào tạo ở các trường và cơ sở đào tạo đã góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2016 lên trên 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng lên trên 60% năm 2016.