Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ phải già đi. Một ngày nào đó, cầm quyết định về hưu trên tay, bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm, vì đã qua những ngày vất vả với công việc, giờ đã đến lúc nghỉ ngơi. Tuy nhiên, qua khỏi những ngày đầu phấn chấn, bạn sẽ không khỏi cảm thấy buồn bã, trống vắng - quãng thời gian trống rỗng phía trước, thường được các cụ về hưu gọi đùa là quãng thời gian “chơi chờ chết”.
Theo Bộ Y tế, năm 2016, tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,4 tuổi, tuy nhiên, nhiều người sống lâu hơn mức tuổi thọ trung bình rất nhiều. Có nghĩa là sau khi về hưu, bạn còn một quỹ thời gian rất dài để sống. Nếu bạn không vượt được những định kiến về tuổi tác như tuổi về hưu là già yếu, là gánh nặng cho con cháu và gia đình, là phụ thuộc, thì cuộc sống sau khi về hưu thực sự là những chuỗi ngày buồn nản. Tìm một công việc làm phù hợp, là một gợi ý rất hay để quãng đời này của chúng ta trở nên ý nghĩa.
Vậy việc làm khi về hưu giúp ta sống có ý nghĩa như thế nào?
Khi người đã về hưu tiếp tục đi làm, có thể tận dụng được những kinh nghiệm quý đã tích lũy được, không để nó bị mai một đi một cách đáng tiếc. Từ đó, ta thấy mình đang sống có ích, đang sống một cách tích cực. Đây là động lực tinh thần để người về hưu sống vui vẻ, khỏe mạnh hơn.
Đi làm sau khi về hưu giúp mình cảm thấy đang sống có ích, sống cống hiến, sống một cách tích cực
Việc làm của người về hưu cũng đóng góp một cách chủ động cho xã hội thay vì bạn chỉ là người hưởng các dịch vụ xã hội một cách thụ động.
Đi làm sau khi về hưu, bạn có thêm thu nhập, đời sống được đảm bảo, bạn có điều kiện thực hiện được những ước nguyện của mình như đi du lịch, gặp gỡ bạn bè, giúp đỡ con cái và những người khác theo tâm nguyện của mình.
Đi làm sau khi về hưu, bạn đã nêu một tấm gương sống mẫu mực cho con cháu noi theo: đó là cách sống có ích, sống tích cực và sống cống hiến, sống có ý nghĩa mỗi ngày.
Việc làm sau khi về hưu giúp bạn có được nhịp sống năng động, khỏe khoắn, lành mạnh, thay vì nhịp sống chậm rãi, có phần uể oải, trì trệ khi chỉ ở nhà không làm việc. Điều đó giúp cho sức khỏe của bạn tốt lên, tinh thần của bạn cũng thoải mái hơn rất nhiều. Việc làm cũng giúp bạn chống lão hóa trí não, căn bệnh đáng sợ nhất của tuổi già.
Đi làm sau khi về hưu giúp bạn thoát khỏi cảm giác cô đơn. Thay vì bạn ngồi một mình buồn bã do các con đã trưởng thành, đã có cuộc sống riêng, và không có nhiều thời gian quan tâm tới cha mẹ, thì bạn vẫn tiếp tục thiết lập và duy trì được những mối quan hệ xã hội mới.
Việc làm sau khi về hưu giúp bạn có được nhịp sống năng động, khỏe khoắn, lành mạnh, tinh thần và sức khỏe tốt lên rất nhiều
Vậy, bạn có thể làm việc gì sau khi về hưu?
Thực tế là, có rất nhiều công việc bạn có thể làm sau khi về hưu.
Đó là làm việc thuộc về chuyên môn nghiệp vụ của mình. Khi bạn được tiếp tục làm công việc thuộc về chuyên môn yêu thích của mình, bạn sẽ thấy vô cùng vui vẻ thoải mái, bởi đó là lĩnh vực bạn đã thành thạo, giàu kinh nghiệm và rất tự tin. Tuyệt vời hơn là bạn sẽ làm nó với lòng yêu thích và ước muốn tự khẳng định mình, chứ không vì áp lực công việc, thời gian hay thu nhập.
Về hưu, là lúc bạn có thể bắt tay vào làm công việc mình yêu thích, dự định ấp ủ lâu ngày nhưng chưa có điều kiện để thực hiện. Đó có thể là công việc kinh doanh (khởi nghiệp sau khi về hưu, tại sao không nhỉ?), đó cũng có thể là các hoạt động xã hội đóng góp cho cộng đồng, ví dụ như tham gia các dự án xây dựng quê hương, tìm hiểu về lịch sử địa phương, bảo tồn các di tích, di sản văn hóa…
Bạn cũng có thể làm những công việc thuộc về sở trường của mình như viết báo, vẽ tranh, tham gia các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, các hoạt động duy trì, bảo tồn các di sản văn hóa mà người cao tuổi là một vốn quý.
Người về hưu thực sự rất thành thạo, giàu kinh nghiệm và rất tự tin khi làm những việc thuộc về chuyên môn nghiệp vụ của mình.
Việc làm mà người về hưu nào cũng có thể tham gia một cách thoải mái, đó là các hoạt động thiện nguyện. Dựa vào uy tín, lòng nhiệt tình, kinh nghiệm tổ chức, các mối quan hệ đã thiết lập được khi còn đi làm, bạn hoàn toàn có thể làm tốt việc vận động quyên góp để giúp đỡ những người kém may mắn trong xã hội.
Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, bốn trụ cột của già hóa tích cực là: có sức khỏe, tham gia vào các công việc xã hội, có đời sống an sinh vững vàng, và tiếp tục học tập. Đi làm sau khi nghỉ hưu, không những bạn đã già hóa tích cực, mà hãy tin rằng, bạn còn trẻ ra so với khi không đi làm đấy.