Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bệnh viện vừa thực hiện thành công trường hợp lần đầu phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi bằng kỹ thuật nội soi lấy thùy gan trái từ người cho sống.
Đây là ca ghép gan nhỏ tuổi nhất với bệnh lý phức tạp tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Theo đó, ngày 17/3, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, kíp ghép gan của Bệnh viện đã thực hiện ca phẫu thuật nội soi lấy thuỳ gan trái từ người cho sống để tiến hành ghép gan cho bệnh nhi Đ.N.M, 5 tuổi, ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là ca ghép gan nhỏ tuổi nhất với bệnh lý phức tạp tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, tháng 7/2021, bé M được phẫu thuật cắt gan do u nguyên bào gan ác tính tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 – Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là bệnh lý hiếm gặp ở trẻ em.
Sau mổ, khối u tiếp tục phát triển ở phần gan còn lại. Bé M được điều trị hóa chất 10 chu kì ở trong nước và nước ngoài (Thái Lan). Tuy nhiên, khối u không đáp ứng với điều trị, dấu ấn ung thư (AFP) không những không giảm mà tiếp tục tăng rất cao.
Bệnh nhi được chụp PEP/CT tại Thái Lan cho thấy: Khối u khu trú ở gan nhưng lan tràn nhanh nhiều u cả gan phải và trái, chưa di căn xa nhưng nguy cơ tiến triển rất xấu và tiên lượng tử vong sớm nếu không còn phương pháp nào điều trị.
Các bác sĩ cho biết, ghép gan là lựa chọn duy nhất để chữa trị cho cháu bé. Gia đình đã đưa bé về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để tìm cơ hội ghép gan.
“Cả nhà không có ai đủ điều kiện, phù hợp để hiến gan cho bé M, chỉ có tôi là phù hợp nhất. Tôi sẵn sàng hiến tặng gan của mình để cứu sống cháu, giống như mình sinh thêm 1 đứa con nữa”, chị G. (cô ruột của bệnh nhi) là người hiến gan cho bé M. cho biết.
Theo Đại tá TS. Lê Văn Thành – Viện phó Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, CNK Phẫu thuật Gan Mật Tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Đây là ca ghép gan nhỏ tuổi nhất với bệnh lý phức tạp, khó khăn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Thể trạng của cháu bé yếu, nặng chưa đầy 15kg do 10 đợt điều trị hóa chất liên tục. Sau điều trị hóa chất xuất hiện tình trạng ức chế tủy xương, thiếu máu, bạch cầu giảm.”
Sau hội chẩn của hội đồng chuyên môn Bệnh viện, kíp ghép gan sẽ tiến hành phẫu thuật nội soi lấy 2 hạ phân thuỳ: II & III của gan trái từ người cho sống (cô của bệnh nhi) để tiến hành ghép gan cho bệnh nhi. Sau 7 giờ đồng hồ, ca ghép cho bệnh nhi được thực hiện thành công. Phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép là một trong những kỹ thuật khó, đòi hỏi trình độ kinh nghiệm của phẫu thuật viên, trang thiết bị dụng cụ máy móc hiện đại, đồng bộ.
Phương pháp này đem lại nhiều lợi ích cho người hiến gan như: can thiệp ít xâm lấn giúp giảm đau sau mổ tốt hơn mổ mở, thời gian phục hồi nhanh hơn, tính thẩm mỹ cao trong khi kết quả tương đương với mổ mở. Người hiến gan ra viện khoẻ mạnh sau mổ 5 - 6 ngày.
TS. Thành cũng cho biết thêm: Đây là trường hợp ghép gan nhỏ tuổi nhất được thực hiện tại Bệnh viện cho đến hiện tại. Ca ghép gan này đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, đồng bộ đầy đủ cả nguồn nhân lực, trang thiết bị hiện đại, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các kíp phẫu thuật, gây mê, hồi sức, ban điều phối, các khoa liên quan, đặc biệt là tổ chức triển khai thực hiện cũng như sự ủng hộ, chỉ đạo chặt chẽ của Ban Giám đốc Bệnh viện.
Sau 1 tuần ghép, sức khỏe của bé M ổn định, cháu tỉnh hoàn toàn nói chuyện tốt, vận động nhanh nhẹn, ăn ngon miệng, chức năng gan ghép hoạt động tốt; các thông số hô hấp, huyết động,… trong giới hạn bình thường. Bệnh nhi đã được về Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy điều trị tiếp tục.
Đây là lần thứ 3 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện ca phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan ghép từ người hiến sống để tiến hành ghép gan. Hiện nay trên thế giới chỉ có một số ít các Trung tâm Gan mật và Ghép gan tại các quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc mới có thể thực hiện được phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống.
Vì vậy, với việc ứng dụng thành công phương pháp phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã ghi một bước tiến mới trong lĩnh vực ghép gan, góp phần nâng cao trình độ chuyên ngành ghép tạng Việt Nam và mở ra triển vọng cứu sống những người bệnh hiểm nghèo tiếp tục đem lại cuộc sống khỏe mạnh cho nhiều người bệnh.