Tại hội nghị, ông Phạm Quốc Toản- Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định CLGD (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: Đây là năm đầu tiên Hà Nội lắp camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi của tất cả các bài thi cũng như phòng chấm bài thi tự luận, trắc nghiệm của kì thi.
Hệ thống camera này được lắp đặt cho tất cả các điểm thi, là camera không có kết nối internet, có bộ lưu điện dự phòng, có dung lượng lưu trữ dữ liệu tối thiểu 21 ngày, số lượng và vị trí lắp đặt camera phải đảm bảo bao quát được toàn bộ các hoạt động trong phòng. Sở cũng bố trí mỗi điểm thi có một nhân viên kỹ thuật để hỗ trợ việc giám sát vận hành hệ thống thống camera đảm bảo đúng quy định.
Năm nay, toàn TP có 169 điểm thi với hơn 3.600 phòng thi đáp ứng các điều kiện cần thiết để tổ chức kỳ thi đã được rà soát và chốt danh sách cụ thể. Sau khi kiểm tra về cơ sở vật chất chuẩn bị kì thi, Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết vẫn còn một số điểm thi vẫn chưa hoàn thành việc lắp camera giám sát, một số nơi tường rào bị đổ, chưa có tường bao quanh; trường thi còn có cổng thông sang nhà dân hoặc ở lẫn với nhà dân; cổng trường đang sửa chữa.
Ông Lê Ngọc Quang phát biểu kết luận hội nghị |
Thanh tra Sở đề nghị từ nay tới trước ngày thi, Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh cấp thành phố và các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát lại từng phần việc tại từng điểm thi, bảo đảm không để sót bất cứ chi tiết nào có thể ảnh hưởng đến tính nghiêm túc, an toàn của kỳ thi.
Kết luận hội nghị, ông Lê Ngọc Quang- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy chế thi. Thống nhất quan điểm: Nghiêm túc, đúng quy chế, không gây căng thẳng cho thí sinh; cố gắng tổ chức kì thi để tạo ra dư luận tốt cho XH.
Mặc dù số lượng học sinh đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay ít hơn so với năm 2018 gần 10.000 thí sinh, song so với năm 2017 vẫn nhiều hơn 10.000 em, và đây là kì thi có quy mô lớn nhất trong năm 2019 của Hà Nội.
Đây là năm đầu tiên, Hà Nội áp dụng hình thức thi tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với 4 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử, trong khi những năm trước, học sinh chỉ phải thi 2 môn là Toán và Ngữ văn. Sự điều chỉnh này kéo theo nhiều phần việc trong công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi.
Rút kinh nghiệm từ những sự cố năm trước như vụ lọt đề thi tại trường THPT Vân Nội, vụ bê phở vào điểm thi trường THCS Phan Đình Giót..., lãnh đạo Sở GD&ĐT yêu cầu các hội đồng thi không chủ quan trước những tình huống, không đơn giản hóa vấn đề dù là nhỏ nhất. Phải phổ biến quy chế cho tất cả các cán bộ coi thi. Hạn chế thay thế cán bộ coi thi. Nếu thay thế, phải nhắc nhở kĩ về quy chế.
Cần chú ý đến các thiết bị công nghệ cao được mang vào phòng thi vì các thiết bị này ngày càng tinh vi và khó nhận biết. Nếu thấy dấu hiệu bất thường, các giám thị có quyền kiểm tra và yêu cầu nộp lại. Những thiết bị lạ có quyền thu giữ, sau đó nhờ công an kiểm tra. Tuy nhiên, trong xử lí đối với HS cần tránh cứng nhắc, phải có đầy đủ bằng chứng và biên bản để có cơ sở giải quyết nếu sự cố xảy ra.