Lầm tưởng về cuộc sống nghỉ hưu khi còn trẻ

GD&TĐ - Nghỉ hưu sớm khi độ tuổi còn rất trẻ đang là xu hướng của nhiều người. Tuy nhiên, theo chuyên gia, đây chỉ nên là trào lưu nhất thời bởi nhiều người vẫn lầm tưởng về cuộc sống nghỉ hưu khi còn trẻ.

Nhiều người trẻ muốn nghỉ hưu sớm để không phải bon chen, vất vả nhưng lại rơi vào vòng luẩn quẩn. 
Ảnh minh họa
Nhiều người trẻ muốn nghỉ hưu sớm để không phải bon chen, vất vả nhưng lại rơi vào vòng luẩn quẩn. Ảnh minh họa

Ăn bám tiền thụ động?

Ở một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… nhiều bạn trẻ đang mong muốn được nghỉ hưu sớm. Họ muốn tối giản chi tiêu, để dành tiền tiết kiệm và sẽ nghỉ hưu khi chưa đến 40 tuổi.

Họ lý giải rằng, “cuộc sống có hạn” và “đời người rất ngắn”, vì vậy, thay vì bon chen tranh đấu nơi công sở, nên nghỉ hưu sớm để an nhàn hơn. Họ cũng cho rằng, tối giản chi tiêu, chỉ cần tinh thần thoải mái thì có chút tiền tiết kiệm trước đó là đủ.

Nghiên cứu công bố tháng 11/2020 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, số lượng người sinh từ 1946 - 1964 báo cáo nghỉ hưu nhiều hơn 1,2 triệu so với mức trung bình hàng năm. Trong khảo sát của Cục Điều tra dân số Mỹ, 2,7 triệu lao động từ 55 tuổi trở lên có kế hoạch nộp đơn nghỉ hưu sớm, gần gấp đôi so với 1,4 triệu người trong độ tuổi này muốn tiếp tục làm việc.

Ở Việt Nam, nhiều người trẻ cũng thẳng thắn bày tỏ mong muốn được nghỉ hưu sớm. Gây chú ý trong số đó là chia sẻ trên mạng xã hội của một cô gái người Hưng Yên.

Theo đó, cô gái này đã quyết định nghỉ hưu sớm ở tuổi 27 với một cuốn sổ tiết kiệm chỉ hơn 100 triệu đồng cùng 1 chiếc xe đạp, 1 tấm thảm yoga, 1 iPad, 1 điện thoại.

Lựa chọn cuộc sống về hưu khi chưa đến 30 tuổi để mỗi ngày không phải chịu áp lực kiếm tiền, chỉ tập trung bồi đắp tinh thần từ việc nấu ăn, tập yoga, thêu thùa... của cô gái vướng nhiều phản ứng trái chiều.

Theo chuyên gia, để có thể yên tâm nghỉ hưu sớm, bạn cần có kế hoạch rõ ràng. Ngoài việc tiết kiệm tối đa chi phí, cần có thêm khoản đầu tư sinh lời để sau này chi phí sinh hoạt tăng lên thì vẫn có đủ tiền chi tiêu khi về già.

Thạc sĩ Lê Thị Minh Hằng – chuyên gia Tâm lý sức khỏe và An sinh xã hội - cho rằng, sự nhầm lẫn về tự do tài chính đang khiến nhiều bạn trẻ có nguy cơ trở thành gánh nặng cho người thân. Hiện, nhiều gia đình trẻ được bố mẹ cho nhà, cho xe. Thậm chí, nhiều người còn có tiền thụ động là thu nhập từ cho thuê nhà hàng tháng. Vì vậy, xu hướng nghỉ hưu sớm ngày một nhiều. Tuy nhiên, bạn trẻ không hiểu rằng đó vốn là một gánh nặng cho cha mẹ dù họ đã cao tuổi.

Chưa kể đến việc ở nhà lâu ngày cũng gây ra nhiều hệ lụy. Không phải ai cũng xây dựng được thói quen, nền nếp sinh hoạt lành mạnh. Ngoài ra, khi chỉ trông cậy vào số tiền thụ động hàng tháng, cả gia đình phải có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm. Bởi số tiền có được đều dùng cho việc chăm sóc, nuôi dạy con cái và nhiều thành viên khác. Nó vốn không sinh lời để bạn có thể “thoáng tay” hưởng thụ cuộc sống.

Thạc sĩ Lê Thị Minh Hằng phân tích thêm, hơn ai hết, họ hiểu rằng việc tiết kiệm quá mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý. Vấn đề giảm thu nhập khi không đi làm chỉ khiến kế hoạch tự do tài chính khó đạt được hơn. Cho đến khi việc tằn tiện ăn sâu vào ý thức, từ thói quen trở thành một phần tính cách, khiến cho người ta không thể hưởng thụ. Cuối cùng chẳng khác gì đày đọa cuộc sống của mình. Quay trở lại mục đích nghỉ hưu sớm là một cuộc sống không lo nghĩ, không áp lực của bạn trẻ đều không đạt được. Bởi lúc này, chính bạn đã bị tiền bạc chi phối, khiến cuộc sống trở thành một vòng luẩn quẩn, bế tắc.

Cần có kế hoạch cho việc về hưu

Cũng theo chuyên gia Lê Thị Minh Hằng, nghỉ hưu sớm chỉ nên khi độc lập về tài chính, sống tiết kiệm và gia tăng thu nhập chứ không phải phụ thuộc vào tiền thụ động. Có như vậy, bạn trẻ mới có cuộc sống như mình mong muốn. Hơn nữa, việc dựa dẫm vào điều kiện gia đình để nghỉ hưu sẽ không bền vững. Cuộc sống của con người khó nói trước, nhất là bệnh tật, hoặc các khoản chi lớn bất ngờ ập đến.

Nhiều bạn trẻ hiện nay quan niệm rằng, nghỉ hưu sớm là lối sống chậm. Từ đó, họ giảm chi tiêu, tiết kiệm chút tiền để nghỉ hưu non và tiêu dè sau này.

Lối sống này khác hoàn toàn với những người có kế hoạch nghỉ hưu. Nghĩa là họ cố gắng tăng thu nhập, lấy tiền đi đầu tư dù vẫn hạn chế chi tiêu những thứ không cần thiết. Và cũng có nghĩa không phải nghỉ hưu là ngừng sinh lời, kiếm tiền, không làm gì hết.

Startup Nguyễn Đình Tuấn – Giám đốc Công ty Cung ứng thực phẩm sạch Hà Nội - cho rằng, dù nghỉ hưu non nhưng vẫn nên tích cực làm việc, đóng góp cho xã hội. Bạn trẻ cần đạt được tự do tài chính nhờ kết hợp tiết kiệm lẫn đầu tư. Phải biết làm giàu cho bản thân chứ không gò ép quá mức để rồi gặp rắc rối về sức khỏe hay lâm vào tình trạng lười biếng.

Việc hiểu nhầm lối sống chậm khi nghỉ hưu sớm sẽ khiến nhiều người gò ép chi tiêu cá nhân. Để rồi khi bước qua tuổi trung niên, họ không thể chịu đựng được cuộc sống vất vả đó nữa và đi làm trở lại.

Vì vậy, nếu đang là một người trẻ tuổi có ý định nghỉ hưu sớm, nên cân nhắc lại. Hãy dành thanh xuân của mình để cống hiến và sống một cuộc đời có ý nghĩa. Đó là cách đóng góp nhiều điều tích cực cho xã hội, thay vì trở thành một gánh nặng bởi lối sống ì ạch.

“Về hưu sớm với nhiều người đồng nghĩa với việc ngừng làm việc, ngừng kiếm tiền. Từ đó, mọi người cố gắng hạn chế chi tiêu tới mức tối thiểu để có thể sống bằng số tiền đã tiết kiệm được từ trước đó. Không may rằng số tiền này thì có giới hạn. Nhưng để sống mà không phải làm việc khi cuộc đời phía trước còn rất dài, chẳng còn cách nào khác ngoài việc mỗi ngày một tằn tiện hơn. Như vậy, về hưu sớm có an nhàn, thoải mái hơn không?” – ông Nguyễn Đình Tuấn nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ