Lần đầu ra mắt Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam

Lần đầu ra mắt Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam

Tại Hội thảo “Phát triển và công nhận trình độ kỹ năng nghề cho thanh niên trong thời kỳ mới”, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) đã công bố quyết định bổ nhiệm 10 Đại sứ kỹ năng nghề. 

Lan tỏa giá trị kỹ năng nghề

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Duy Thanh – Giám đốc kỹ thuật Công ty Cổ phần MDETECH, cựu thí sinh đoạt Huy chương Đồng nghề Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, tại Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2015 cho biết: "Tôi rất vui mừng khi được bổ nhiệm làm Đại sứ kỹ năng nghề. Tôi nhận thức rõ đây là vinh dự cùng trách nhiệm lớn lao được giao phó. Trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa của đất nước, đào tạo nghề là nhiệm vụ quan trọng. Nó giúp tạo nguồn nhân lực đủ khả năng thích ứng với những biến động nhanh chóng của thị trường lao động. Qua đó, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Đào tạo nghề giúp cho giới trẻ có thể ổn định và phát triển sự nghiệp từ sớm. Bản thân tôi là một người thành công từ học nghề. Từ năm 2014, tôi đã lựa chọn con đường kỹ năng nghề. Tôi đã được học tập và cọ xát thực tế từ các doanh nghiệp cho đến các kỳ thi tay nghề trong nước và quốc tế. Huy chương Đồng mà tôi đoạt được tại Kỳ thi tay nghề thế giới đánh dấu sự phát triển của Việt Nam trong kỹ năng nghề thế giới".

Được biết, chương trình Đại sứ nghề đã được nhiều quốc gia thực hiện từ lâu. Nó là nơi ghi nhận những người lao động có kỹ năng nghề xuất sắc, đồng thời quảng bá, tôn vinh, đề cao giá trị kỹ năng nghề.

Ngày 28/5, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh và phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng cường sức cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, Bộ LĐ,TB&XH đã ban hành quyết định phê duyệt chương trình Đại sứ kỹ năng nghề. Đối tượng được chọn làm Đại sứ nghề là các cựu thí sinh đoạt huy chương tại các kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN…

Cơ hội cho giới trẻ

Trao đổi về chương trình Đại sứ nghề Việt Nam, ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, danh hiệu Đại sứ nghề nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng lao động cho thanh niên Việt Nam. Nó góp phần phát triển đất nước trong tương lai. Đây là một nội dung thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng và hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới.

Hiện nay, thị trường thiếu hụt về lao động có kỹ năng ngày càng trầm trọng. Doanh nghiệp muốn tìm kiếm, tuyển dụng lao động có kỹ năng rất khó khăn. Thị trường lao động Việt Nam khoảng 55 triệu người. Nhưng chưa tới 25% người lao động được công nhận đã qua đào tạo hoặc công nhận kỹ năng. Như vậy, còn tới hơn 75% người lao động chưa qua đào tạo.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong tương lai, những kỹ năng của lực lượng lao động cần phải được thay đổi theo hướng công nghệ và số hóa. Các con số thống kê cho thấy, mỗi năm thế giới mất đi khoảng 5 nghìn tỷ USD do sự chênh lệch và thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng so với yêu cầu của thị trường lao động…

Khi sự thiếu hụt kỹ năng đang là thách thức trên toàn cầu thì cũng là cơ hội cho thanh niên Việt Nam. Ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục lựa chọn và công nhận thêm những lao động có kỹ năng xuất sắc. Không chỉ là những học sinh, sinh viên đang học tập, mà còn có những lao động trực tiếp sản xuất, đang đóng góp kỹ năng tay nghề cho doanh nghiệp. Thu hút người lao động tham gia chương trình này, để từ đó lan tỏa giá trị to lớn của kỹ năng tới xã hội".

"Có kỹ năng nghề, tôi tự tin vào bản thân về những cơ hội nghề nghiệp. Tôi được mời làm việc tại các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới và Việt Nam như Samsung, FPT… Tôi đã có thêm những cơ hội trau dồi kiến thức, phát triển bản thân hơn. Tôi sẽ nỗ lực hết mình trong vai trò Đại sứ để các bạn trẻ hiểu rõ hơn tầm quan trọng của kỹ năng, định hướng nghề nghiệp trong tương lai". - Ông Nguyễn Duy Thanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ